Đồng ruộng nứt nẻ do xâm nhập mặn, nguy cơ lúa chết ngay từ đầu vụ

Q.A 04/07/2023 09:13

(Baonghean.vn) - Nồng độ mặn vượt quá mức cho phép, trong khi những trận mưa vừa qua không đủ để bổ sung nước khiến nhiều cánh đồng tại huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc khô cằn, nứt nẻ, nếu không thể tiếp nước trong thời gian tới, nguy cơ lúa chết ngay đầu vụ hiện hữu.

Clip: Q.A

Những ngày đầu tháng 7, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên như “ngồi trên đống lửa” vì đồng ruộng gần sông nhưng lại không thể bơm tưới cho lúa hè thu mới gieo cấy. Phần vì lượng nước không dồi dào nhưng nguyên nhân chính là do nước bị nhiễm mặn, nếu bơm vào sẽ khiến lúa bị chết.

bna_hạn 1.jpg
Cánh đồng mới gieo cấy tại xóm 2, xã Châu Nhân đã khô cằn, nứt nẻ. Ảnh: Q.A

Có mặt tại cánh đồng xóm 2, xã Châu Nhân, phóng viên ghi nhận những cánh đồng lúa hè thu đã khô cằn, nứt nẻ, ruộng trắng bạc do không được tiếp nước lâu ngày. Dù đã có những cơn mưa vào cuối tháng 6 vừa qua, tuy nhiên lưu lượng rất thấp, cộng thêm nắng gắt lại tiếp tục kéo dài, lượng nước cung cấp nhanh chóng bị bốc hơi, trả lại cánh đồng khô nẻ.

Anh Trần Thanh Tùng, xã Châu Nhân chia sẻ: Gia đình tôi năm nay làm 8 sào lúa hè thu, từ đầu vụ đến nay mới bơm được 1 lần nước, sau đó nước sông Rum và sông Lam dần cạn kiệt, việc tiếp nước bị ngưng trệ. Đến nay lại xuất hiện thêm tình trạng nhiễm mặn nặng nên càng không thể bơm tưới cho lúa. Bà con đều bất lực vì không có cách nào khác cứu lúa.

bna_Người dân xã Châu Nhân huyện Hưng Nguyên lo lắng vì nước nhiễm mặn nặng không thể bơm tưới cho lúa ảnh QA.jpg
Dù có nước nhưng nước bị nhiễm mặn dẫn đến không thể bơm tưới cứu lúa. Ảnh: Q.A

Ông Trần Văn Liện, xóm trưởng xóm 2, xã Châu Nhân cho biết: Toàn xóm có 43ha lúa hè thu, đến nay đã gieo cấy được 75% diện tích, còn khoảng 25% diện tích do nằm ở vùng cao cưỡng, nước không thể đến nên đành phải bỏ hoang. Đối với 75% diện tích đã gieo cấy gặp muôn vàn khó khăn ngay từ đầu vụ do thiếu nước và thiếu điện. Đến nay, dù nước và điện đã ổn định hơn nhưng vẫn không thể cứu lúa do nguồn nước bị nhiễm mặn nặng, bà con trong xóm đang rất lo lắng.

Được biết, toàn xã Châu Nhân năm nay cơ cấu 350ha lúa hè thu, tuy nhiên, thực tế do những khó khăn trên nên chỉ gieo cấy được 248ha, số diện tích còn lại buộc phải bỏ không hoặc chuyển đổi cây trồng.

bna_Cánh đồng xóm 2 xã Châu Nhân huyện Hưng Nguyên bị nứt nẻ do không được bơm nước ảnh QA 2.jpg
Nếu không có mưa trong thời gian tới, lúa sẽ chết ngay đầu vụ. Ảnh: Q.A

Theo cán bộ trạm bơm Hưng Châu cho biết: Từ giữa tháng 6, nồng độ mặn của nguồn nước dao động từ 2 – 3 phần nghìn, vượt quá mức cho phép. Đến đầu tháng 7, mặc dù nồng độ mặn cũng đã giảm hơn, nhưng chỉ là thời điểm thủy triều lên, còn lúc thủy triều xuống, nồng độ mặn vẫn trên 1 phần nghìn rất khó để tiếp tục bơm cho cây trồng. Do đó, hiện nay khoảng 1.000ha lúa tại các xã Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Nghĩa… vẫn nằm trong mức báo động.

Đối với huyện Nghi Lộc, hệ thống sông Cấm từ hạ nguồn cầu Cấm (đường N5) xuống ba ra Nghi Quang độ mặn vẫn ở mức cao, dù vừa qua xuất hiện các cơn mưa, nồng độ mặn đã được cải thiện hơn, nhưng về lâu dài, trong điều kiện nắng nóng tiếp tục diễn ra thì vẫn không thể bơm tưới cho cây trồng.

bna_Cán bộ các trạm bơm đo nồng độ mặn thường xuyên để biết được khả năng bơm nước cho cây trồng ảnh QA.jpg
Cán bộ các trạm bơm thường xuyên đo độ mặn của nước. Ảnh: Q.A

Ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: Đoạn sông Cấm bị nhiễm mặn trên địa bàn đã xuất hiện trong những vụ mùa vừa qua, năm nay tình trạng lại càng khốc liệt hơn do nắng nóng quá dài, lượng mưa thấp, do đó, khoảng 1.000ha lúa tại các xã Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang... thiếu nước vì không thể bơm tưới liên tục. Những năm tới, nếu tình trạng nhiễm mặn không có sự cải thiện, huyện sẽ không cơ cấu diện tích lúa ở những địa phương này, thay vào đó sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn mặn.

Tại huyện Nghi Lộc, nguyên nhân chính dẫn đến xâm nhập mặn là hệ thống bara Nghi Quang đã bị xuống cấp, rò rỉ, do đó, nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt của cống bara Nghi Quang không còn đạt hiệu quả như thiết kế, khiến nước nhiễm mặn xâm nhập và lấn sâu vào nội đồng. Mặc dù vậy, đến nay việc nâng cấp cống bara Nghi Quang vẫn chưa được triển khai, do đó rất khó để ngăn mặn triệt để.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến khó lường trên địa bàn tỉnh, trong đó những con sông có nồng độ mặn cao là sông Cấm (Nghi Lộc) và sông Rum (Hưng Nguyên) khiến cho việc cung cấp nước tưới bị ảnh hưởng.

Chỉ có 2 phương pháp giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn là tăng lượng nước ngọt để đẩy mặn ra và ngăn không cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Trong đó, việc ngăn mặn đang được thực hiện tại sông Cấm, đối với việc tăng lượng nước ngọt, thời gian qua ít mưa, nước trên thượng nguồn và các sông lớn cũng đang ở mức thấp nên việc tăng ngọt đẩy mặn gặp rất nhiều khó khăn.

bna_.JPG
Nồng độ mặn cho phép của nước ngọt đủ điều kiện tưới cây là dưới 1 phần nghìn. Ảnh: Q.A

Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Nước trong các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lớn. Nếu như đầu vụ sản xuất, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 6.500ha lúa bị hạn hán, nhiễm mặn thì đến đầu tháng 7/2023, theo thống kê của Chi cục thuỷ lợi Nghệ An, toàn tỉnh đã có trên 10.000ha diện tích lúa có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.

Mới nhất

x
Đồng ruộng nứt nẻ do xâm nhập mặn, nguy cơ lúa chết ngay từ đầu vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO