Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sau chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải

P.V 25/11/2022 07:16

(Baonghean.vn) - Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam dài hơn 49km, đi qua Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Hiện, tiến độ dự án còn bị chậm.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) làm chủ đầu tư.

Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Hiện, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt thi công chậm. Luỹ kế giá trị thực hiện dự án tính đến ngày 18/11/2022 đạt 1.545 tỷ đồng (18% giá trị hợp đồng).

Vừa qua, sau cuộc kiểm tra dự án, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch tiến độ đã được doanh nghiệp dự án chấp thuận, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu loại bỏ các nhà thầu yếu kém về năng lực ra khỏi dự án, nhất là các nhà thầu: Công ty cổ phần 456, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải là phù hợp trong tình hình hiện nay. Theo hợp đồng BOT, nếu nhà thầu thực hiện dự án chậm tiến độ thì Bộ Giao thông vận tải có quyền yêu cầu doanh nghiệp dự án thay thế nhà thầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án là bên trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu, vì vậy việc thay thế, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp dự án nên doanh nghiệp dự án phải xem xét các điều khoản cụ thể của hợp đồng xây lắp đã ký với nhà thầu để xem xét đối với từng trường hợp cụ thể.

Thi công hầm Thần Vũ đoạn qua Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu

Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm: Dự án BOT khác với dự án đầu tư công, trong dự án BOT thì nhà đầu tư phải vay ngân hàng và chịu lãi vay (lãi thời gian thi công và lãi trong thời gian thu phí) nên nếu chậm tiến độ thì nhà đầu tư phải chịu thiệt hại rất lớn. Do vậy, nếu tiến độ dự án chậm thì nhà đầu tư là đơn vị thiệt hại đầu tiên.

Doanh nghiệp dự án cho biết: Xét về năng lực 3 nhà thầu bị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu loại bỏ thì Công ty TNHH Đại Hiệp là nhà thầu có đủ năng lực để đáp ứng khối lượng, tiến độ gói thầu của họ (được biết, Công ty TNHH Đại Hiệp vừa thi công hoàn thành gói thầu 11 dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư đã về đích sớm nhất); Công ty cổ phần 456 thì tương đối yếu, tổ chức thi công dàn trải, trong quá trình điều hành, doanh nghiệp dự án đã thường xuyên có nhiều văn bản chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, nêu rõ nếu không đáp ứng được tiến độ thì trả lại khối lượng cho nhà đầu tư để điều chuyển cho đơn vị khác; còn Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vina2 bản chất là một nhà đầu tư và họ cũng là một nhà thầu của dự án, nhưng thực tế họ chỉ làm trạm thu phí và nhà điều hành, nhưng theo kế hoạch thì hạng mục này chưa làm đến nên doanh nghiệp dự án sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải rõ hơn về trường hợp này.

Thi công cầu Ồ Ồ qua huyện Nghi Lộc. Ảnh: Trân Châu

Ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc thay thế nhà thầu sẽ kéo theo rất nhiều thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện (phải quyết toán phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện, cập nhật lại giá vật liệu và duyệt lại dự toán phần khối lượng còn lại, thực hiện lại toàn bộ các thủ tục ban đầu để lựa chọn nhà thầu mới...). Thời điểm này, việc tìm nhà thầu mạnh để tham gia dự án là không hề đơn giản khi rất nhiều dự án đầu tư công sắp đồng loạt triển khai.

Về nguyên nhân chậm, ông Việt lý giải: Mặc dù dự án khởi công vào tháng 5/2021 nhưng đến tháng 10/2022 ngân hàng mới giải ngân vốn vay, vì theo quy định của hợp đồng tín dụng là 515 tỷ ban đầu phải sử dụng vốn chủ sở hữu. Trong khoảng thời gian hơn 1 năm qua, nhà đầu tư và nhà thầu phải bỏ tiền túi ra để thực hiện dự án nên rất khó khăn. Hiện dòng tiền đã thông thì các nhà đầu tư đã tập trung máy móc, nhân công để đẩy nhanh tiến độ.

Doanh nghiệp dự án sẽ đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho Công ty TNHH Đại Hiệp giữ nguyên khối lượng và tiếp tục thi công. Còn Công ty cổ phần 456 sẽ cắt giảm khối lượng để hoàn thành dự án đúng tiến độ; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vina2 là nhà đầu tư chưa đến lúc thi công thì chưa đánh giá chậm tiến độ. Ông Nguyễn Quốc Việt cũng khẳng định việc chậm tiến độ có phần trách nhiệm của các nhà đầu tư tham gia dự án và sẽ quyết tâm dồn lực lượng, phương tiện để thi công bù tiến độ.

Còn ông Lê Đức Hào - Trưởng Ban quản lý dự án Công ty Trường Sơn thì cho biết: Trong suốt thời gian qua, tất cả các nhà thầu đều rất khó khăn trong thực hiện công trình, đầu năm 2022 thì dịch Covid-19 không thể thi công được, sau đó thì giá nguyên vật liệu, sắt thép đắt đỏ và nguồn cung khan hiếm. Các dự án cao tốc và giao thông mở ra đồng loạt nên nguồn đất đắp, mỏ đất, cát khan hiếm và thủ tục rất khó khăn, nhiều công trình không đủ trữ lượng để thực hiện.

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067,7 tỷ đồng.

Mới nhất

x
Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sau chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO