Cuộc đua lãi suất vẫn chưa 'hạ nhiệt'

Thu Huyền 17/12/2022 09:10

(Baonghean.vn) - Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục có các chỉ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, nhưng hiện nay nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục hút vốn với lãi suất hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao.

Giải tỏa áp lực vốn cho doanh nghiệp

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5% - 2% cho toàn hệ thống, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm. Đây được coi là một động thái điều hành chính sách tiền tệ nhằm giải tỏa áp lực vay vốn của cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nguồn hàng cho dịp cuối năm.

Cùng với quyết định nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định thông điệp chỉ rót vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ khuyến khích các ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực. Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài hơn, kể cả qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm khi cho vay hướng tới mục tiêu chung là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank có mặt bằng lãi suất ổn định, thấp hơn thị trường. Ảnh: Thu Huyền

Ông Đoàn Quang Lê - Phó Giám đốc Công ty CP Trung Đô chia sẻ, năm 2022 doanh số của công ty đạt 800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Hiện nay, chúng tôi đang vay vốn 300 tỷ đồng, mặc dù vậy việc tiếp cận ngân hàng thuận lợi và lãi suất bình ổn. Tháng 12 chúng tôi vay cao hơn đầu năm 2%/năm nhưng thấp hơn tháng 11 là 1%/năm và mức tăng như vậy là chấp nhận được. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước thời điểm này rất kịp thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng với nguồn tín dụng được tăng thêm sẽ giảm tải được áp lực khó khăn về tài chính cho nhu cầu vốn đang tăng cao ở thời điểm này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng vốn cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã họp bàn với tất cả các ngân hàng thương mại để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ổn định đà tăng của lãi suất. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động lên 11%/năm để đảm bảo nguồn huy động vốn, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, từ đó giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5 - 2%/năm.

Nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh thời điểm này đang tăng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất vật liệu cao cấp của Công ty CP Trung Đô tại xã Nghi Văn, Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Trong năm đã có 02 lần triển khai văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Ngày 29/9/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành, tăng 0,3 - 1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại tổ chức tín dụng; ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành, tăng 1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại các tổ chức tín dụng, tăng 1% mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Lãi suất huy động tiếp tục cuộc đua

Mặc dù Hiệp hội Ngân hàng đã họp bàn tăng cường giải pháp giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng hiện tại lãi suất vẫn tiếp tục tăng, thậm chí tăng từng ngày. Tại Ngân hàng VIB chi nhánh Vinh, ngày 15/12 lãi suất huy động 6 tháng là 10,5%/năm, sang ngày 16/12 tăng lên 10,7%/năm đối với khoản huy động trên 1 tỷ đồng kèm theo quà tặng.

Hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy trên 10%/năm, thậm chí trên 11%/năm như HD bank, SHB,... và có các mức khuyến mại dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn. Lãi suất huy động đang thiết lập mặt bằng mới, mà theo nhiều ngân hàng là để hút vốn đảm bảo nhu cầu vốn cuối năm, trả lương thưởng, hay ứng trước tiền nguyên liệu để kịp cho đơn hàng đầu năm tới.

Lãi suất huy động tăng cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng, nhất là tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Ngân hàng HD Bank cho biết: Thực tế, tốc độ tăng trưởng huy động không đáp ứng đủ nhu cầu cho vay. Nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh thời điểm cuối năm và đón đầu cho năm tới rất cao, do vậy, các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động. Đây là bước tạo nguồn để cho vay đầu năm. HD Bank đang tập trung huy động nguồn vốn mặc dù trong năm 2022, tăng trưởng huy động lên tới 30%; tăng trưởng dư nợ là 20%.

Doanh nghiệp thương mại nhu cầu cuối năm tăng cao để chuẩn bị hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm, nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì đầu năm bắt đầu vào chu kỳ sản xuất. Chính vì thế, đây đang là thời điểm vào mùa hút vốn của ngân hàng. Và mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường có 2 phân khúc, với các ngân hàng thương mại nhà nước 4 "ông lớn" là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV thì lãi suất huy động và cho vay ổn định, thấp hơn thị trường. Tại các ngân hàng này, doanh nghiệp vay lưu động ngắn hạn 9%/năm; vay đầu tư dài hạn 11%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng khối thương mại cổ phần lại có mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tăng cao. Chẳng hạn tại VIB, lãi suất cho vay kinh doanh hiện áp mức 13%/năm, đối với tiêu dùng là 16%/năm.

Nhiều doanh nghiệp than phiền lãi suất quá cao; nhưng vì cần nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, hoàn thiện công trình nên vẫn phải chấp nhận vay. “Bên cạnh nới room tín dụng, các ngân hàng phải giảm lãi suất, nếu không doanh nghiệp sẽ không dám vay, trừ khi có những kế hoạch kinh doanh thật khả quan” - một doanh nghiệp chia sẻ.

Theo ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến 31/12/2022, nguồn vốn huy động tại địa bàn (không tính ngân hàng phát triển) ước đạt 194.767 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 19.301 tỷ đồng, bằng 11%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2021 (9,6%). Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 259.953 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 31.121 tỷ đồng, bằng 13,6% (tốc độ tăng năm 2021 là 9,4%). Trong đó, dư nợ trung dài hạn ước chiếm 41,5%.

Dư nợ tập trung một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 29% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 18%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 12%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 10%; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 10%, so với đầu năm tăng 11%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3% dư nợ toàn địa bàn.

Hiện Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục có các chỉ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài hơn kể cả qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm khi cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Để hỗ trợ nền kinh tế, đến nay nhiều ngân hàng cam kết giảm tiền lãi cho vay; kỳ vọng sẽ xuất hiện đợt giảm lãi suất diện rộng trong thời gian tới./.

Mới nhất
x
Cuộc đua lãi suất vẫn chưa 'hạ nhiệt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO