Để gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng Dự án VSIP

10/08/2016 10:59

(Baonghean) - Dự án VSIP đang được khẩn trương triển khai thi công trên phần diện tích 178 ha được bàn giao, trong đó có 150 ha thuộc địa bàn xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) đã được bàn giao ở giai đoạn 1A. Thế nhưng trong 150 ha của giai đoạn 1A đã được bàn giao vẫn còn một số điểm vướng khó tháo gỡ. Điều đáng nói là hiện nay 100% nhân dân đã đồng tình bàn giao tiếp 60 ha giai đoạn 1B nhưng lại chưa triển khai việc chi trả bồi thường theo hạn mức thời gian đã cam kết. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã để được thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Thi công các hạng mục dự án VSIP.
Thi công các hạng mục dự án VSIP. Ảnh: Sỹ Minh

PV: Thưa ông, được biết hiện còn một số điểm vướng trên phần diện tích hơn 150 ha ở giai đoạn 1A chưa được tháo gỡ. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thu: Đến nay công tác GPMB giai đoạn 1A cơ bản đã được hoàn thành, đơn vị thi công cũng đang khẩn trương thi công trên những phần diện tích đã bàn giao, tuy nhiên để bàn giao được 100% phần diện tích 150 ha hiện vẫn còn một số điểm vướng. Bởi lẽ cần kinh phí lớn, nhưng nguồn kinh phí rất hạn hẹp, chưa thể cân đối được. Còn về phía người dân, xuất phát từ việc họ rất “nóng ruột” vì toàn bộ diện tích “hai lúa” đã bàn giao, nhiều hộ không có đất sản xuất, họ rất muốn có nguồn hỗ trợ để có thể tái cơ cấu ngành nghề.

Và ở phần diện tích giai đoạn 1A vẫn còn tồn tại các điểm vướng như sau: Thứ nhất: Hiện chưa có phương án di dời 5 nhà văn hóa của 5 xóm vì thực tế, xã đã tìm đất để di dời nhưng hiện nay quỹ đất công không còn. Nguồn quỹ chỉ còn ở một số hộ dân nhưng kinh phí để đền bù cho quỹ đất này rất lớn. Và chúng tôi đã thực hiện các bước tuyên truyền nhưng người dân chưa đồng tình hy sinh phần đất của mình để xây dựng nhà văn hóa. Thứ hai: Sân vận động của xã hiện đã bố trí được vị trí nhưng chưa có kinh phí xây dựng lại.

Thứ ba: Trong khu vực mặt bằng 1A có 36 lô đất tái định cư, đấu giá nhưng hiện nay chưa lập được hồ sơ, bồi thường GPMB vì chưa tìm được vị trí di dời mới mà nguyện vọng của người dân chỉ muốn “đất đổi đất”. Thứ tư: Vướng 10 lăng và 30 ngôi mộ đất nằm bên đường QL 46B thuộc mặt bằng giai đoạn 1A. Trong số 10 lăng thì 9 lăng được đề nghị chuyển nơi an táng lên vị trí mới và 30 ngôi mộ đất thì 20 ngôi xin được chuyển vị trí mới.

Hiện nay vị trí mới chưa được xây dựng nên không thể di dời. Thứ năm: Có 5 thửa đất giáo họ Khoa Đà và giáo họ Phúc Long yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ như đất 64 của hộ gia đình cá nhân trong khi những thửa đất được bàn giao cho giáo họ từ trước những năm 1980 và gọi là đất hoa màu để lấy kinh phí hỗ trợ “đèn dầu” cho các giáo họ. Và đến 2002 đã được quy chủ cho trưởng các ban hành giáo. Và ban GPMB dự án chỉ đồng tình mức hỗ trợ cho đất tập thể mà không có thêm phần hỗ trợ thêm hai lần như đất cá nhân. Hiện nay chúng tôi cũng đang đề xuất phương án bồi thường theo hộ.

Đường quy hoạch trong khu dự án.
Đường quy hoạch trong khu dự án. Ảnh: Sỹ Minh

PV: Vậy đâu là điểm vướng mà theo ông là khó tháo gỡ nhất? Và vì sao?

Ông Nguyễn Văn Thu: Đó là điểm vướng 5 nhà văn hóa. Vì ngoài lý do chưa tìm được quỹ đất thì nguyên nhân chủ yếu là người dân yêu cầu được nhận ngay kinh phí chi trả đền bù GPMB giai đoạn 1B thì mới chấp nhận di dời 5 nhà văn hóa. Bởi kinh phí để xây dựng nhà văn hóa xóm hầu như do nhân dân đóng góp. Và vì sao người dân muốn nhanh chóng được hỗ trợ phần mặt bằng 1B? Là vì, khi đã thu hồi 1A thì giao thông thủy lợi nội đồng bị chia cắt, phần còn lại ở 1B vì thế cũng không thể sản xuất được, Nhà nước chưa thu hồi thì đất vẫn để hoang. Vì thế người dân nóng ruột cũng có cái lý của họ.

Đây được xem là việc rất ít gặp ở công tác GPMB. Thường thì người dân nhiều nơi vì lý do nào đó không đồng tình bàn giao mặt bằng. Nhưng ở xã Hưng Tây họ lại bàn giao ngay khi có chủ trương và hầu như không thắc mắc kiến nghị gì nhiều. Họ chỉ mong muốn được nhận hỗ trợ sớm. Và nếu không chi trả ngay cho phần mặt bằng 1B mà họ đã đồng tình bàn giao thì họ sẽ không đồng thuận việc tháo gỡ điểm vướng ở giai đoạn trước.

PV: Vậy xã đã có kiến nghị đề xuất gì để tháo gỡ điểm vướng được cho là khó khăn nhất này?

Ông Nguyễn Văn Thu: Chúng tôi đã đề xuất với huyện trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ kinh phí bồi thường giai đoạn 1B. Và được huyện trả lời tỉnh vẫn chưa bố trí được.

Kinh phí để hỗ trợ bồi thường GPMB ở dự án VSIP bao gồm 70 % từ nhà đầu tư và 30% từ kinh phí của Nhà nước. Thế nhưng, chúng tôi được biết nguồn kinh phí này của Nhà nước vẫn chưa thể cân đối. Chúng tôi giải thích với nhân dân rằng Nhà nước rất muốn chi trả để thu hồi đất vì tính cấp thiết của nó. Chính quyền địa phương còn “nóng ruột” hơn, và không lý gì nếu có kinh phí mà chính quyền địa phương không bố trí chi trả.

Thi công hệ thống cống ngầm nước thải.
Thi công hệ thống cống ngầm nước thải. Ảnh: Sỹ Minh

PV: Trước khó khăn chung về mặt kinh phí, xã đã có những bước tuyên truyền như thế nào để người dân hiểu và chia sẻ, từ đó có những động thái tích cực cùng tháo gỡ những điểm vướng này?

Ông Nguyễn Văn Thu: Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị và triển khai khá chu đáo và khoa học giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc địa phương có một dự án lớn của tỉnh đứng chân. Và dự án này đã mang đến lợi ích trực tiếp nào cho người dân. Như cơ hội việc làm cho con em, cơ hội được chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.

Ban đầu, tuy hầu hết người dân đã đồng tình về phương án bồi thường, nhưng vẫn có một số hộ chưa đồng tình về mức giá. Các hộ cho rằng với mức chi trả chỉ 57.000 đồng/m2 là quá thấp so với mức giá 85.000 đồng/m2 mà chính dự án đã chi trả cho các hộ dân xã Hưng Chính nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án. Nhưng khi chúng tôi đến vận động những hộ dân còn chưa đồng thuận và giải thích cho họ rằng: Hưng Chính là địa bàn thuộc địa phận thành phố Vinh nên mức giá được Nhà nước chi trả ở khung cao hơn, người dân đã hiểu ra.

Sau đó cũng chính từ kiến nghị đề xuất của địa phương mà các hộ dân có đất “hai lúa” bị ảnh hưởng được hỗ trợ thêm hai lần so với chi phí hỗ trợ bồi thường ban đầu từ 57.000 đồng/m2 lên 172.000 đồng/m2 thì người dân phấn khởi vô cùng.

Một mặt chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên về nguồn kinh phí để chi trả ngay cho người dân. Mặt khác, chúng tôi cũng đã trực tiếp tuyên truyền cho bí thư chi bộ, xóm trưởng và nhiều hộ dân trong vùng để nói rõ cho họ hiểu và chia sẻ với những khó khăn về tài chính của chính quyền địa phương đối với nguồn 30% phải tự chi trả. Tôi tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã chúng ta sẽ đạt được kết quả nhất định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Để gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng Dự án VSIP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO