Cuộc trùng phùng của thiếu nữ Nghệ An bị lừa bán làm vợ từ lúc 12 tuổi

(Baonghean.vn) - Khi đang còn là một đứa trẻ, Dân bị người hàng xóm, cũng là họ hàng gần lừa bán qua Trung Quốc làm vợ. Nhưng có lẽ đây là nạn nhân mua bán người may mắn nhất từ trước đến nay khi em được một gia đình mua lại, cưu mang chờ ngày trở về nước.

Gia đình ly tan

Những ngày đầu tháng 9, căn nhà sàn xiêu vẹo vốn bỏ không nhiều năm nay của chị Xeo Thị Oanh (45 tuổi), ở bản Sơn Thành, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) rộn ràng lạ thường. Nhiều hàng xóm, họ hàng nghe tin đứa con gái của chị mất liên lạc gần 10 năm nay đã trở về nên đến thăm hỏi, chúc mừng.

10 năm trước, cô con gái thứ 2 Kha Thị Kim Dân của chị Oanh bị lừa bán đi làm vợ đàn ông Trung Quốc. Chẳng lâu sau đó, chồng chị Dân cũng chán nản mà lao vào con đường nghiện ngập, cả ma túy lẫn rượu chè. Chị Oanh đành phải đưa 2 đứa con còn lại về nhà ngoại ở tận xã Keng Đu cách đó gần 80 km. Một thời gian sau, chồng chị bị bắt đi tù vì liên quan đến ma túy. Căn nhà sàn nhỏ - tài sản lớn nhất của cả gia đình bỏ không từ đó đến nay.

Căn nhà sàn của Dân. Ảnh: TV
Căn nhà sàn của Dân. Ảnh: Tiến Hùng

“Tôi cứ nghĩ mất nó thật rồi”, chị Oanh nấc nghẹn. Người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ cho hay, Dân là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Gia đình chị Oanh trước đây là một trong những hộ nghèo đói nhất ở xã vùng cao này. Có khi cả tháng, các con của chị chẳng được biết đến miếng thịt. Trường học cách xa, chị em Dân mỗi ngày phải cuốc bộ nhiều km vì không có xe đạp. Gắng gượng được đến năm lớp 7, Dân cũng phải bỏ học vừa để gia đình bớt đi một gánh nặng, vừa phụ giúp bố mẹ. Đứa trẻ vừa tròn 12 tuổi khi đó đến làm thuê, rửa chén bát cho một quán ăn ở thị trấn Mường Xén.

Nghe tin Dân bỏ học đi rửa bát thuê ở thị trấn, bà Vi Thị Nguyệt đến tận nhà hỏi thăm. Bà Nguyệt vừa là hàng xóm trú cùng bản, cũng là họ hàng gần với gia đình Dân. Sau vài cuộc thăm hỏi, Nguyệt dụ dỗ đứa cháu họ “sang Lào làm thuê, việc nhẹ lương cao”.

Khoảnh khắc Dân gặp lại người thân sau gần 10 năm. Ảnh: TV
Khoảnh khắc Dân gặp lại người thân sau gần 10 năm. Ảnh: TV

Tin tưởng bà Nguyệt, chẳng cần suy nghĩ lâu, cả gia đình đồng ý cho Dân đi theo. Nhưng bà Nguyệt lại không đưa cháu qua Cửa khẩu Nậm Cắn mà lại bắt xe khách đưa xuống TP. Vinh. “Quãng đường từ nhà em đến Cửa khẩu Nậm Cắn để sang Lào chỉ mất khoảng vài chục phút chạy xe máy. Nhưng em lại được đưa lên xe khách chở xuống TP. Vinh, rồi bà Nguyệt giao em cho một người khác. Lúc đó em cũng thấy khó hiểu, nhưng vì còn nhỏ quá, lại tin tưởng bà ấy nên cứ nghe theo”, Dân kể, với vốn tiếng Kinh đã không còn được tròn trịa sau nhiều năm ở xứ người.

Ngôi nhà bỏ không nhiều năm nay. Ảnh: TV
Ngôi nhà bỏ không nhiều năm nay. Ảnh: Tiến Hùng

Nạn nhân may mắn

Sau hành trình dài hàng nghìn km, với nhiều lần liên tục đổi phương tiện, Dân được đưa đến tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Xuống xe, Dân mới biết em đã bị lừa. Bọn buôn người sau đó rao bán Dân làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Nhưng những vị khách đều lần lượt bỏ qua vì Dân lúc đó quá nhỏ bé. Chúng đành phải bán rẻ em cho một gia đình nông dân bản địa với giá gần 200 triệu tiền Việt. “Em thật là may mắn vì gia đình đó là người tốt, họ nhận em làm con nuôi. Có lẽ em là nạn nhân mua bán người may mắn nhất”, Dân nói.

Mẹ con Dân cùng cơ quan chức năng trong ngày đoàn tụ. Ảnh: TV
Mẹ con Dân cùng cơ quan chức năng trong ngày đoàn tụ. Ảnh: Tiến Hùng

Đứa trẻ vùng cao nheo nhóc, đen đúa, nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp nói rằng, thời gian đầu, em chỉ muốn bỏ trốn, tìm đường về quê, nhưng chẳng có cách nào cả. “Hồi đó điện thoại không có, tiếng Trung Quốc cũng chẳng biết, xung quanh chẳng quen ai nên không thể nào. Không biết nói chuyện với ai, đêm nào em cũng khóc cả”, Dân kể.

Trong khi đó, ở quê nhà Kỳ Sơn, sau vài tháng không thấy con gái liên lạc, gia đình Dân bắt đầu lo lắng. Họ tìm gặp bà Vi Thị Nguyệt nhưng cũng chẳng được vì hành tung người phụ nữ nằm trong đường dây buôn người này luôn bí ẩn, chả mấy khi ở quê. “Có lần con gái bà ta cưới, bà ấy về dự chúng tôi mới tìm gặp được để hỏi thông tin về con gái. Nhưng bà ấy cứ ấp úng, nói là để một thời gian sau nữa sẽ đưa chúng tôi qua Lào gặp con gái. Rồi từ đó bà ấy cũng mất tích luôn đến nay”, chị Xeo Thị Oanh kể lại.

Từ một đứa trẻ nheo nhóc, đen đúa, Dân bây giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Ảnh: TV
Từ một đứa trẻ nheo nhóc, đen đúa, Dân bây giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Ảnh: Tiến Hùng

Những năm đó, chị Oanh nhiều lần vay mượn tiền qua Lào để kiếm con gái nhưng cũng chẳng có thông tin nào. Chị xuống TP. Vinh, không biết bắt đầu từ đâu, chỉ lang thang dọc các tuyến đường đông đúc nhà hàng những cũng chẳng thấy bóng dáng con gái. Hết tiền, chẳng còn biết vay mượn ai, chị mới chịu quay về. Nhưng tình thương của một người mẹ đã không cho phép chị ngồi yên.

Ngày ấy, người dân ở gần Bến xe Mường Xén hầu như quen mặt chị. Bởi gần như ngày nào chị Oanh cũng rong ruổi tìm con ở đây. Cứ hễ thấy một chuyến xe khách nào cập bến, chị đều chen lấn vào để nhìn mặt từng người, rồi lân la hỏi thăm. Nhưng tất cả nỗ lực của người mẹ nghèo đều không mang lại kết quả.

Cho đến một ngày cách đây vài tháng trước, chị Oanh nhận được thông tin con gái mình còn sống, nhưng đang ở một tỉnh xa xôi của Trung Quốc.

“Hôm đó tôi lên Facebook, thấy bài đăng của một thanh niên người Sơn La đang làm việc ở Trung Quốc. Nội dung trong đó có tên tuổi, quê quán cụ thể của Dân. Đọc xong, tôi liền la lên trong vui sướng “cháu mình đây rồi”, sau đó lập tức báo cho gia đình cũng như cấp trên”, anh Cụt Sỹ Ỏn, công an viên bản Sơn Thành, cũng là họ hàng của Dân kể.

Nói về bài đăng tìm gia đình, Kha Thị Kim Dân kể, trong suốt 10 năm ở Trung Quốc, em chẳng hề gặp được một người đồng hương nào. Gần đây, tình cờ em gặp một thanh niên quê ở Sơn La nên kể chuyện với người này, nhờ đăng thông tin tìm người thân để được đưa về nước. Nhưng sợ rơi vào tay bọn buôn người một lần nữa, Dân rất cẩn thận. Khi gia đình ở quê thông qua người thanh niên quê Sơn La để liên lạc với Dân, thiếu nữ này vẫn rất cẩn trọng, không hề chia sẻ thông tin về chỗ ở hiện tại của mình. Thay vào đó, em liên tục đưa ra các câu hỏi để kiểm chứng, thậm chí yêu cầu chụp ảnh người nhà gửi qua xem. Khi chắc chắn chính xác, em mới chịu cung cấp về địa chỉ của mình. 

Dân kể với cảnh sát hình sự về quá trình bị lừa bán. Ảnh: TV
Dân kể với Cảnh sát hình sự về quá trình bị lừa bán. Ảnh: Tiến Hùng

Từ những thông tin đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Nghệ An, phối hợp với Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh đã tổ chức giải cứu, đưa em về nước bàn giao cho gia đình vào cuối tháng 8 vừa qua. Hiện Công an Nghệ An đang điều tra, truy tìm những kẻ đã lừa bán Dân sang Trung Quốc để xử lý theo quy định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An, Kha Thị Kim Dân cho biết, ở Trung Quốc hiện em cũng đã có công việc ổn định và có bạn trai. Em cũng đang dự kiến ở nhà một thời gian nữa rồi sang lại Trung Quốc. 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.