Doanh nghiệp Thái Lan, đối tác mới của Nghệ An

18/03/2016 06:57

(Baonghean) - Trong nhưng năm gần đây, với nhiều giải pháp và chính sách ưu đãi, Nghệ An đã thu hút được một số dự án hoạt động hiệu quả từ Thái Lan. Hiện tại đang có những dự án mới đầu tư ở khu kinh tế Đông Nam.

Thái Lan những chuyển dịch mới về kinh tế

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã có sự chuyển dịch chiến lược phát triển kinh tế từ phát triển thay thế hàng nhập khẩu, rồi hướng về xuất khẩu và nay là kết hợp hài hòa cả thay thế nhập khẩu với hướng về xuất khẩu; Đồng thời, chuyển dịch từ ưu tiên nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp nhẹ, gia công cho nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; đến phát triển công nghiệp nặng, xe hơi, lọc hóa dầu, kinh tế dịch vụ.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho đại diện Lãnh đạo
Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho đại diện Lãnh đạo Cục đầu tư Thái Lan. Ảnh Nguyễn Văn Nam.

Thái Lan luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư với các chính sách đồng bộ, điều chỉnh linh hoạt và nhất quán theo tinh thần bảo đảm nguyên tắc thị trường, có định hướng và quản lý vĩ mô của nhà nước thông qua các công cụ kinh tế; giảm dần đầu tư Chính phủ, khuyến khích tư nhân trong nước. Đặc biệt, từ năm 2011, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã phân loại các hoạt động khuyến khích đầu tư thành 7 nhóm: nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp; khai thác, gốm sứ và kim loại gốc; ngành công nghiệp nhẹ; sản phẩm kim loại, thiết bị vận tải và máy móc; ngành công nghiệp điện tử và thiết bị điện; hóa chất, nhựa và giấy; dịch vụ và tiện ích công cộng…

Ở Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được tự do hóa đầu tư; không bị hạn chế về sở hữu tài sản và cổ phần, thuê mướn đất, rút tiền và chuyển tiền bằng ngoại tệ ra nước ngoài.

Thái Lan cũng ngày càng coi trọng sử dụng ưu đãi tổng hợp cả về miễn, giảm thuế (năm 2012, Thái Lan đã giảm thuế suất TNDN từ 30% xuống 23% năm), về cung ứng lao động, về cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính; giảm dần ưu đãi dự án theo vùng miền và tăng ưu đãi cho những dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa thu hút các đầu tư khác. Các ưu đãi cũng ngày càng tăng thêm cho các dự án đầu tư ra nước ngoài và các công ty mẹ đóng tại Thái Lan.

Theo Báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) lần thứ 12 ngày 29/10/2015 của nhóm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC, Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương - MIGA... công bố chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 của Thái Lan đứng thứ 26/189, so với 78/189 của Việt Nam. Nhờ có những chính sách hợp lý mà Thái Lan ngày càng trở thành điểm đến cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (năm 2011, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan gấp 2,3 lần về số dự án và gấp 2,8 lần về vốn so với đầu tư vào Việt Nam); giúp nước này xây dựng thế mạnh của nền nông nghiệp và công nghiệp quốc gia, cũng như các thế mạnh về công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á; nắm giữ vai trò là quốc gia chủ lực trong khối ASEAN về công nghiệp xe hơi, lọc hóa dầu, xi măng, hóa chất, nông nghiệp kỹ thuật cao… Đó cũng là lý do khiến nước này đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra và đi đúng lộ trình phát triển, chuẩn bị tốt cho hội nhập AEC năm 2015.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các dự án của Thái Lan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 200 dự án và gần 7 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 47% tổng số dự án và 88% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam).

Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 31 dự án và 235,4 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7% tổng số dự án và 3% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam). Còn lại tập trung vào các ngành như bán buôn bán lẻ, xây dựng...

Thái Lan “đối tác” quan trọng trong thu hút đầu tư của Nghệ An

Năm 2013, tập đoàn Royal Foods của Thái Lan đã đầu tư dự án chế biến thủy sản và kho lạnh tại Nghệ An. Đây là dự án tiên phong của nhà đầu tư Thái Lan về với Nghệ An sau khi đã thành công trong đầu tư sản xuất đồ hộp thủy sản ở tỉnh Tiền Giang với thương hiệu “Ba cô gái”. Nhà máy thủy sản đóng hộp Royal Foods với số vốn đầu tư hơn 27 triệu đô la Mỹ, tương đương gần 600 tỷ đồng Việt Nam, hiện đã đi vào hoạt động, đồng thời nhà đầu tư cũng đã xây dựng Kho lạnh Frescol tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Đây là nhà máy sản xuất sản phẩm "Ba cô gái" thứ 2 tại Việt Nam.

Nhà máy sản xuất cá hộp của Royal Foods tại Nghệ An được đầu tư ở vị trí khá đắc địa tại khu công nghiệp Nam Cấm, sát với Quốc lộ 1A, gần cảng Cửa Lò, một tháng có thể sản xuất 60 đến 100 nghìn thùng cá hộp hàng tháng. Kho lạnh Frescol với sức chứa 13 nghìn tấn là kho lạnh đầu tiên lớn nhất của miền Trung cấp đông 100 - 150 tấn/ngày.

Ông Ba Thương, lãnh đạo thành viên của tập đoàn cho biết: Nhà máy mua cá của Việt Nam từ Quảng Trị trở ra bắc nhưng phải đến mùa thu cá mới nhiều. Công tác cấp đông là rất quan trọng để đảm bảo hoạt động ổn định thường xuyên, mới rồi do khánh thành muộn quá nên cá rất hạn chế. Hiện Frescol không chỉ thu mua cá tươi để lưu trữ cho 2 nhà máy của công ty ở Nghệ An và Tiền Giang mà còn cung cấp dịch vụ lưu trữ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Chế biến cá hộp
Chế biến cá hộp ở nhà máy Royalfood (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh Lâm Tùng

Mới đây đoàn công tác tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và xúc tiến đầu tư tại Băng Cốc, Thái Lan. Đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã làm việc với Cục đầu tư Thái Lan, Liên Đoàn công nghiệp Thái Lan, Ban Xúc tiến đầu tư của FTI, Công ty Hemaraj Land and Development - Doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan được thành lập từ năm 1988 với các lĩnh vực chính như: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp…

Nhà máy Royal Food ở Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Ảnh: Châu Lan

Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “ Những nhà đầu tư từ Thái Lan rất thân thiện, mến khách và đầu tư nhanh, hiệu quả. Mới đây, sau khi đoàn công tác của tỉnh Nghệ An sang xúc tiến đầu tư ở Thái Lan, giới thiệu tiềm năng, lợi thế đầu tư của Nghệ An cho các nhà đầu tư Thái Lan, các cơ chế chính sách và các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh Nghệ An kêu gọi, thu hút đầu tư thì đoàn Thái Lan đã sang Nghệ An tham dự hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân, đồng thời đi khảo sát mặt bằng, địa điểm đầu tư, làm việc cụ thể với Khu kinh tế Đông Nam. Các nhà đầu tư tìm hiểu kỹ về điện, nước, đường giao thông, đất sạch cho các dự án và chuẩn bị cho đầu tư hạ tầng khu công nghiệp… Công ty Hemaraj Land and Development - Doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan về xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất điện, xử lý ô nhiễm môi trường, kinh doanh dịch vụ bất động sản và Logistics đã sang Nghệ An và đi khảo sát 4 lần tại khu kinh tế Đông Nam và có kế hoạch đầu tư dự án tại Nghệ An.”

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính lũy kế đến tháng 2/2016, các nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD. Hiện quốc gia Đông Nam Á này xếp thứ 11/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan vào khoảng 18,4 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 14 triệu USD/dự án.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Doanh nghiệp Thái Lan, đối tác mới của Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO