Đại lộ Vinh - Cửa Lò: Nâng tầm đô thị Vinh và kết nối các cực tăng trưởng
Cho đến nay, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã hoàn thành hai giai đoạn, tạo ra một trục giao thông hiện đại, rộng thoáng, tính kết nối cao trục trung tâm thành phố Vinh, nhất là sắp tới sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố. Đây là một nỗ lực lớn của tỉnh Nghệ An cùng các địa phương, các nhà thầu trong những năm qua.
Tuyến giao thông rộng nhất tỉnh
Đại lộ Vinh - Cửa Lò hiện nay là tuyến giao thông rộng nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có quy mô dài 10,832 km, điểm đầu Km0+00 giao với đường Trương Vân Lĩnh (TP. Vinh), điểm cuối Km10+832 giao đường Bình Minh (TX. Cửa Lò), đi qua địa bàn TP. Vinh (3,4 km), huyện Nghi Lộc (4,8 km) và TX. Cửa Lò (2,632 km).
Trước đó, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 994/QĐ-UBND-CN ngày 3/3/2010 và phê duyệt điều chỉnh ngày 2/5/2012) có tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước với quy mô dài 10,832 km, theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.
Mặc dù có điều chỉnh quy hoạch nhưng tuyến phải giữ mốc giới 160m nên đây hiện là tuyến đường rộng nhất tỉnh Nghệ An, có đoạn rộng tới 290m, đường chính mỗi bên 4 làn xe, tổng cộng là 8 làn xe, đường gom mỗi bên 2 làn xe.
Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An, tiến hành thi công 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 đến tháng 8/2024. Hiện nay, chỉ mất 15 phút là có thể đi từ trung tâm TP. Vinh đến thẳng bãi biển Cửa Lò. Trong suốt mùa Hè qua, dù tuyến đường này mới hoàn thành 2 trục ngoài, song phương tiện từ Vinh lưu thông xuống Cửa Lò và từ Cửa Lò lên Vinh liên tục. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của tuyến đường và thúc đẩy phải hoàn thành sớm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Gia đình tôi có người thân ở TP. Vinh, từ khi có cao tốc Bắc - Nam, theo hướng dẫn chúng tôi về Vinh rồi đi thẳng xuống biển Cửa Lò nghỉ mát. Giao thông thuận lợi nên gia đình chúng tôi đi xe riêng chỉ gần 4 tiếng đồng hồ đã về đến Vinh...
Đại lộ Vinh - Cửa Lò có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian quy hoạch, kiến trúc, tạo cơ sở hạ tầng, từ đó thu hút đầu tư, mở mang quỹ đất hai bên tuyến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Khi hình hài tuyến rõ lên, đã cho thấy sự hiện đại, quy mô, rộng thoáng, nâng tầm đô thị Vinh, mở rộng không gian đô thị này về phía Bắc, phía Đông; nhiều địa phương vùng ven đô thị Vinh cũng đã được hưởng lợi lớn.
Tuyến đại lộ này cũng là một trong những đáp án cho kết quả thực hiện xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị “cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh” và càng có ý nghĩa khi ngày 4/6/2024, Chính phủ đã ký Quyết định số 475/QĐ-TTg công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I. Theo đó, phạm vi thành phố Vinh mở rộng gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Vinh hiện hữu, thị xã Cửa Lò hiện hữu và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong) có tổng diện tích là 166,25 km2. Với Quyết định số 475/2024 của Chính phủ, tuyến đường này đã trở thành tuyến "xương sống" của đô thị Vinh mở rộng.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò kết nối ra sao?
Tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò sẽ giúp lưu thông lên các tuyến nội thị của thành phố Vinh, lên Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP đang thu hút hơn 40 dự án đầu tư, với tổng số cán bộ, công nhân viên hàng chục nghìn người. Cụ thể: Kết nối với đường V.I Lê Nin là tuyến đường trục trung tâm của thành phố Vinh có quy mô mặt cắt ngang rộng 56m, kết nối với đường 72m (nối từ đường Trương Vân Lĩnh đến đường tránh Vinh) với chiều dài khoảng 7,5 km, từ đây lên Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP; kết nối với các tuyến đường Hoàng Phan Thái, đường Chu Trạc, đường Bùi Thế Đạt, đường Lê Ngọc Hân, đường 35m của thành phố Vinh...
Từ đường 72m Đại lộ Vinh - Cửa Lò cũng kết nối với các Quốc lộ 46, 46C; cao tốc Bắc - Nam; Quốc lộ 1A; đường ven biển... tới các khu công nghiệp lớn của tỉnh. Từ điểm cuối thị xã Cửa Lò, tuyến kết nối với đường Bình Minh, đường Vinh - Cửa Hội, đường ven sông Lam lên quê Bác đến các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương; qua cầu Cửa Hội đến tỉnh Hà Tĩnh.
Ngoài ra, tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò còn kết nối với các đường liên xã, đường liên xóm các xã ngoại thành của thành phố (sau sáp nhập mở rộng), như Nghi Ân, Nghi Thạch, Nghi Phong, Nghi Thái. Như vậy, Đại lộ Vinh - Cửa Lò kết nối, giao cắt với 26 tuyến đường. Thực tế này đặt ra vấn đề lớn về kết nối ngã tư, về cống, điện chiếu sáng, bố trí đường gom, thoát nước, hạ tầng thông tin... phải đồng bộ và đảm bảo khi vào vận hành.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết: Khi thiết kế và thi công, các đơn vị đã tuân thủ quy hoạch hai bên tuyến, kiểm soát các lối ra, khớp nối với các dự án đã đầu tư xây dựng, đồng thời, các điểm đấu nối phải đảm bảo và tuân thủ theo nguyên tắc không gây ảnh hưởng nhiều đến dòng giao thông trên tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò.
Bên cạnh đó, kiểm soát với các tuyến đường cấp nội bộ trên các tuyến đường khu vực, mạng lưới giao thông có sự kết nối giữa các khu làng xóm cũ, khu ở mới. Thiết kế 9 điểm giao cắt, trên tuyến đường trục chính và đường chính đô thị bố trí tuy-nen kỹ thuật đi ngầm dưới vỉa hè để lắp đặt các tuyến cáp trung thế và hạ thế, ống cấp nước phân phối và dịch vụ, cáp thông tin.
Như vậy, tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò có ý nghĩa hết sức quan trọng khi kết nối với các cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An. Tuyến đường hoàn thành, không chỉ Vinh trở thành đô thị biển mà thành phố có các trục giao thông khoa học, lưu thông thuận tiện; các địa phương lân cận địa thế thu hút hơn, giá trị đất đai sinh lợi hơn khi giao thông “đến tận nhà”... Địa thế hấp dẫn sẽ thu hút các nhà đầu tư và phong trào khởi nghiệp trong khu vực, thúc đẩy kinh tế thành phố Vinh nói chung và Nghệ An ngày càng phát triển.
Khi thông xe tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò, theo quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, tỉnh và các ngành, thành phố Vinh sẽ thu hút đầu tư vào hai bên tuyến đảm bảo cho yếu tố tương lai, tránh manh mún, phá vỡ quy hoạch hai bên.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò tuyến chính thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên 4 làn rộng 16m; giải phân cách giữa rộng từ 21m - 216m; Giải phân cách giữa tuyến chính với đường gom mỗi bên rộng 3m và vỉa hè 2 bên, mỗi bên rộng 9m. Cụ thể: Đoạn từ Km0 – Km7+775 rộng 95m, gồm: Đường chính thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên 4 làn rộng 16m; GPC giữa tuyến chính và đường gom mỗi bên rộng 3m và dải phân cách giữa rộng 21m; Vỉa hè mỗi bên 9m; Đoạn Km7+775 - Km9+130 rộng 160m, gồm: Đường chính thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên 4 làn rộng 16m; Dải phân cách giữa tuyến chính và đường gom mỗi bên rộng 3m và dải phân cách giữa rộng 86m (mỗi bên thiết kế 8m vỉa hè, còn lại 70m thiết kế trồng cỏ); Vỉa hè mỗi bên 9m.
Đoạn Km9+130 - Km9+680 rộng 290m, gồm: Đường chính thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên 4 làn rộng 16m; Dải phân cách giữa tuyến chính và đường gom mỗi bên rộng 3m; Dải phân cách giữa rộng 216m (mỗi bên thiết kế 8m vỉa hè, còn lại 200m thiết kế trồng cỏ); Vỉa hè mỗi bên rộng 9m. Tổng đầu tư toàn tuyến cả 3 giai đoạn xấp xỉ 3.500 tỷ đồng.