'Động cơ Nhật Bản' cho bóng đá Việt?
(Baonghean.vn) - Thông tin CLB Sài Gòn “xuất khẩu” 4 cầu thủ sang Nhật Bản đang thu hút sự chú ý của dư luận gần xa.
Lần đầu tiên, một đội bóng thuộc V. League mạnh dạn cho nhiều cầu thủ giỏi đến một nền bóng đá tiên tiến nhất châu lục, là các giải bóng đá thuộc J-League để thi đấu, học hỏi.
Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít băn khoăn vì chuyện trao đổi cầu thủ giữa các CLB của V. League và J-League 1, 2 hay 3 đã từng được nói đến từ chính ông bầu của CLB Sài Gòn nhưng mọi chuyện chưa đi đến đâu, thậm chí chìm lắng? Chẳng đã có thông tin Văn Triền, Danh Trung chuẩn bị đi Nhật rồi im hơi lặng tiếng và lý do được nói đến là vì dịch Covid-19 đó sao? Nay không chỉ 2 cầu thủ mà lên tới 4 cái tên rõ ràng thì phải chăng, “sự nổ” đã được tăng cường độ, còn sự việc đi đến đâu phải “xem hồi sau” sẽ rõ?
Đội tuyển Việt Nam tập buổi đầu tiên tại Australia. ảnh: VFF |
Trước hết, việc hợp tác, trao đổi giữa các đội bóng chuyên nghiệp trong thời hội nhập là tất yếu, đáng hoan nghênh. Ai làm trước, đi trước thì sẽ có thu hoạch trước, thu được kết quả trước. Kết quả đó, tất nhiên chủ yếu dành cho CLB bỏ công, bỏ của ra thực hiện để thi đấu tốt, giành kết quả tốt nhất có thể ở V. League 1, 2… Sau đó, các đội tuyển quốc gia sẽ được hưởng lợi từ các cầu thủ nổi trội được ăn tập, thi đấu ở các nền bóng đá tiên tiến đó. Vấn đề là ai đó, chưa làm được gì cho CLB chủ quản, chỉ tuyên bố hùng hồn với nhiều viễn cảnh, đã ngay lập tức mơ tới “công lao” sẽ dành cho các đội tuyển quốc gia thì e quá sớm, quá nóng vội và quá… ảo!
Điều tiếp theo là lâu nay, những ông bầu có tâm, có lực thực sự với bóng đá nước nhà như Bầu Đức, Bầu Hiển cũng đã từng làm việc quan trọng và cần thiết này, nhưng không dễ thành công nên họ không đao to, búa lớn như người khác?
Ai cũng biết Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường rồi Văn Hậu… đã được phép ra nước ngoài thi đấu một thời gian ngắn, trước khi kịp nhận ra mọi việc vẫn chưa thực sự phù hợp nên rốt cuộc phải quay lại tìm “đất diễn” ởV.Leaguequen thuộc này. Vậy nên, chuyện 2 hay 4 cầu thủ thuộc dạng khá tiềm năng của CLB Sài Gòn sang J- League 2-3 sắp tới, nói cho cùng là việc trao đổi bình thường như bao công việc thường ngày khác của bóng đá, dĩ nhiên phải chờ thời gian để có câu trả lời xác đáng?
Các chân sút của Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) vừa có một kỳ AFF Cup thất vọng. Ảnh: Thế Vũ - TTXVN |
Thực sự, để nâng tầm bóng đá Việt nhằm hướng tới một mục tiêu cao nhất là tấm vé dự World Cup 2030 chẳng hạn, từ lâu nay các nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá đã phải đặt ra rất nhiều bài toán phải giải quyết một cách đồng bộ và thỏa đáng. Nhưng rồi một “gáo nước lạnh” bỗng dội vào mọi toan tính đang nóng hổi là kết quả thi đấu không như ý của ĐT Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup đang diễn ra. Kết quả đó cho thấy vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa ĐT Việt Nam hiện tại trong chu kỳ thành công 4 năm qua và mặt bằng chung của bóng đá hàng đầu châu lục. Do vậy, chúng ta lại phải “làm lại, làm mới” như chính HLV trưởng Park Hang-seo đang tiến hành là điều không thể khác, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Tất nhiên, quá trình tìm lại mình ở mức độ và đẳng cấp cao hơn đó có nhiều công việc quan trọng và cấp bách do các CLB đảm nhiệm, trong đó cốt tử nhất là nâng cấp chất lượng mọi mặt của cầu thủ, từ đào tạo trong nước tới cọ xát, rèn dũa ở nước ngoài. Việc làm của CLB Sài Gòn nếu thu được kết quả tốt là đáng hoan nghênh, các CLB khác nên học hỏi, làm theo, bên cạnh nhiều công việc thường ngày khác theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Pha tranh chấp bóng giữa các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) và Đội tuyển Thái Lan trong trận bán kết lượt đi. Ảnh: VNN |
Thực tế cho thấy, việc học hỏi, nâng cao trình độ diễn ra bằng nhiều cách khác nhau. Ra nước ngoài học tập có bài bản, dài ngày là một cách thiết thực như chuyện cả đội bóng Thể Công đi Triều Tiên hay CHDC Đức trước đây. Các đội tuyển thi đấu SEA Games hầu hết đều có quá trình tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, khi còn chiến tranh lạnh cũng như thời hội nhập sau này. Học tập ở trong nước nhưng dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài xem ra lại là một lợi thế không nhỏ? Hãy xem thành công của lứa U19 HAGL dưới tay thầy Grachen và các lứa học trò tại PVF do các ông thầy ngoại hướng dẫn là thấy rõ hiệu quả của cách làm phù hợp đó. Vấn đề còn lại là trả lời câu hỏi tại sao vẫn với cách mời chuyên gia đó, giáo án tiên tiến đó mà có nơi thành công như mong đợi, có nơi lại chỉ có “nổ” và “nổ to hơn” mà thôi?
Đội tuyển Việt Nam họp chiến thuật ngay trên sân tập. Ảnh: VFF |
Vậy nên, thực tế chỉ ra rằng, mong mỏi và khát khao là một chuyện, còn kế hoạch khả thi lại là một chuyện khác. Làm bóng đá đỉnh cao không phải là chuyện một hai mùa giải mà cả một sự nghiệp dài lâu, không hiếm ông bầu thực tâm muốn làm một cái gì đó nhưng lại “lực bất tòng tâm” như nhiều người đã biết. Trong khi cuộc sống bóng đá luôn không dừng lại hay thỏa mãn, đòi hỏi sự vận động không ngừng nghỉ của cả một guồng máy thì mỗi CLB bóng đá đều phải tự tìm cho mình con đường đi lên đúng hướng và phù hợp nhất, trong đó có sự liên kết, trao đổi với nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
CLB Sài Gòn vài năm nay chủ trương tìm kiếm sức mạnh từ “động cơ Nhật Bản” cơ bản là đúng vì đây là nền bóng đá tiên tiến nhất châu lục và họ sẵn sàng mở cửa cho mọi thiện chí vươn tầm. Nhưng để mọi việc đi vào thực chất, có kết quả thực sự thì không thể trong một sớm, một chiều như CLB Sài Gòn đang phải vật lộn lâu nay? Và có thể phải lường trước điều không mong đợi sẽ ập đến, như từng đến trước đó, với đòi hỏi một bước đi, một cách làm khác, không chỉ đối với CLB Sài Gòn?