Giải pháp cho vấn đề Triều Tiên không nằm trong tay Mỹ

12/09/2017 22:04

(Baonghean.vn)- Với sự thúc đẩy của Mỹ, Liên hợp quốc ngày 11/9 đã nhất trí hạn chế giao dịch thương mại toàn cầu với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay của nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về việc liệu Washington và các đồng minh có thể đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán hay không.

Cựu Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng Wesley Clark nhận xét trên thực tế, các cuộc đối thoại đa phương thông thường không phải là giải pháp cho căng thẳng Triều Tiên hiện nay. Điều này có nghĩa các nước dẫn đầu trong nỗ lực đáp trả của cộng đồng quốc tế đối với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga, cần tránh xa bàn đàm phán – ít nhất là công khai.

Theo Tướng Clark, thay vào đó, thế giới cần các cuộc đàm phán phức tạp do một bên thứ ba đóng vai trò trung gian hòa giải. Và mấu chốt thành công của các cuộc đàm phán này chính là đảm bảo bí mật.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên của HĐBA LHQ. Ảnh: Getty
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên của HĐBA LHQ. Ảnh: Getty

Hãng tin CNBC dẫn lời Tướng Clark cho biết: “Vấn đề ở đây là Mỹ càng muốn gây thêm sức ép, thì Triều Tiên càng muốn đáp trả bằng áp lực lớn hơn”. Và cả hai nước đều không thể cùng tham gia đối thoại vào cùng một thời điểm, bởi họ đang gây sức ép lên phía bên kia. Tướng Clark nhận định vào giai đoạn hiện tại, bày tỏ thiện chí đối thoại sẽ khiến các nước “trông yếu thế”, khiến đối phương khó nhượng bộ hơn.

Hơn nữa, Tướng Clark nhấn mạnh các cuộc đàm phán, về cơ bản, có thể không hiệu quả trong việc đem lại giải pháp cho cuộc khủng hoảng, bởi cả Mỹ và Triều Tiên đều không thể đưa ra cái mà bên kia muốn, bởi mục tiêu của hai bên dường như trái ngược nhau.

Tướng Clark cho rằng: “Triều Tiên muốn Mỹ rời khỏi khu vực và Bình Nhưỡng tự đối phó với Hàn Quốc thông qua hăm dọa, áp lực hoặc xung đột nếu cần thiết. Mục tiêu này, nếu thành hiện thực, có thể đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, và chính là điều mà đồng minh Mỹ-Hàn luôn muốn tránh”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng trước vụ phóng thử thành công ICBM. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng trước vụ phóng thử thành công ICBM. Ảnh: Reuters

Cựu Tư lệnh NATO cũng cho rằng: “Mỹ và Triều Tiên có thể tổ chức đàm phán kín để giải quyết khủng hoảng, và cần một bên nào đó đứng sau… phối hợp tìm ra một giải pháp nhằm đáp ứng mục tiêu trung hạn của cả hai bên cũng như đưa ra lộ trình cho tương lai. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này cần được tiến hành bí mật, im lặng, không phô trương ầm ĩ”.

Theo Tướng Clark, một giải pháp như vậy có thể tương tự như khuôn khổ chương trình kéo dài nhiều năm, hướng tới mục tiêu bình thường hóa, và có sự tham gia của một bên hòa giải không phải một nước thành viên NATO như Thụy Điển hoặc Phần Lan./.

Lan Hạ

(Theo CNBC)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giải pháp cho vấn đề Triều Tiên không nằm trong tay Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO