Đào tạo hướng dẫn viên du lịch: Cần sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

02/02/2017 20:51

(Baonghean) - Theo ý kiến những người trong nghề, hiện ở Nghệ An số hướng dẫn viên du lịch có uy tín thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều này đang đặt ra dấu hỏi lớn trong công tác đào tạo hướng dẫn viên và chất lượng hướng dẫn viên tại các đoàn lữ hành.

Anh Nguyễn Tất Hậu - hướng dẫn viên du lịch Công ty Du lịch Anh Em đã có 10 năm trong nghề, từng là hướng dẫn viên của nhiều đơn vị lữ hành và được xem là một trong những hướng dẫn viên du lịch “cứng cựa” nhất của Nghệ An hiện nay. Khi được hỏi yếu tố nào để một hướng dẫn viên xây dựng được thương hiệu cho mình anh chỉ đúc kết được rằng: Chỉ cần yêu nghề, đam mê và muốn chinh phục nó thì “kiểu gì cũng thành công”.

Nói là nói vậy nhưng để có được “thương hiệu” hướng dẫn viên giỏi như anh Hậu không đơn thuần chỉ có tình yêu với nghề. Bởi sau khi tốt nghiệp, để trau dồi kỹ năng, anh đã phải tự học thêm rất nhiều từ ngoại ngữ cho đến rất nhiều kỹ năng trong thực tế.

Anh Hậu kể: “Có những khi “bể tour” do tắc đường, đến 3h chiều đoàn mới được ăn, nhưng khi tôi đã lo cho khách ăn xong mình mới vào bàn ăn thì khách tỏ vẻ không hài lòng, và trách cứ vì bữa ăn không hợp khẩu vị, rồi có những câu nói khiếm nhã, khiến lúc đó dù rất đói bụng nhưng anh em chúng tôi không nuốt nổi. Thế nhưng, tôi vẫn phải tận tình giải thích, và hứa sẽ làm việc kỹ với nhà bếp trong hành trình tiếp theo. Và đó chính là kỹ năng mà tôi học được sau những chuyến đi”.

Hướng dẫn viên Nguyễn Tất Hậu (bên phải) hướng dẫn khách nước ngoài tham quan tại Côn Đảo.
Hướng dẫn viên Nguyễn Tất Hậu (bên phải) hướng dẫn khách nước ngoài tham quan tại Côn Đảo.

Một hướng dẫn viên du lịch khi theo học ở các trường có đào tạo chuyên ngành du lịch phải học đủ các bộ môn nghiệp vụ buồng - bàn - bar - lễ tân, chế biến món ăn - hướng dẫn du lịch - lữ hành, ngoại ngữ... “Ngoài chương trình đào tạo theo quy định của bộ, nhà trường còn có các chương trình ngoại khoá cho học sinh, sinh viên như đi thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp, các khu du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó nhà trường còn bồi dưỡng thêm cho học sinh, sinh viên Ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp để thích ứng với môi trường ngành dịch vụ luôn năng động và đổi mới các em luôn cần có khả năng cập nhật và tích lũy những kiến thức và kỹ năng mới, phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp”, ông Phan Đăng Trường - Phó phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Du lịch Nghệ An cho biết.

Tuy nhiên, điều mà các trường có mã ngành đào tạo du lịch luôn khẳng định “sau mỗi khóa đào tạo ra trường các học sinh, sinh viên đã có thể hòa nhập tốt ở môi trường lữ hành và đều có thể cạnh tranh với những hướng dẫn viên lâu năm” là hoàn toàn thiếu thực tế. Bởi theo ông Tạ Khắc Uyên - Hội trưởng Hiệp hội Du lịch Nghệ An hiện trên địa bàn Nghệ An có 200 hướng dẫn viên du lịch, nhưng chỉ có khoảng hơn 1/3 trong số đó có thẻ, và chỉ có khoảng vài chục người được đánh giá là hướng dẫn viên giỏi, còn lại đều bị coi là thiếu trải nghiệm thực tế và đặc biệt là thiếu kỹ năng mềm.

Kỹ năng mềm nếu được đào tạo trong nhà trường sẽ bao gồm: Kỹ năng ứng phó tình huống, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng bán hàng, nghiệp vụ khách sạn. Đối với những cơ sở đào tạo có tiết học này thường cũng chỉ được hướng dẫn nôm na, nghèo nàn mà không thực sự để sinh viên va chạm, trải nghiệm những tình huống thực tế. Nên nếu thực sự xem đó là một bộ môn thực hành trong nhà trường thì chưa đủ.

Anh Cao Mạnh Cường - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch quốc tế ABC cho biết: “Cơ sở chúng tôi khi tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch thường thiếu kỹ năng về hướng dẫn. Vì thế, có nhiều em dù ngoại ngữ rất tốt nhưng mảng văn hóa và kỹ năng ứng phó tình huống thì chúng tôi phải đào tạo lại”. Và vì thế đối với hầu hết hướng dẫn viên mới ra trường dù được đào tạo chính quy, đơn vị vẫn phải cho đi tour kèm với một hướng dẫn viên cứng cựa khác. Nếu các trường ngay trong giáo trình đào tạo đã có kế hoạch liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên thì sẽ rút ngắn được quy trình đào tạo một hướng dẫn viên du lịch”.

Ngoài ra, để có thể làm một hướng dẫn viên giỏi, sinh viên ngành Du lịch cần phải được đào tạo ít nhất một ngoại ngữ hiếm ở mức độ giao tiếp thành thạo. Nhưng để đào tạo được ngoại ngữ này cần có lộ trình thời gian mà trong các nhà trường hầu hết chỉ đào tạo tiếng Anh, Pháp…

Ông Tạ Khắc Uyên - Hội trưởng Hiệp hội Du lịch Nghệ An cho biết: “Hiện đơn vị chúng tôi có 6/14 hướng dẫn viên được cấp thẻ nhưng trong 6 hướng dẫn viên này chỉ có một vài em có chứng chỉ ngoại ngữ hiếm (như Lào, Thái, Hàn Quốc…) và đa phần các em phải học thêm sau khi tốt nghiệp. Và dù được đào tạo chuyên ngành bài bản nhưng đa số khi đi làm các em chưa tự tin. Đây cũng một phần lỗi do công tác đào tạo trong nhà trường”.

Cũng theo ý kiến của ông Uyên thì: “Việc đào tạo từ trong các nhà trường có mã ngành du lịch và hướng dẫn viên du lịch cần nhất vẫn là đào tạo kỹ năng thực hành và thứ hai nhất thiết phải đào tạo được ngoại ngữ 1 đúng chuẩn C (tiếng Anh, tiếng Pháp) để học sinh, sinh viên muốn nâng cao chất lượng bằng cấp và chứng chỉ du lịch thì có thể tiếp cận nhanh với các chương trình học quốc tế. Và chất lượng hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao chính là từ chiến lược và giải pháp đó”.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đào tạo hướng dẫn viên du lịch: Cần sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO