Gia cảnh khốn khó của người phụ nữ đơn thân có con tai nạn nguy kịch, mẹ mù lòa

(Baonghean.vn) - Vốn đã nghèo khó, khi con trai gặp nạn lần thứ hai, gia cảnh của bà Phạm Thị Soa ở xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương càng thêm túng quấn. Bản thân bà bị tàn tật, hèn yếu, nay vừa chăm mẹ già, vừa nuôi con nằm viện.

Chúng tôi có mặt tại nhà bà Soa vào một chiều mưa lạnh, dưới hiên ngôi nhà cũ, bà đang hốt những thau ngô ẩm mốc vì lâu ngày không được phơi hong. Từ hôm con trai bị nạn, rồi bà lại bị ngã ngoài đồng mọi thứ trong nhà dường như bị đảo lộn.

Gia đình bà Phạm Thị Soa thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Ảnh: Huy Thư
Gia đình bà Phạm Thị Soa thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Ảnh: Huy Thư

Bà Soa (SN 1965) là con thứ trong gia đình có 4 chị em gái, các chị em đều đã lấy chồng, còn bà tàn tật, hẩm hiu đành ở lại nuôi mẹ già. Năm 1997, bà sinh được 1 người con trai đó là anh Nguyễn Văn Hạnh. Nhà làm 1 sào ruộng, 1 sào đất, mấy mẹ con bà cháu cố gắng chắt chiu, nuôi nhau trong cảnh nghèo khó. Sau khi học xong lớp 9, anh Hạnh không học lên nữa mà đi làm kiếm tiền về giúp gia đình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu luôn bám lấy mẹ con bà Soa. Cách đây 3 năm trong 1 lần đi làm công trình ở xã Thanh Hương, anh Hạnh bị tai nạn lao động, rơi từ trên cao xuống vỡ thận, đưa đi bệnh viện, phải cắt mất một quả thận và nằm điều trị một thời gian dài. Lần đó bà Soa cũng phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn khắp nơi, mới đủ tiền chữa trị cho con.

Ngôi nhà gỗ cũ đã bị mối mọt ăn lộng, lở troạng nhiều nơi. Ảnh: Huy Thư
Ngôi nhà gỗ cũ đã bị mối mọt ăn lộng, lở troạng nhiều nơi.  Ảnh: Huy Thư

Đi làm suốt mấy năm, tiết kiệm được gần 40 triệu đồng, anh Hạnh dự định sửa sang lại ngôi nhà gỗ cũ đã xuống cấp nặng nề, mối ăn lộng nhiều chỗ, đầu hồi troạng lở từng mảng lớn, nhưng chưa kịp thực hiện thì gặp nạn, phải lo mạng sống. Cũng may là nhờ gặp thầy, gặp thuốc, anh đã vượt qua, dần dà bình phục và đi làm lại được.

Dịp Tết Canh Tý vừa rồi, anh cùng người bạn trong xóm trên đường đi chúc Tết thì bị tai nạn giao thông ở xã Thanh Lương, chấn thương phần đầu, xây xát phần thân và liệt cánh tay trái. Đêm mùng 2 Tết, bà Soa nghe anh em thông báo con trai bị tai nạn nguy kịch phải đưa đi bệnh viện tỉnh mà “lòng dạ hoang mang, lo con không qua khỏi”.

Anh Nguyễn Văn Hạnh bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn
Anh Nguyễn Văn Hạnh bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Anh Tuấn

Từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, anh Hạnh được chuyển ra Hà Nội rồi lại chuyển về Vinh, đến nay đã hơn 3 tuần, tuy đã qua tình trạng nguy kịch, nhưng cánh tay trái thì vẫn còn bị liệt, không cử động được. Hiện anh đang điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. “Khi Hạnh bị nạn trong nhà cũng không có đồng mô, mọi sự đều nhờ anh em cả” - bà Soa nói trong đau khổ.

Khi con trai đang nằm viện, ở nhà bà đi làm ngoài đồng, lại bị ngã trên đường do bò kéo, gây chấn thương cột sống. Nhiều ngày bà phải nằm nhà thuốc thang, tiêm chuyền, mọi việc trong nhà đều do người mẹ già, cụ Nguyễn Thị Thanh (97 tuổi) mù lòa giúp đỡ. Vốn đã bị tàn tật, đi tập tênh, sức khỏe yếu, nay lo lắng cho con, lại bị ngã khiến sức khỏe của bà xuống dốc đột ngột. Tuy nhiên giữa lúc cảnh nhà gieo neo, mẹ già thì ngồi một chỗ, con trai thì nằm viện, bà vẫn phải gắng gượng, lo toan.

Bà Soa và người mẹ già 97 tuổi mù lòa. Ảnh: Huy Thư
Bà Soa và người mẹ già 97 tuổi mù lòa.  Ảnh: Huy Thư

Kể về nhà mình, về con trai trong nỗi buồn trĩu nặng, bà Soa thở dài: “Số thằng Hạnh hắn đen đủi quá, hết bị rớt trên nhà lại đến tai nạn giao thông, hết bị cắt thận dừ lại bị bại liệt cánh tay. Đang tính Tết xong đi Vinh làm với bạn, rồi sửa sang nhà cửa, mà dừ như ri thì chỉ mong cho con tai qua nạn khỏi”.

Ông Nguyễn Trọng Lịch, xóm trưởng xóm Tràng Thọ, xã Xuân Tường cho biết: Gia đình bà Soa thuộc diện hộ nghèo của xã, là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Từ ngày Hạnh bị tai nạn, bà con trong xóm cũng như đoàn thể các cấp đã kêu gọi quyên góp, giúp đỡ được ít nhiều, nhưng gia cảnh bà Soa quá khốn khó, éo le nên phải nhờ vào sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Phạm Thị Soa, xóm Tràng Thọ, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hoặc Hoặc phòng Phát hành - HĐXH - Báo Nghệ An, số 3 - đại lộ Lê Nin - TP Vinh.  ĐT: 02383.686.585
 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.