Gần 2 thập kỷ đi tìm công lý sau một vụ tai nạn giao thông
(Baonghean.vn) - Chiếc xe khách chạy ẩu gây tai nạn khiến vợ và con gái ông Cương chấn thương nặng, chi phí chữa trị hết hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không được phía nhà xe bồi thường. Quá trình đi tìm công lý, ông Cương phát hiện ra “bí mật động trời” bị che giấu trong vụ tai nạn đó.
Chuyến xe định mệnh
Cho đến bây giờ, mỗi lần “trái gió trở trời”, bà Trịnh Thị Hạnh Lợi (62 tuổi, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) lại bị hành hạ bởi những cơn đau nhức. Đó là những chấn thương mà bà gặp phải sau vụ tai nạn giao thông cách đây 17 năm. “Riêng mắt trái coi như hỏng hoàn toàn rồi, chẳng nhìn thấy gì cả”, bà Lợi nói.
Nhớ lại chuyến xe định mệnh ấy, bà Lợi kể, rạng sáng 30/12/2003, bà cùng con gái Phan Lan Anh ra bắt xe khách về quê ngoại ở Thanh Hóa nhân 100 ngày mất ông ngoại. Lan Anh lúc đó 19 tuổi, đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học. Chiếc xe khách mà mẹ con bà Lợi đón do ông Ngô Sỹ Hoan (trú xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu) làm chủ.
Bà Lợi bị hỏng mắt sau vụ tai nạn. Ảnh: Tiến Hùng |
Đến 5h sáng, khi xe chạy đến địa phận xã Quảng Bình (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thì gây tai nạn. “Lúc đó 2 mẹ con đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ có tiếng động lớn, người chồm về phía trước. Lúc đó có vật gì phía trước đập vào mặt tôi, sau đó không nhớ gì nữa”, bà Lợi kể. Vụ tai nạn làm 2 người chết, 8 người bị thương. Trong đó, bà Lợi là một trong những nạn nhân bị nặng nhất. 2 mẹ con được gia đình đưa ra Hà Nội cấp cứu và chữa trị suốt nhiều ngày.
Theo kết luận của cơ quan công an, nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế xe khách Lê Trung Kiên (trú xã Hưng Đông, TP. Vinh) đã phóng nhanh, chạy ẩu, không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái đã lao sang phần đường bên trái tông vào ô tô chạy ngược chiều. Cũng theo kết luận này thì tài xế Kiên là 1 trong 2 người tử vong. Vì tài xế đã chết nên cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Chồng bà Lợi, ông Phan Anh Cương cho biết, khoảng 20 ngày sau khi xảy ra tai nạn, một nhóm người đến nhà ông tự xưng là “giang hồ cầu Bùng” được chủ xe nhờ đến thỏa thuận. “Họ đưa 5 triệu đồng cùng một tờ giấy viết sẵn ghi nội dung bồi thường vụ tai nạn và không kiện cáo gì nữa để tôi ký vào, nhưng tôi không nhận tiền và cũng không ký. Lúc đó, vợ con tôi đang bị thương nặng, chưa biết sống chết thế nào, nên tôi chưa nhận tiền. Họ sau đó quát tháo ầm ĩ, dọa nạt cả nhà”, ông Cương kể.
Theo ông Cương, đó cũng là lần duy nhất phía nhà xe đến gặp gia đình ông để thỏa thuận bồi thường. Từ đó đến nay, 17 năm đã trôi qua, gia đình ông và một số hành khách bị thương trong chuyến xe định mệnh đó vẫn chưa nhận được một đồng nào bồi thường từ phía nhà xe. Trong khi đó, chi phí chữa trị của 2 mẹ con bà Lợi tốn hơn 200 triệu đồng.
Thủ đoạn đánh tráo tài xế
Nhiều tháng sau vụ tai nạn, bà Lợi và con gái mới dần hồi phục. Nhưng chờ mãi không thấy vụ tai nạn được đưa ra xét xử để các nạn nhân như bà được nhận bồi thường, vợ chồng bà Lợi liền khiếu nại. Nhưng phải đến 3 năm sau, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa mới có thông báo trả lời đơn khiếu nại giải quyết vụ tai nạn này của bà Lợi. Lúc này, vợ chồng bà Lợi mới biết, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án vì tài xế Lê Trung Kiên đã chết.
Nhận thấy vụ tai nạn có nhiều dấu hiệu bất thường, ông Cương đi tìm hiểu và phát hiện sự việc động trời: Tài xế Lê Trung Kiên được Công an Thanh Hóa xác định “đã chết” vẫn còn sống sờ sờ ở TP. Vinh và tài xế bị chết là Ngô Thanh Hồng (con trai chủ xe Ngô Sỹ Hoan). Đặc biệt, Hồng vẫn chưa có giấy phép lái xe.
Vợ chồng ông Cương mòn mỏi đi chờ công lý suốt 17 năm qua. Ảnh: Tiến Hùng |
Để có bằng chứng, ông Cương phải trực tiếp đến địa phương nhờ chứng thực “Lê Trung Kiên còn sống". Ông sau đó mang văn bản chứng thực đi tố cáo. Từ những thông tin này, tháng 6/2007, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa khởi tố bị can đối với ông Ngô Sỹ Hoan về tội khai báo gian dối. Kết luận điều tra khẳng định, sau khi tai nạn xảy ra, vì anh Hồng chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn lái xe và bị tử vong trong vụ tai nạn, nên ông Hoan đã gọi điện cho người nhà đi trên xe đề nghị khai báo với công an người lái xe bị tử vong là Lê Trung Kiên (cháu vợ ông Hoan, có giấy phép lái xe) để được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, kết luận này cũng cho rằng, anh Ngô Thanh Hồng đã tự ý lái xe đi đón khách, ông Hoan không biết nên cơ quan điều tra không khởi tố ông Hoan về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ngày 8/11/2007, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử và tuyên phạt ông Hoan 15 tháng tù, cho hưởng án treo, về tội khai báo gian dối, nhưng không xem xét việc bồi thường thiệt hại cho vợ và con ông Cương, như ông Cương đề nghị.
17 năm đi khiếu nại
Sau khi tòa tuyên án nhưng vẫn không xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho vợ con ông Cương, gia đình ông lại tiếp tục đi khiếu nại. Ông Cương kể, sau tai nạn, bà Lợi phải nhiều lần ra Hà Nội điều trị gần 1 năm trời ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Mắt. Ông phải vay ngân hàng rồi chạy vạy khắp nơi để có tiền điều trị cho vợ, con. Sau điều trị, bà Lợi 1 mắt bị hỏng hoàn toàn, mắt còn lại chỉ còn 3/10, bị rối loạn thần kinh não. Còn Lan Anh đang học đại học năm thứ nhất, bị tai nạn giao thông điều trị dài ngày, không được bảo lưu kết quả.
Ông Kỳ, một nạn nhân khác của vụ tai nạn. Ảnh: Tiến Hùng |
Toàn bộ hồ sơ bệnh án, phiếu thu tiền ở bệnh viện khi vợ con ông điều trị, ông đều nộp cho cơ quan công an, nên dù đã mua bảo hiểm thân thể, vợ và con ông cũng không được bảo hiểm bồi thường. Sau nhiều năm đề nghị mở phiên tòa xét xử bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vụ tai nạn, yêu cầu chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình, năm 2013, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn ông Cương khởi kiện đòi bồi thường ra Tòa án huyện.
Sau khi Viện KSND tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, ông mang hồ sơ đến tòa án các huyện: Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) và Quảng Xương (Thanh Hóa) nhưng họ đều trả lời không có hồ sơ vụ tai nạn nên không thụ lý. Ông Cương tiếp tục làm đơn gửi Viện KSND tỉnh Thanh Hóa và được chuyển đơn sang TAND tỉnh Thanh Hóa. Sau nhiều năm chờ đợi nhưng không có kết quả, ông làm đơn kêu cứu gửi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
17 năm sau vụ tai nạn, đến ngày 14/8 vừa qua, TAND tỉnh Thanh Hóa có văn bản trả lời ông Cương và hướng dẫn ông khởi kiện bằng một vụ án dân sự nơi tòa án có thẩm quyền. “Chúng tôi là nạn nhân, suốt 17 năm qua tôi đã gửi không biết bao nhiêu lá đơn, gõ cửa rất nhiều cơ quan, nhưng quyền lợi vẫn không được ai xem xét. Chúng tôi đã quá mệt mỏi!”, ông Cương bức xúc.
Tương tự gia đình ông Cương, một nạn nhân khác trong vụ tai nạn là ông Phan Đăng Kỳ (ngụ xã Nhân Thành, Yên Thành), cũng cho biết đến nay chưa nhận được đồng nào từ chủ xe gây tai nạn. Ông Kỳ đã nhiều lần ký tên trong đơn kêu cứu của ông Cương gửi các cơ quan chức năng đề nghị mở phiên tòa xét xử để bồi thường, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.