Dọc đường tác nghiệp: Trải nghiệm Kuala Lumpur

Trung Kiên 04/02/2019 16:42

(Baonghean.vn) - Trong không khí bóng đá rạo rực và kỳ vọng của người dân Việt Nam tại AFF Cup 2018, tôi vinh dự được đồng chí Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan và lãnh đạo Báo Nghệ An cử sang Malaysia tác nghiệp trận chung kết lượt đi...

Chưa tác nghiệp tại nước ngoài bao giờ, một mình và trang thiết bị tác nghiệp còn thiếu thốn nhưng tôi vẫn phấn khích lên đường trước cơ hội chờ đợi suốt 10 năm, Việt Nam lại mới vào chơi trận chung kết AFF. Hơn nữa, trong thành phần đội tuyển có hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ như Trọng Hoàng, Văn Đức, Ngọc Hải, Công Phượng; họ đều được phát hiện tại Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An.

***

Từ sân bay quốc tế về đến trung tâm thành phố Kuala Lumpur khoảng chừng 60 km, chúng tôi di chuyển bằng Taxi Grab với giá 150 ringgit (khoảng 840.000 VNĐ). Ấn tượng ban đầu của tôi khi đặt chân đến Kuala Lumpur đó là một thành phố khá hiện đại và văn minh. Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông tại thủ đô của Malaysia rất đồ sộ. Và tất nhiên, không có chuyện tắc đường cục bộ, đường sá rộng và thoáng. Vào giờ cao điểm, các phương tiện vẫn kiên nhẫn đi chậm, không lấn làn.

Phóng viên Báo Nghệ An cùng đoàn người xếp hàng mua vé. Ảnh: PV
Phóng viên Báo Nghệ An cùng đoàn người xếp hàng mua vé. Ảnh: PV

Nhiều người khi đến Malaysia sẽ có phần hụt hẫng vì không phải ở đâu cũng được phép hút thuốc. Những biểu tượng “No Smoking” xuất hiện ở khắp mọi nơi, kể cả quán cafe, bất kỳ địa điểm nào trong nhà, kể cả khách sạn. Chỉ có những khách sạn hạng sang mới có phòng cho khách hút thuốc. Đến khách sạn, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng vì chất lượng phục vụ rất tuyệt vời, chu đáo và thực sự đạt tiêu chuẩn sao quốc tế. Tuy nhiên, bất ngờ là họ không hề chuẩn bị bàn chải và kem đánh răng cho khách, buộc tôi phải nhịn 1 ngày không vệ sinh răng miệng. Phải đến ngày hôm sau, tôi yêu cầu thì nhân viên phục vụ mới mang đến.

Cuối ngày tác nghiệp, những phóng viên thể thao Việt Nam chúng tôi đi ăn cùng nhau tại một quán ăn bình dân cách khá xa trung tâm thành phố. Một bữa ăn bình thường với một chút bia, có cơm, cá nhưng mức giá không hề rẻ. Tổng số tiền mà chúng tôi phải trả là gần 300 ringgit cho 5 người, mỗi người mất khoảng 330.000 VNĐ cho 1 bữa tối đầy đặn. Ngày hôm sau chúng tôi tìm đến bánh mỳ, mỳ gói và những thức ăn rẻ tiền hơn.

Đến đêm, chúng tôi ra sân Bukit Zalil để đưa tin về cảnh tượng chưa từng thấy. Hàng vạn CĐV Malaysia xếp hàng từ 10h00 đêm đến chiều ngày hôm sau để mua vé. Tôi không thể tưởng tượng ra họ lại cuồng nhiệt đến như vậy, những CĐV vật vã thức đêm đa phần là những thanh niên trẻ tuổi, yêu bóng đá thực sự. Có khoảng hơn 1 vạn người xếp hàng tại các cổng nhưng trong suốt đêm lẫn đến trưa hôm sau, không hề có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Tất cả đều rất trật tự và họ tự giác xếp hàng, không hề có một nhân viên an ninh, bảo vệ hay cảnh sát nào phải túc trực giữa một rừng người...

Bên trong SVĐ Bukit Zalil. Ảnh: PV
Bên trong SVĐ Bukit Zalil. Ảnh: PV

Tại Kuala Lumpur, việc di chuyển bằng Grab Taxi rất phổ biến và phải đến khi chuẩn bị rời Việt Nam thì tôi mới biết rằng nếu người bản địa Book (đặt) chuyến đi thì sẽ rẻ hơn một nửa so với khách nước ngoài đến đây. Ngoài ra, có nhiều tuyến xe buýt miễn phí quanh thành phố, tàu ngầm và tàu cao tốc trên cao. Tất nhiên là tại Malaysia không hề có xe ôm nhan nhản như Việt Nam. Các phương tiện xe 2 bánh thoải mái lao thần tốc trên đường vì không có chướng ngại vật, không bao giờ có chuyện vượt đèn đỏ, giao thông thực sự là một nét đẹp.

Đặc biệt, tôi nhận ra có rất nhiều tài xế xe buýt, taxi là nữ. Đây là điều bình thường tại Malaysia. Trong những lần trò chuyện với tài xế, họ chia sẻ với tôi rằng đó chỉ là công việc tay trái của họ, làm “part-time” để kiếm thêm thu nhập. Tại Malaysia cũng không có nhiều tiệm tạp hóa, quán ăn, quán cafe như Việt Nam.

Và khó khăn lớn nhất khi tôi đến đây là Internet. Tại Malaysia không hề có nhiều địa điểm Cafe Wifi miễn phí như tại Việt Nam. Theo tôi tìm hiểu, cả thành phố chỉ có 4-5 địa điểm Cafe truy cập mạng miễn phí với chất lượng tạm ổn. Chúng nằm tại các trung tâm siêu thị, tòa nhà lớn. Và Internet tại Malaysia cũng chậm chạp, SIM 4G hay Wifi cũng đều có tốc độ chậm hơn 3G của Việt Nam. Để có thể kịp thời gửi tin, bài về, tôi buộc phải mua những loại sim 4G gói cước cao, phải cất công di chuyển về trung tâm Internet cách xa hàng chục km hoặc trở về khách sạn. Tất cả đều phải mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ di chuyển.

Cảnh sát Malaysia rất thân thiệt và tốt bụng. Ảnh: PV
Cảnh sát Malaysia rất thân thiệt và tốt bụng. Ảnh: PV

Ngày thứ hai tác nghiệp tại sân tập, tôi bế tắc khi không hề thấy một quán Cafe Wifi nào, SIM 4G không đảm bảo. Tôi trao đổi với các cảnh sát tại đây và họ sẵn lòng dùng xe máy đưa tôi đến trung tâm Internet gần nhất sau khi không đặt được chuyến Grab nào. Sự nhiệt tình và thân thiện của những cảnh sát tại đây khiến tôi cảm thấy thực sự ấn tượng. Ngày hôm sau, trên đường đến sân Bukit Zalil, tôi mới phát hiện ra một điều rất thú vị. Đó là những chú chim tự nhiên tại Malaysia. Rất nhiều loại chim quý tự do lượn lờ tại bất kỳ chỗ nào, trên đường, trên những bãi đất trống, trên những cành cây. Số lượng rất lớn và rất dễ bắt gặp. Cũng dễ hiểu vì tại Malaysia, họ tuyệt đối không cho phép săn bắt chim tự nhiên.

Khi đã dần quen với những ngày tại Malaysia, tôi vẫn đủ năng lượng và cảm hứng để tác nghiệp trong ngày trận đấu diễn ra. Thực sự thèm đồ ăn quê nhà và không gian thoải mái. Rất may có một chị đồng hương tốt bụng sinh sống tại đây đã chuẩn bị cho tôi đồ ăn Việt bao gồm chả cuốn, bánh mướt… trong những ngày cuối cùng tại đây.

Trở lại với trận đấu, sự chuyên nghiệp của CĐV Malaysia đến từ khả năng tổ chức và ý thức rất cao của người hâm mộ. SVĐ Bukit Zalil có những khán đài riêng với yêu cầu phải đi giày, phải mặc áo đội nhà, trong trận tuyệt đối không hút thuốc, phải đứng và hát suốt trận đấu. Không khí trong trận là rất cuồng nhiệt, họ hát suốt cả tiếng đồng hồ đến mức tôi phải cảm thấy khó thở. Một phần vì sân Bukit Zalil xây dưới lòng đất, độ ẩm cao. Và sau cơn mưa, điện thoại, máy tính và máy ảnh của tôi liên tục phải lau vì hơi nước làm ướt nhòe.

Phóng viên Trung Kiên tại SVĐ QG Malaysia. Ảnh: PV
Phóng viên Trung Kiên tại SVĐ QG Malaysia. Ảnh: PV

Một lần nữa cơn ác mộng Internet lại đến. Mạng 4G giữa 90.000 khán giả không thể hoạt động, Wifi do BTC cung cấp không phủ sóng dưới sân. Và như vậy cứ mỗi khi cần gửi ảnh và bài, tôi lại phải chạy lên khu tác nghiệp báo chí tại tầng 3. Chỉ riêng ngày hôm đó, tôi đã di chuyển lên xuống sân không dưới 10 lần để có thể gửi ảnh về. Mệt, đói và giữa trận chúng tôi chỉ kịp ăn tạm đồ ăn nhanh do BTC chuẩn bị, mỳ tôm sống. Bởi sau trận đấu sẽ là phần họp báo. Mọi thứ phải rất khẩn trương và sẵn sàng vào việc bất kỳ lúc nào.

Vất vả là như vậy, vượt qua những khó khăn về điều kiện tác nghiệp, không có cộng sự nhưng tôi vẫn xua tan đi cái mệt mỏi. Thứ nhất là vì đam mê, trách nhiệm và sự tin tưởng mà lãnh đạo đã giao cho. Và nữa là ngày hôm đó, ĐT Việt Nam đã chơi một trận cực hay, ghi 2 bàn thắng trước và 2 lần tôi được ăn mừng chiến thắng theo cách của riêng mình./.

Mới nhất
x
Dọc đường tác nghiệp: Trải nghiệm Kuala Lumpur
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO