Cú xoay trục bất ngờ hay trò mạo hiểm?

22/10/2016 21:27

(Baonghean) - Trong chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte một lần nữa gây sốc khi hùng hồn tuyên bố sẽ “chia tách” với đồng minh lâu đời Mỹ trong lĩnh vực quân sự và kinh tế.

Dẫu không lạ gì thái độ “khó dự báo” của nhà lãnh đạo này, đây vẫn là đòn giáng mạnh khiến chính quyền ông Obama phải nhíu mày, đồng thời đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về tương lai quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Duterte và ông Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trong lễ đón Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc. Ảnh: EPA.
Ông Duterte và ông Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trong lễ đón Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc. Ảnh: EPA.

Có mới nới cũ

Nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Philippines chỉ mới bắt đầu được khoảng 5 tháng, nhưng chiến lược ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á này đã thay đổi đáng kể so với chính quyền tiền nhiệm. Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc, ông Duterte “bạo miệng” tuyên bố tại một diễn đàn kinh doanh ở Bắc Kinh, khẳng định rõ ý đồ tái định hình các mối quan hệ của Philippines với đồng minh thân cận nhất, đó là “xoay trục” tách khỏi Mỹ và ngả về Trung Quốc.

“Nước Mỹ giờ đã thất bại rồi. Tôi đã điều chỉnh lại bản thân cho phù hợp mạch nguồn ý thức hệ của Trung Quốc và có khả năng tôi cũng sẽ tới Nga, trò chuyện với Putin và nói với ông ấy rằng chỉ có 3 nước đang chống lại cả thế giới - Trung Quốc, Philippines và Nga. Đó là con đường duy nhất” - nhà lãnh đạo đến từ Manila nói.

Duterte cũng làm rõ kiểu “chia tách” trong tư duy của mình: “Tôi tuyên bố chia tách khỏi nước Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế, dù có thể không về khía cạnh xã hội”.

Những lời lẽ của ông không chỉ có nguy cơ làm đổ vỡ quan hệ Mỹ-Philippines mà còn ảnh hưởng đến các quan hệ của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương, khu vực ông Obama đặt làm trụ cột trung tâm trong tham vọng chính sách đối ngoại của mình khi muốn Mỹ có vị thế vững chắc trong thế kỷ của Thái Bình Dương. Dù Nhà Trắng đang nỗ lực nhấn mạnh những khía cạnh tích cực trong mối quan hệ lâu đời với đảo quốc Đông Nam Á, bình luận của Duterte cũng khiến Washington dậy sóng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby khẳng định Mỹ sẽ yêu cầu một lời giải thích, cho rằng những tuyên bố mới nhất “là chuỗi tiếp nối giọng điệu khá mạnh bạo mà Mỹ tin rằng không phù hợp với kiểu quan hệ mà Mỹ đã, đang và sẽ gây dựng với người dân Philippines”.

Ông Duterte phát biểu tại diễn đàn kinh doanh ở Bắc Kinh hôm 20/10. Ảnh: AFP.
Ông Duterte phát biểu tại diễn đàn kinh doanh ở Bắc Kinh hôm 20/10. Ảnh: AFP.

Nhìn lại trong 30 năm qua, Philippines luôn được liệt vào hàng các đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ tại châu Á. Quan hệ song phương ổn định không những đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ, mà còn phục vụ không ít cho sự vươn lên của quốc gia Đông Nam Á này.

Có thể thấy các quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng đã giúp giải phóng Philippines khỏi nhu cầu cấp bách phải xây dựng một quân đội hùng hậu để tự mình bảo vệ đất nước. Từ đó, các lực lượng vũ trang của Manila có điều kiện để tập trung chủ yếu đấu tranh chống các mối đe dọa từ các thế lực bên trong, chẳng hạn như các nhóm nổi dậy hoạt động ở miền Nam.

Giờ đây, người ta ngờ rằng liệu lực lượng hải quân của Philippines có đủ sức tự lực cánh sinh, bảo vệ họ trước những mối đe dọa từ bên ngoài hay không, khi tự tay nhà lãnh đạo của họ đã cắt đứt sợi dây hữu hảo, làm xói mòn quan hệ đồng minh với cường quốc hàng đầu thế giới.

Về phần Mỹ, chiến lược tổng thể tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với sức mạnh ngày một lớn và tầm ảnh hưởng đang tăng lên trong khu vực của Trung Quốc hiện có thể rơi vào hố sâu sụp đổ bất cứ lúc nào. Những bước đi của ông Duterte diễn ra đúng thời điểm không mấy thuận lợi cho Washington, khi mà quỹ thời gian còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama không nhiều. Và ngay cả sau cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8/11, Mỹ cũng sẽ cần thêm thời gian để tái định vị chiến lược đối với cả Trung Quốc lẫn khu vực Đông Nam Á.

Phillipines đang “xoay trục” sang Trung Quốc? Ảnh: EPA.
Phillipines đang “xoay trục” sang Trung Quốc? Ảnh: EPA.

Thả mồi bắt bóng?

Tờ DW bình luận tuyên bố vừa rồi của Tổng thống Rodrigo Duterte đích thị là động thái ngoại giao chưa từng có, thậm chí có thể xem là “món quà Duterte gói ghém tặng người bạn mới ở Bắc Kinh”, hòng đảo chiều quan hệ vốn dĩ không mấy tốt đẹp giữa Philippines với Trung Quốc.

Không khó để thấy rằng trong lúc mối quan hệ Philippines-Mỹ xấu đi, bên được lợi nhất là Trung Quốc. Chuyến thăm Bắc Kinh và cả những lời lẽ hùng hồn của ông Duterte là điều khiến Trung Quốc mát lòng mát dạ.

Chỉ mấy tháng trước, Trung Quốc và Philippines còn đứng 2 đầu trận chiến gay gắt liên quan đến tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với các đảo và đá trên Biển Đông. Trung Quốc bị xử thua trong vụ kiện của Manila tại tòa trọng tài quốc tế ở The Hague. Dù vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế, nước này vẫn lớn tiếng không công nhận phán quyết của tòa.

Thế mà cục diện đã đổi, giờ đây Trung Quốc như đã có được điều mà họ muốn: đối thoại song phương thay vì dàn xếp đa phương. Theo DW, Duterte đã tự tay trao tặng “chiến thắng” đó cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, để đổi lấy hàng tỷ USD viện trợ kinh tế, thỏa thuận thương mại và dự án cơ sở hạ tầng.

Giới phân tích cho rằng Duterte đang muốn chứng tỏ chính sách đối ngoại “độc lập” của mình là thành công vĩ đại, nhưng lại bỏ qua những rủi ro lớn trong chiến lược này. Có thể ông sẽ đem về được một vài lợi ích trong ngắn hạn cho đất nước Philippines, đặc biệt trên đấu trường kinh tế, nhờ vào số tiền nhận được từ Trung Quốc đánh đổi bằng sự xa cách với Mỹ.

Thế nhưng, ngay cả tại Philippines, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo thay đổi trong chính sách của Duterte khó có thể đưa Philippines trở thành một nước “độc lập hơn”, mà đơn giản là chuyển từ phụ thuộc vào Mỹ sang dựa dẫm Trung Quốc. Bất chấp tất cả, Duterte chẳng mảy may đoái hoài đến các quan ngại như vậy, vẫn khăng khăng chính sách đối ngoại “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”!

Ông Duterte muốn “chia tách” với Mỹ và xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga. Ảnh: Internet.
Ông Duterte muốn “chia tách” với Mỹ và xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga. Ảnh: Internet.

Rộng cửa với Bắc Kinh và đóng sầm cánh cửa với Mỹ là cách mà Tổng thống Philippines tự đặt mình vào trò chơi đầy rẫy hiểm nguy. Nếu cả tin cho rằng người láng giềng khổng lồ Trung Quốc nhìn nhận Philippines như một đối tác bình đẳng, có lẽ ông Duterte đã phạm sai lầm lớn. Thay vì thuật ngoại giao “đi trên dây” cân bằng quan hệ với các nước lớn, “chiêu bài” của Duterte có thể gây phản tác dụng.

Nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Capital Economics - Mark Williams nhận định: “Nếu các quan hệ với Mỹ xôi hỏng bỏng không, sẽ có lý do để lo ngại, bởi Mỹ đầu tư rất nhiều tại Philippines. Xoay trục sang Trung Quốc không đem lại lợi ích gì, bởi Trung Quốc là nhà đầu tư nhỏ hơn nhiều”.

Thật vậy, kim ngạch thương mại hàng hóa 2 chiều giữa Mỹ và Philippines đạt tới 18 tỷ USD trong năm 2015, và các công ty của Mỹ đã đầu tư hơn 4,7 tỷ USD tại Philippines. Mỹ cũng chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 17,6 tỷ USD kiều hối gửi về Philippines trong năm nay. Ai cũng có thể nhận thấy những thiệt hại mà đảo quốc này sẽ phải gánh chịu khi “nói lời tạm biệt” với Mỹ, song “mổ xẻ” những ngôn từ vừa qua của Duterte, có vẻ như đó lại không phải là điều khiến vị chính khách này bận tâm.

Phú Bình

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cú xoay trục bất ngờ hay trò mạo hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO