Đô Lương (Nghệ An) thiếu đất san lấp công trình xây dựng

Văn Trường 03/03/2020 11:29

(Baonghean) - Việc tìm nguồn đất san lấp mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng hạ tầng tại Đô Lương đang gặp nhiều khó khăn do không có mỏ đất được cấp phép khai thác, dẫn đến nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn huyện phải dừng thi công.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, Đô Lương đã và đang thu hút đầu tư, xúc tiến triển khai các dự án trọng điểm như: Nhà máy may Minh Anh - Đô Lương, Nhà máy nước Hòa Sơn, Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương, Trạm Kiểm định xe cơ giới, Tuyến đường ven sông Lam, Dự án đền Quả Sơn... và các công trình dân sinh, hạ tầng cơ sở khác. Khi các dự án này hoàn thành góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, tăng nguồn ngân sách cho huyện Đô Lương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Theo ước tính, hàng năm trên địa bàn cần khoảng từ 2 đến 3 triệu m3 đất đá để phục vụ san lấp, xây dựng cho các dự án trên địa bàn huyện; nhu cầu sử dụng đất san lấp cho các dự án rất cấp bách. Việc cấp mỏ sẽ giải quyết được khó khăn về tình trạng thiếu đất san lấp, góp phần đẩy nhanh thực hiện tiến độ của các dự án, phát triển bền vững, giảm thiểu khai thác thổ phỉ, nguy cơ về sạt lở, ô nhiễm môi trường và thất thoát thuế phí... Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đô Lương chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ đất.

Công trinh hạ tầng dự án khu đô thị Đông Sơn, Đô Lương đang phải dừng thi công. Ảnh: Văn Trường
Công trinh hạ tầng Dự án khu đô thị Đông Sơn (Đô Lương) đang phải dừng thi công. Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua địa phương luôn coi trọng, đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác quản lý hoạt động khai thác đất để phục vụ các dự án trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương

Hiện nay nhiều công trình trên địa bàn đang thi công dở, một số công trình phải tạm dừng thi công, nhiều công trình đấu thầu xong chưa triển khai thi công được do chưa có đất san lấp. Chẳng hạn, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại vùng xí nghiệp gạch cũ xã Đông Sơn được triển khai thi công từ tháng 6/2019 nhưng đến tháng 11/2009 thì dừng lại do thiếu đất san lấp. Tuyến đường Tràng - Minh dài 7 km từ xã Tràng Sơn đi Minh Sơn được khởi công xây dựng từ năm 2017, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành trên 65% khối lượng do tuyến đường này đang còn thiếu hàng nghìn m3 đất san lấp.

Chưa kể, hiện nay nhiều xã trên địa bàn huyện Đô Lương đã phê duyệt kết quả trúng thầu các khu xây dựng hạ tầng chia lô đất ở, nhưng do thiếu đất cũng phải tạm dừng thi công như: Công trình hạ tầng kỹ thuật tại vùng quy hoạch chia lô đất ở vùng Quán Lều, thị trấn Đô Lương; vùng Ruộng Bông, Trọt Hồ, xã Lưu Sơn… Vì thế, nhiều khu đất chưa triển khai được đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách, đảm bảo chỉ tiêu cấp trên giao năm 2020 tại huyện Đô Lương (chỉ tiêu giao thu 140 tỷ đồng).

Một trong những tuyến đường thi công dang dở ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường
Một trong những tuyến đường thi công dang dở ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Trên địa bàn huyện Đô Lương đã được cấp mỏ cát, mỏ đá, nhưng lại chưa có mỏ đất; hiện nay huyện đang đề nghị cấp có thẩm quyền đưa các vị trí đã được quy hoạch đất sản xuất vật liệu xây dựng để đấu giá cấp phép mỏ khai thác đất tại các xã Hồng Sơn, Nam Sơn, nhưng đang vướng thủ tục nên chưa được cấp mỏ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không mặn mà việc tham gia đấu giá để được cấp phép mỏ đất vì lý do lợi nhuận thấp.

Hiện nay một số hộ dân ở tại các xã như: Nam Sơn, Tràng Sơn, Đông Sơn… đang ở trên các thửa đất có vị trí địa hình cao, có nhu cầu cải tạo hạ nền đất ở để xây dựng các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt cho hộ gia đình, khi cải tạo thì cần phải vận chuyển một lượng đất đi... Để đảm bảo các dự án trên địa bàn huyện được triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch, trong khi chờ cấp có thẩm quyền đấu giá và cấp phép mỏ đất thì trước mắt, huyện Đô Lương mong muốn được các cấp, ngành có liên quan tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp được tận dụng lượng đất dư thừa mà các hộ gia đình xin cải tạo đất ở để phục vụ san lấp. Số lượng đất khai thác này sẽ nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo đơn giá quy định của Nhà nước tính theo lượng đất san lấp sử dụng.

Một số thiết bị phải nằm phơi sương do dừng thi công. Ảnh: Văn Trường
Một số thiết bị phải nằm phơi sương do dừng thi công. Ảnh: Văn Trường

Việc tận dụng lượng đất dư thừa đó vừa đảm bảo nguồn thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo hạ được chi phí vận chuyển đất san lấp do khoảng cách vận chuyển sẽ ngắn hơn, góp phần giảm ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước... Về lâu dài, huyện Đô Lương đang tiếp tục kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn đầu tư xin cấp giấy phép mỏ đất để khai thác đúng theo quy định hiện hành của pháp luật.

Mới nhất
x
Đô Lương (Nghệ An) thiếu đất san lấp công trình xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO