Dấu hiệu giả danh nhà báo sách nhiễu ở Quỳ Châu

Nhóm PVĐT 15/10/2020 09:24

(Baonghean.vn) - Chiều 23/9/2020, có một nhóm 3 đối tượng đến trụ sở UBND xã Châu Bính (Quỳ Châu) xưng danh là phóng viên, nhà báo thực hiện các hành vi quay clip, chụp ảnh và có những lời lẽ không bình thường. Nghi vấn có sự giả danh nhà báo, UBND xã Châu Bính đã báo cáo sự việc đến các cơ quan chức năng...

Nghi vấn

Ngày 6/10/2020, UBND xã Châu Bính có Văn bản số 74/BC-UBND báo cáo về việc nghi vấn giả danh nhà báo gửi UBND huyện Quỳ Châu, Công an huyện, Phòng Văn hóa huyện.

Nội dung Văn bản số 74/BC-UBND như sau: Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 23/9/2020, tại trụ sở UBND xã Châu Bính đang làm việc thì có 3 người (1 nam, 2 nữ), khoảng 30-35 tuổi đến đi quanh các phòng làm việc tại trụ sở UBND xã, rồi sử dụng điện thoại cá nhân chụp ảnh, quay phim. Có một người phụ nữ trong nhóm gặp chị Hồ Thị Lê - Công chức văn phòng Đảng ủy và anh Trần Phi Hoan - Công chức văn hóa UBND xã để xin số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Châu Bính.

Trụ sở xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu. Ảnh: P.V
Trụ sở xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu. Ảnh: P.V

Trong ngày 23/9, có một số công chức, cán bộ đang được điều động đi tập huấn về chương trình 135 ở thành phố Vinh và xuống cơ sở, hơn nữa vì không rõ lai lịch của nhóm đối tượng nên các cán bộ này không cung cấp số điện thoại Chủ tịch UBND xã. Những người này sau đó đi ra khỏi trụ sở xã Châu Bính. Đến khoảng 30 phút sau, họ gửi hình ảnh, video đã dùng điện thoại cá nhân quay, chụp trong trụ sở UBND xã Châu Bính qua ứng dụng tin nhắn messenger cho kế toán tài chính UBND xã là chị Lê Thị Lan Hương, đồng thời, nhắn tin với hàm ý dọa dẫm.

Qua sự việc trên, UBND xã Châu Bính nhận định 3 đối tượng trên giả danh phóng viên, nhà báo. Lý do vì vào trụ sở cơ quan nhà nước nhưng không đăng ký làm việc; hỏi nhiều cán bộ, công chức chỉ để xin số điện thoại Chủ tịch UBND xã. Đáng nói là khi cán bộ xã hỏi về nhân thân thì xưng “là phóng viên báo chí”, nhưng thể hiện trên giấy giới thiệu của một trong ba đối tượng lại có những thông tin không đúng với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ của Tạp chí Dân tộc và Thời đại cấp cho bà Nguyễn Thị Vân (bút danh Hà Vân) từ ngày 15/2/2020 nhưng có giá trị đến ngày 30/12/2020; phần giới thiệu ghi những thông tin chung chung, không rõ ràng như: “Được cử đến các cơ quan doanh nghiệp”, để “Liên hệ về việc khai thác thông tin phục vụ công tác báo chí”. Từ những việc trên, UBND xã Châu Bính đã tiến hành lập biên bản sự việc, thu giữ giấy giới thiệu của Nguyễn Thị Vân; sau đó, báo cáo UBND huyện, Công an huyện, Phòng Văn hóa huyện để xin ý kiến chỉ đạo.

Cán bộ UBND huyện Quỳ Châu nắm bắt thông tin vụ việc qua Công an xã Châu Bính. Ảnh: P.V
Cán bộ UBND huyện Quỳ Châu nắm bắt thông tin vụ việc qua Công an xã Châu Bính. Ảnh: P.V


Đề nghị làm rõ

Kiểm tra những tin nhắn của một đối tượng gửi đến chị Lê Thị Lan Hương (đã được UBND xã Châu Bính sao chụp) thì có những hình ảnh, thông tin hàm ý cho rằng cán bộ lãnh đạo xã Châu Bính rời nhiệm sở không có lý do, trong khi tại phòng làm việc vẫn sử dụng các thiết bị điện như quạt, đèn… Chị Hương cho biết: sau khi nhận được hình ảnh, tin nhắn qua Zalo chị đã liên hệ với người đàn ông (tên Hùng). Qua trao đổi, đối tượng đã nói với chị Hương “sẽ làm việc với UBND huyện, nếu huyện không xử lý thì sẽ làm việc với Sở Nội vụ…”.

Về việc thu giữ được Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ của Tạp chí Dân tộc và Thời đại cấp cho bà Nguyễn Thị Vân, theo lãnh đạo UBND xã Châu Bính cho biết là do nhóm đối tượng để quên một tập tài liệu tại quán nước trước cổng trụ sở xã. Chủ quán nước sau đó đã báo cáo với xã và chuyển cho Công an xã tạm giữ. Trong tập tài liệu có một số giấy tờ, tài liệu và giấy giới thiệu của người có tên là Nguyễn Thị Vân. Qua kiểm tra, nhận thấy giấy giới thiệu không đúng thể thức theo quy định nên lãnh đạo xã đã liên hệ với Sở TT&TT để hỏi thì được hướng dẫn là cần lập biên bản tạm giữ; thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông liên tục trong 5 ngày, nếu quá thời hạn thì lập hội đồng để khai mở các tài liệu; đồng thời, được khuyến cáo là cần khẩn trương có báo cáo lên UBND huyện và các đơn vị, phòng ban có liên quan để xác minh làm rõ.

Theo Thượng úy Hồ Trọng Đạt - Trưởng Công an xã Châu Bính cho biết, trong tập tài liệu có một chiếc phong bì, phía ngoài có nhan đề thể hiện là của UBND xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong). Vì vậy Thượng úy Hồ Trọng Đạt đã liên hệ với xã Hạnh Dịch để nắm thêm thông tin. Qua đó được biết, nhóm người này từng đến xã Hạnh Dịch và cũng thực hiện các hành vi tương tự như ở xã Châu Bính. Trưởng Công an xã Châu Bính, Thượng úy Hồ Trọng Đạt trao đổi: “Theo như cán bộ xã Hạnh Dịch thì sau khi quay phim, chụp ảnh trụ sở và các phòng làm việc, nhóm người cũng hỏi vì sao Bí thư, Chủ tịch xã không có mặt tại cơ quan, rồi nói sẽ lên làm việc với UBND huyện…”.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính, anh Trần Việt Đức từng là Trưởng phòng Văn hóa nên rất băn khoăn trước các hành vi “khác lạ” của nhóm đối tượng này. Anh Trần Việt Đức trao đổi: “Căn cứ theo các quy định của Luật Báo chí và hướng dẫn của Bộ TT&TT thì hành vi của nhóm người này là không bình thường. Họ không tuân thủ các quy định trong quá trình tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Chính vì vậy, sau khi xảy ra sự việc tôi đã trực tiếp liên hệ với đồng chí Chánh thanh tra Sở TT&TT để báo cáo, tham vấn hướng xử lý và đã chỉ đạo UBND xã báo cáo lên UBND huyện. Tôi mong muốn sự việc này được các cơ quan chức năng quan tâm làm rõ. Trường hợp có sự mạo danh thì cần có hình thức xử lý theo quy định, để qua đó, giúp hoạt động báo chí trên địa bàn huyện Quỳ Châu nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung được lành mạnh, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích...”.

Có dấu hiệu giả mạo giấy tờ cơ quan nhà nước

Trao đổi với một cán bộ làm công tác quản lý báo chí của Sở TT&TT để thông tin về sự việc đã xảy ra trên địa bàn xã Châu Bính. Cán bộ này cho biết: “Nhận được thông tin qua mạng xã hội liên quan đến giấy giới thiệu của Tạp chí Dân tộc và Thời đại cấp cho người có tên là Nguyễn Thị Vân. Sở TT&TT đã có văn bản đề nghị Tạp chí Dân tộc và Thời đại kiểm tra, làm rõ. Sau đó, Tạp chí Dân tộc và Thời đại có hồi đáp Sở TT&TT tại Công văn số 31/BC-DTTĐ, khẳng định cơ quan họ không có phóng viên, hay cộng tác viên nào tên là Nguyễn Thị Vân. Vì vậy, Sở TT&TT cũng đã phát hành văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh biết, để khi xảy ra sự việc thì kịp thời phản ánh về Sở TT&TT qua đường dây nóng...”.

Công văn số 31/BC-DTTĐ là “về việc giải trình việc phóng viên tác nghiệp tại các cơ quan doanh nghiệp khu vực phía Tây Nghệ An” của Tạp chí Dân tộc và Thời đại gửi Sở TT&TT và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, được phát hành ngày 25/9/2020. Tại đây, Tạp chí Dân tộc và Thời đại thông tin: “Thời gian qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin Phóng viên Nguyễn Thị Vân (Bút danh Hà Vân) Tạp chí Dân tộc và Thời đại tác nghiệp tại các cơ quan doanh nghiệp thực hiện khai thác thông tin phục vụ công tác báo chí tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An từ ngày 15/2/2020 đến 30/12/2020 đã gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của tạp chí.

Giấy giới thiệu của nhóm đối tượng trình lên và Công văn số 31/BC-DTTĐ của Tạp chí Dân tộc và Thời đại.

Về vấn đề này, Tạp chí Dân tộc và Thời đại chỉ đạo Văn phòng miền Trung Tây Nguyên làm rõ và giải trình vụ việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT Nghệ An. Qua xác mình rà soát danh sách phóng viên, cộng tác viên của tạp chí đang công tác tại Miền Trung Tây Nguyên từ trước tới nay, Tạp chí Dân tộc và Thời đại không có phóng viên Nguyễn Thị Vân (Bút danh Hà Vân).

Căn cứ Công văn số 31/BC-DTTĐ, ngày 9/10/2020, Sở TT&TT phát hành Văn bản số 1387/STTTT-TTBCXB về việc thông tin liên quan đến Tạp chí Dân tộc và Thời đại gửi đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tỉnh Nghệ An. Tại đây, Sở TT&TT thông tin việc Tạp chí Dân tộc và Thời đại khẳng định “bà Nguyễn Thị Vân không phải là phóng viên của tạp chí”. Đồng thời đưa ra khuyến cáo: “Sở TT&TT thông báo để các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị được biết. Mọi thông tin liên quan đề nghị các đơn vị phản ánh về Đường dây nóng của Sở TT&TT qua số điện thoại: 0915.665.848”.

Trao đổi với đại diện UBND huyện Quỳ Châu thì được thông tin, sau khi nhận được Văn bản số 74/BC-UBND của UBND xã Châu Bính, lãnh đạo huyện đã giao Phòng Văn hóa tập hợp các thông tin liên quan để tham mưu hướng xử lý. Vị đại diện UBND huyện Quỳ Châu nói: “Trên cơ sở báo cáo của UBND xã Châu Bính và Phòng Văn hóa, huyện đang xây dựng văn bản gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT để báo cáo về sự việc, xin ý kiến chỉ đạo. Cũng về sự việc này, huyện cũng đã yêu cầu Công an huyện vào cuộc xác minh làm rõ…”.

Thực hiện đối chiếu Công văn số 31/BC-DTTĐ của Tạp chí Dân tộc và Thời đại với Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ mang tên Nguyễn Thị Vân, thấy rằng chữ ký của người đứng đầu cơ quan này có sự không đồng nhất. Bên cạnh đó tại Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ, đóng dấu tên người đứng đầu có kèm học hàm, học vị là “PGS.TS. Lê Ngọc Thắng”; trong khi đó, tại Công văn số 31/BC-DTTĐ đóng dấu tên người đứng đầu là “Lê Ngọc Thắng”. Với tình tiết này, cùng với những thông tin nêu trên, nghi vấn về một nhóm đối tượng giả mạo giấy tờ của Tạp chí Dân tộc và Thời đại, và giả danh nhà báo là hoàn toàn có cơ sở.

Trong thời gian đã qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những kiến nghị từ xã Châu Bính!.

Mới nhất

x
Dấu hiệu giả danh nhà báo sách nhiễu ở Quỳ Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO