Dấu hỏi lớn về chất lượng của kiên cố hóa trường lớp ở Nghệ An

Tiến Hùng - Mỹ Hà 24/09/2020 07:38

(Baonghean.vn) -Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017 - 2020 ở Nghệ An có 86 công trình được xây mới với kinh phí gần 270 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều trường học vừa xây xong đã vấp phải phản ứng dữ dội từ địa phương và nhà trường về chất lượng.

Trường xong, vẫn phải học ké

Trung tuần tháng 9, chúng tôi có mặt tại bản Tùng Hương (xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Đây là bản biên giới xa xôi nhất, cách trung tâm xã hơn 16 km. Cũng vì địa bàn xa xôi, ở đây luôn phải có điểm trường lẻ để con em theo học. Cách trung tâm bản không xa, hàng chục em nhỏ đang phải chen chúc trong ngôi trường mầm non cũ kỹ, những vết nứt chạy chi chít quanh tường.

Clip: Đức Anh

“Không chỉ xuống cấp, nguy hiểm hơn nữa là ở đây thường xuyên bị sét đánh. Cũng may mấy lần trước sét đánh vào ban đêm, nên không có thiệt hại về người. Ngoài ra, ở đây cũng rất hay bị ngập lụt, chỉ cần trận mưa lớn là ngập sâu, không học được”, bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói.

Bản Tùng Hương hiện có khoảng 60 em đang độ tuổi mầm non. Các em được chia làm 3 nhóm, học ở 3 địa điểm khác nhau. Nhóm thì thấp thỏm bám trụ ở điểm trường cũ, nhóm thì chạy đi học ké nhà văn hóa của bản. Mặc dù cạnh đó, điểm trường mầm non mới đã được xây dựng xong từ lâu.

Điểm trường mầm non Tùng Hương có 1 phòng, kinh phí xây dựng gần 800 triệu đồng đã xong từ lâu nhưng vẫn chưa thể bàn giao. Ảnh: Đức Anh
Điểm trường mầm non Tùng Hương có 1 phòng, kinh phí xây dựng gần 800 triệu đồng đã xong từ lâu nhưng vẫn chưa thể bàn giao. Ảnh: Đức Anh

Hơn 4 năm trước, người dân Tùng Hương phấn khởi khi nhận thông tin sẽ được thụ hưởng một điểm trường mầm non nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp. Điểm trường với một phòng học có kinh phí gần 800 triệu đồng sau đó được xây dựng trên bãi đất trống ở trung tâm bản. Khoảng một năm trước, công trình này được xây dựng xong. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể bàn giao. Nguyên nhân là nhiều hạng mục không đạt chất lượng.

Khi phóng viên có mặt tại điểm trường mầm non Tùng Hương, những hạng mục không đạt chất lượng đã được đơn vị thi công khắc phục xong. Tuy nhiên, quan sát điểm trường nhỏ nhắn với kinh phí gần 800 triệu đồng này, dễ dàng nhận thấy ngay một chi tiết tréo ngoe, ảnh hưởng đến an toàn của các em nhỏ. Đó là điểm trường được xây xuyên qua lưới điện dân sinh dẫn vào bản.

Đường dây điện cách mặt đất chừng 3 mét, đã có từ lâu. Địa điểm xây dựng trường là một bãi đất trống rất rộng lớn, tuy nhiên, khi xây dựng trường học, thay vì dịch chuyển để tránh, hoặc di dời đường dây điện, thì đơn vị thi công vẫn cứ xây ngay dưới đường dây. Khi bức tường lên cao, đơn vị thi công để hở 2 bức tường 2 lỗ cho đường dây điện chạy cắt qua phòng học, ngay trên đầu các em nhỏ(?!).

Đường điện dân sinh chạy xuyên qua phòng học mầm non. Ảnh: Tiến Hùng
Đường điện dân sinh chạy xuyên qua phòng học mầm non. Ảnh: Tiến Hùng

Tương tự bản Tùng Hương, các em mầm non Tam Liên đến năm học này tiếp tục phải học nhờ tại điểm trường tiểu học. Dãy 5 phòng học này trước đó vốn đã không sử dụng, nên dành 2 phòng cho học sinh mầm non. Còn lại 3 phòng học khác đang được dùng cho các công nhân cầu đường thi công gần đó thuê ở và sinh hoạt. Vừa là trường mầm non lại vừa nơi ở cho công nhân, nên đủ biết, việc dạy và học của cô và trò vất vả thế nào. Chưa kể, việc tổ chức ăn ở bán trú, ngủ nghỉ của giáo viên và học sinh có nhiều bất cập.

Trẻ em mầm non ở Tam Liên phải học ké bên điểm trường tiểu học cũ. Ảnh: Mỹ Hà
Trẻ em mầm non ở Tam Liên phải học ké bên điểm trường tiểu học cũ. Ảnh: Mỹ Hà

“Không thể chấp nhận được!”

“Thật không thể chấp nhận được!”, Chủ tịch UBND xã Tam Quang bức xúc khi nói về chất lượng các công trình kiên cố hóa trường lớp mà địa phương là đơn vị thụ hưởng. “Sở Xây dựng lên nghiệm thu đã không chấp thuận, yêu cầu sửa chữa. Địa phương cũng đề nghị khắc phục nhiều hạng mục. Cho đến bây giờ, những hạng mục đó đã khắc phục xong, nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng, chưa dám nhận bàn giao”...

Từ khi phải chuyển xuống học ở phòng tạm, cô giáo Lô Thị Em phải chấp nhận việc dạy học một cách tạm bợ. Cô Lô Thị Em nói rằng, dù đã cố gắng trang trí trường lớp nhưng phòng học vẫn xộc xệch, thiếu thốn. Kế bên phòng học là phòng ăn cho 24 học sinh, nhưng đồng thời cũng là phòng kho hết sức bừa bộn. Hiện, điểm trường tổ chức bán trú cho học sinh nhưng thức ăn không được nấu tại chỗ mà một ngày 2 lần phải chuyển từ điểm trường Bãi Sở, cách Tam Liên hơn 1 km. Học sinh trong trường không có nhà vệ sinh để sử dụng mà đang sử dụng nhà vệ sinh tạm.

Điểm trường Tam Liên xây dựng
Điểm trường Tam Liên có kết cấu móng không đúng vật liệu, mái tôn bắn bị lệch. Ảnh: Mỹ Hà

Trong khi cơ sở vật chất của điểm trường tạm đang hết sức thiếu thốn, chắp vá thì cách đó khoảng 300 mét, Trường mầm non Tam Liên (vốn ở vị trí cũ) đã thi công từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng. Tương tự ở Tùng Hương, ngôi trường mầm non với thiết kế một phòng học nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được.

Theo báo cáo của huyện Tương Dương, khi xây dựng xong, địa phương phát hiện xà gồ mái nhà không đồng nhất về chủng loại, mái tôn bắn bị lệch, kết cấu móng không đúng vật liệu... “Tôi chưa bao giờ thấy một ngôi trường nào lại xây lâu đến như vậy. Thấy trường xây xong mà chưa sử dụng, phụ huynh thắc mắc nhiều lắm nhưng tôi phải động viên phụ huynh ta phải cố gắng”, cô giáo Em nói thêm.

Năm học này, học sinh mầm non ở Tam Liên tiếp tục phải đi học ké. Ảnh: Mỹ Hà
Năm học này, học sinh mầm non ở Tam Liên tiếp tục phải đi học ké. Ảnh: Mỹ Hà

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương), do không còn chờ đợi được sau thời gian đi học ké, trường đã phải cho các em vào học ở các ngôi trường mới, dù vẫn chưa nhận bàn giao.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017 - 2020 đã xây dựng ở đây 2 điểm trường tiểu học ở bản Tùng Hốc và bản Xàn. Mỗi điểm trường với 5 phòng có kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Tính ra, để xây dựng một phòng học tốn gần 650 triệu đồng.

Do các điểm trường này được xây ngay trên ngôi trường cũ, nên học sinh phải đi học ké dưới chân nhà sàn của dân. Hơn một năm trước, các điểm trường lần lượt xây xong. Tuy nhiên, do phải khắc phục những hạng mục không đạt yêu cầu, đến nay 2 trường này vẫn chưa thể bàn giao. Vì học ở dưới chân nhà sàn mượn của người dân quá bất tiện, các thầy cô giáo đành phải đưa học trò vào trường mới.

Hiện nay, dù đã được khắc phục, nhưng các giáo viên ở đây vẫn chưa hài lòng một số hạng mục. “Dù chưa bàn giao nhưng khóa cửa ở các phòng học đã hư hỏng hết, không còn sử dụng được. Nếu họ không sửa chữa, chúng tôi nhất quyết không ký nhận bàn giao”, hiệu trưởng Lê Tuyên Huấn nói.

Ngày 7/9, cổng trường Tiểu học Khánh Yên Thương, phân hiệu Bản Phung, huyện Văn Bàn, Lào Cai, bị sập làm chết 3 học sinh và bị thương 3 em khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay lập tức gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa nếu cơ sở vật chất trong trường bị hư hại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nếu công trình hết niên hạn hoặc không đạt chuẩn, chưa được cải tạo thì không được sử dụng. Nhiều tai nạn như sập tường rào, cổng trường, trần lớp học đã xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là do trường học được xây dựng từ lâu nhưng không được cải tạo, bảo trì đúng quy định và cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác đánh giá, kiểm tra.

Chưa bàn giao đã hỏng

Cho đến nay, các giáo viên tại điểm chính ở bản Huồi Tố của Trường tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương), vẫn chưa hài lòng với chất lượng công trình dù đã được đơn vị thi công khắc phục nhiều lần. Đầu năm 2019, khối trường học 5 phòng trị giá hơn 2,7 tỷ đồng ở Huồi Tố được xây dựng xong. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, ngôi trường này đã xuất hiện những hư hỏng. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, điểm trường này đã bị sụt lún ngay giữa phòng học và hành lang, bong tróc nền gạch, xuất hiện các vết nứt ngang tại những bức tường...

Dù đã khắc phục nhiều lần, điểm trường Huồi Tố vẫn còn nhiều vết nứt. Ảnh: Mỹ Hà
Dù đã khắc phục nhiều lần, điểm trường Huồi Tố vẫn còn nhiều vết nứt. Ảnh: Mỹ Hà

Dẫn phóng viên đi kiểm tra điểm trường này, thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho biết, chính vì không đạt chất lượng nên đã hơn 1 năm thi công xong, công trình này vẫn chưa thể bàn giao. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tình trạng sụt lún, bong tróc nền gạch đã được đơn vị thi công khắc phục xong. Dù vậy, tại các phòng học vẫn dễ dàng nhận ra những vùng lõm. Trong khi, tình trạng nứt nẻ tại các bức tường đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục được.

Rút kinh nghiệm từ điểm trường Huồi Tố này, khi thi công tại điểm trường tiểu học Huồi Xá, nhà trường và địa phương đã chủ động giám sát chặt chẽ. Theo bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, quá trình giám sát họ phát hiện đơn vị thi công đã dùng gạch không nung (gạch taplo) không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc được báo cáo lên huyện Tương Dương. Huyện sau đó đã cử người xuống đề nghị đình chỉ thi công. Chủ đầu tư và đơn vị thi công sau đó chấp nhận vứt bỏ số gạch này. Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, hơn 12.000 viên gạch không đảm bảo chất lượng này vẫn bị chất đống ngay cạnh công trình.

12.000 viên gạch taplo không đạt chất lượng bị vứt bỏ. Ảnh: Mỹ Hà
12.000 viên gạch taplo không đạt chất lượng bị vứt bỏ. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ dùng vật liệu không đạt chất lượng, các giáo viên còn phát hiện đơn vị thi công đã xây dựng không đúng kỹ thuật. Trước đây, vào tháng 10/2019, phóng viên Báo Nghệ An nhận được phản ánh của thầy Đào Xuân Hải về kỹ thuật xây dựng tại đây.

Theo đó, dù xây dựng không có trụ nhưng đơn vị thi công không xây đan gạch giữa các bức tường giao nhau, mà chỉ xây độc lập rồi câu vài móc thép 6 và xây ghép vào. “Có lẽ họ muốn xây cho nhanh. Nguyên tắc xây tường không trụ là phải đan gạch để có độ giằng néo. Tôi sợ sau này tường sẽ đổ nên phản ảnh thì đơn vị thi công liền phản ứng”, thầy Hải nói. Phóng viên Báo Nghệ An sau đó đã liên hệ với chủ đầu tư, lúc này đơn vị thi công mới khắc phục bằng cách khoan một số điểm để đan gạch vào.

Xây không có trụ nhưng kh
Dù xây không có trụ nhưng đơn vị thi công không đan gạch giữa các bức tường giao nhau, mà chỉ xây độc lập rồi câu vài móc thép 6 và xây ghép vào. Ảnh: Tiến Hùng

Không chỉ tại xã Mai Sơn, ở xã Hữu Khuông, địa phương cũng phát hiện đơn vị thi công dùng vật liệu không đạt chất lượng. Cụ thể, theo báo cáo của huyện Tương Dương, tại công trình điểm trường mầm non Pủng Bón, cát và đá hộc được đơn vị thi công lấy ngay tại các khe, suối trên địa bàn xã, không đảm bảo để xây dựng. Do đó, chất lượng công trình không đạt theo tiêu chuẩn.

Còn thầy giáo Lê Tuyên Huấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho hay, khi ông về xã nhận công tác hơn một năm trước, các bức tường tại điểm trường bản Tùng Hốc đã được xây lên cao. “Lúc đó tôi có ra xem thấy gạch taplo chất lượng rất thấp, đập thử một số viên rất dễ vỡ. Chúng tôi có phản ánh nhưng sau đó họ vẫn xây dựng, không thấy đình chỉ thi công để thay gạch khác”, thầy Huấn nói.

Không chỉ dùng vật liệu không đạt chất lượng, các giáo viên còn phàn nàn vì kỹ thuật xây dựng của đơn vị thi công. Ảnh: Tiến Hùng
Không chỉ dùng vật liệu không đạt chất lượng, các giáo viên còn phàn nàn vì kỹ thuật xây dựng của đơn vị thi công. Ảnh: Tiến Hùng

Nhiều hạng mục thi công sai thiết kế

Tại huyện Tương Dương, Nhôn Mai là xã có nhiều công trình nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017-2020 nhất. Tại đây, có đến 5 điểm trường tiểu học và 3 điểm trường mầm non được xây dựng mới. Có lẽ, do địa bàn xa xôi hơn mà chi phí xây trường ở đây cũng đắt đỏ hơn một số xã khác. Cụ thể, mỗi điểm trường mầm non chỉ với 1 phòng nhưng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong khi tại xã Tam Quang là chưa đến 800 triệu đồng. Còn 5 điểm trường tiểu học với 20 phòng có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng.

Điểm trường tiểu học ở bản Na Lợt cỏ cây mọc um tùm, nhiều hạng mục đã xuống cấp dù học sinh chưa sử dụng. Theo thiết kế của dự án, các công trình này đều không có sân trường, đường dẫn vào, thậm chí nhà vệ sinh.... Ảnh: Đức Anh
Theo thiết kế của dự án, công trình điểm trường tiểu học Na Lợt (xã Nhôn Mai) không có hạng mục xây dựng sân trường, đường dẫn vào, thậm chí nhà vệ sinh.... Vì vậy, để vào được điểm trường này, phóng viên phải mò mẫm giữa lùm cỏ dại. Ảnh: Đức Anh

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nhôn Mai, khi xây dựng xong, hầu như điểm trường nào cũng có vấn đề. Nhất là các công trình ở bản Huồi Cọ, một trong những bản làng xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An. Tại điểm trường tiểu học này, công trình 5 phòng học dù mới xây xong hơn một tháng nhưng hiện nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.

“3 phòng đã xuất hiện các vết nứt rộng, chạy dài hơn 1 mét. Các bức tường đã bị rấm, thấm nước nghiêm trọng. Khi lớp mái tôn họ bắn lung tung, không trúng vào đường hoành phía dưới nên bị bung ra, đứng phía dưới còn nhìn thấy trời xanh. Vì thế mà mỗi lần mưa, nước mưa đổ xuống mái bê tông rồi thấm xuống phòng học”, ông Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017-2020 tại huyện Tương Dương có 22 công trình. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều “có vấn đề” về chất lượng. Chưa kể tiến độ thi công đặt ra trong 6 tháng nhưng đến nay, nhiều trường khởi công hơn 2 năm vẫn chưa thể bàn giao.

Báo cáo kết quả kiểm tra lần 1 công tác nghiệm thu của Sở Xây dựng cho thấy, tại Trường tiểu học Lượng Minh, nhiều hạng mục thi công không đúng với thiết kế như bình bọt hệ thống PCCC chưa được kiểm định; hệ thống chống sét thiết kế 2 dây xuống nhưng thi công chỉ 1 dây; tủ điện thi công chưa đủ số lượng và chủng loại aptomat; chưa thi công chắn tam cấp. Về chất lượng thì một số vị trí hoàn thiện chưa đảm bảo kỹ thuật, an toàn và thẩm mỹ.

Không chỉ chậm tiến độ, hầu hết công trình kiên cố hóa trường lớp ở huyện Tương Dương đều
Không chỉ chậm tiến độ, hầu hết công trình kiên cố hóa trường lớp ở huyện Tương Dương đều "có vấn đề" về chất lượng. Ảnh: Đức Anh

Ngoài ra, báo cáo nghiệm thu cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại khác ở các điểm trường mầm non Huồi Cọ, Na Lợt, Na Hỉ... thuộc xã Nhôn Mai như: Trần nhà xuất hiện nhiều vị trí bị rấm mốc; tường nhà thì bị rạn nứt ngang; hệ thống lavabo và két nước xí bệt không đảm bảo chắc chắn. Một số thiết bị đã bị hư hỏng dù chưa sử dụng như quạt điện, khóa cửa; gạch ốp tam cấp bị vỡ...

Ông Kha Văn Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, địa phương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở liên quan về tình trạng này. Theo ông Lập, do huyện không có hồ sơ về pháp lý, hồ sơ thiết kế công trình nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng. Quá trình triển khai dự án, giữa chủ đầu tư và địa phương đã không có sự phối hợp.

Nhiều thiết bị dù chưa sử dụng đã hỏng. Ảnh: Đức Anh
Nhiều thiết bị dù chưa sử dụng đã hỏng. Ảnh: Đức Anh

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Đình Hùng - Phó phòng Quản lý dự án 2 (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An), thừa nhận một số công trình nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp đến nay vẫn chưa thể bàn giao được do tiến độ chậm và chất lượng chưa đạt yêu cầu.

“Qua phản ánh của địa phương và qua công tác kiểm tra thì có những tồn tại về chất lượng thi công và tiến độ. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công nghiêm túc khắc phục những hạng mục không đạt chất lượng. Quan điểm là phải đảm bảo chất lượng đúng yêu cầu rồi mới đưa vào sử dụng. Nếu đơn vị thi công không chỉnh sửa, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”, ông Hùng nói.

Mới nhất

x
Dấu hỏi lớn về chất lượng của kiên cố hóa trường lớp ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO