Giải pháp phòng ngừa đình công trái pháp luật

Trần Vân 04/07/2022 15:13

(Baonghean.vn) - Do tính chất phức tạp và những hệ lụy khó lường khi đình công, ngừng việc trái pháp luật xảy ra nên phòng ngừa, hạn chế đình công là việc làm cần thiết, cũng là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng tổ chức công đoàn mà của cả hệ thống chính trị.

Theo sự phân công của Tỉnh ủy, Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm với 6 tỉnh phía Nam nơi xảy ra đình công thuộc tốp nhiều nhất cả nước nhằm tìm hiểu kinh nghiệm thực tế trong việc phòng ngừa, hạn chế đình công, nhằm xây dựng Đề án “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Thực trạng đình công ở các địa phương

Từ năm 2018 đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 151 vụ đình công với 103.557 công nhân lao động tham gia. Tất cả các vụ đình công đều không theo trình tự pháp luật, diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI (125 vụ), bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 30 vụ, trong đó 101/118 vụ đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. 100% vụ đình công xảy ra trên địa bàn đều trái quy định pháp luật.

Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu chế xuất, khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp, tình hình quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, các cuộc tranh chấp, đình công trái pháp luật xảy ra kéo dài, với đông công nhân lao động tham gia.

Đoàn công tác LĐLĐ tỉnh Nghệ An làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐVCC

Tính chất các vụ đình công tại các tỉnh phía Nam không phức tạp, chủ yếu vẫn là liên quan quyền và lợi ích như đến tiền lương, thưởng, triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ còn chậm, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật chưa kịp thời. Một số vụ đình công bắt nguồn từ nguyên nhân rất đơn giản như thái độ của người quản lý trong giao tiếp ứng xử với công nhân, dẫn đến bức xúc, lôi kéo số đông công nhân, lao động tham gia ngừng việc tập thể...

Tại Nghệ An, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 5 vụ đình công. Nguyên nhân các cuộc đình công này hầu hết chủ yếu xuất phát từ tranh chấp liên quan đến các nội dung: Yêu cầu tăng lương cơ bản, trả thưởng, tăng các loại phụ cấp, nâng chất lượng bữa ăn giữa ca, chế độ hỗ trợ Covid-19, thái độ ứng xử bộ phận quản lý... Mặc dù doanh nghiệp trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng, thời gian làm thêm giờ nhiều nhưng thu nhập của người lao động vẫn thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng thang bảng lương, chưa có quy chế trả lương, trả thưởng. Có doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ không lấy ý kiến người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp xảy ra đình công đều chưa quan tâm việc tổ chức hội nghị dân chủ 2022, hoặc là tổ chức đối thoại theo Điều 63, 64 của Bộ luật Lao động. Công nhân phản ánh về việc quản lý là lao động nước ngoài còn xúc phạm, chửi mắng công nhân.

Khảo sát tình hình tại Công ty Sản xuất đồ gỗ Chien Việt Nam (Đồng Nai). Ảnh: ĐVCC

Ngoài những nguyên nhân trên, trên địa bàn Nghệ An, đình công chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tại các công ty con. Trong 5 doanh nghiệp xảy ra đình công trên địa bàn 3 tỉnh thì có 4 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn có mối quan hệ với nhau trong thực hiện chính sách, khi công ty này đình công sẽ kích động lôi kéo các công ty khác trong tập đoàn đình công. 3 cuộc đình công (tại Công ty TNHH Em-tech Việt Nam và Công ty CP Nam Thuận Nghệ An, Công ty Haivina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) xảy ra đồng thời một lúc, cùng một thời điểm. Có 2 cuộc đình công tại Công ty Vietglory Nghệ An và Công ty Energy Ninh Bình cũng diễn ra liên tiếp nhau. Đặc biệt, 11 yêu sách của công nhân thì giống nhau hoàn toàn từ nội dung cho đến mức đòi hỏi. Chưa kể, một số công nhân lao động không tham gia đình công thì có hiện tượng bị dọa dẫm.

Với thực tế đang diễn ra, 100% các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn tỉnh đều không đúng trình tự pháp luật và tính chất các vụ đình công có phần phức tạp, căng thẳng khó giải quyết hơn so với những địa phương khác.

Giải pháp phòng ngừa, hạn chế đình công

Do tính chất phức tạp và những hệ lụy khó lường khi đình công, ngừng việc trái pháp luật xảy ra nên phòng ngừa, hạn chế đình công là việc làm cần thiết, cũng là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng tổ chức công đoàn mà của cả hệ thống chính trị - Đó là khẳng định của đồng chí Kiều Minh Sinh - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai.

Đình công tại Công ty TNHH VietGlory hồi đầu năm 2022. Ảnh: Diệp Thanh

Theo kinh nghiệm chia sẻ từ đại diện Liên đoàn Lao động Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, để phòng ngừa, hạn chế đình công trái pháp luật phải bắt đầu từ doanh nghiệp, người lao động - nơi khởi phát của mọi xung đột dẫn đến đình công. Một khi doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật lao động, coi người lao động là tài sản lớn nhất, quý nhất để chăm lo, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng, quan tâm xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa 2 bên, lắng nghe tiếng nói tâm tư, nguyện vọng đề xuất kiến nghị của người lao động, đồng thời đối thoại, trao đổi, dân chủ với người lao động, hoàn thiện công khai các quy chế, thang bảng lương, tạo điều kiện để công đoàn cơ sở phát huy vai trò trách nhiệm trong hoạt động tuyên truyền, nắm bắt, thương lượng... thì mối quan hệ giữa chủ sử dụng và người lao động sẽ hài hòa bền chặt.

Về phía người lao động, cần phải tuân thủ pháp luật, chấp hành các cam kết trong hợp đồng lao động, nâng cao nhận thức, tăng cường kỷ luật kỹ năng, đặc biệt lựa chọn cách bày tỏ, đề xuất tâm tư nguyện vọng kiến nghị phù hợp pháp luật. Đồng thời, tránh bị lôi kéo, xúi giục, chính trị hóa các cuộc đình công ngừng việc của các thế lực phản động, chống phá công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Đoàn công tác LĐLĐ tỉnh Nghệ An làm việc tại Long An. Ảnh: ĐVCC

Đối với vai trò của tổ chức công đoàn, ngoài việc tuyên truyền pháp luật lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, người lao động còn tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, bức xúc kiến nghị của người lao động thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức. Đặc biệt, tại Đồng Nai đã đào tạo đội ngũ công nhân nòng cốt với số lượng 167 người, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin. Từ đó kịp thời phát hiện, nắm bắt diễn biến các cuộc đình công, ngừng việc sẽ xảy ra.

Về kinh nghiệm phối hợp chỉ đạo, đồng chí Hồ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy có ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo các lực lượng, nhất là lực lượng an ninh, phối hợp phòng ngừa, giải quyết đình công. Tại tỉnh Đồng Nai đã thành lập tổ chỉ đạo cấp tỉnh có đường dây nóng riêng cập nhật tin tức 24/24h. Từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng công an, chính quyền, công đoàn và các đoàn thể khác, thông tin thường xuyên cập nhật, giải quyết kịp thời, không để ra hiện tượng đình công, ngừng việc lây lan, kéo dài gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết đình công, ngừng việc tập thể, bà Bùi Thị Ngọc Trang - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Long An cho biết: “Ngay khi nắm bắt thông tin, phải bình tĩnh, phối hợp với lực lượng Công an xác định nguyên nhân dẫn đến đình công, đối tượng đứng đầu, từ đó phân loại nhóm công nhân. Đồng thời, cán bộ công đoàn nắm chắc tình hình đơn vị, kiến nghị của người lao động, phân tích, đánh giá nội dung nào đúng pháp luật, nội dung nào doanh nghiệp vi phạm, từ đó làm việc với doanh nghiệp để thương lượng thỏa thuận, đồng thời giải thích rõ cho công nhân để tìm tiếng nói chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa”.

Cuộc đình công tại Công ty Em Tech Nghệ An vào đầu năm 2022. Ảnh: Diệp Thanh

Kinh nghiệm các tỉnh cho thấy doanh nghiệp nào công đoàn cơ sở phát huy tốt vai trò chức năng nhiệm vụ, nhất là trong đối thoại và thực hiện dân chủ cơ sở, nơi đó quan hệ lao động hài hòa ổn định, đình công khó xảy ra, hoặc có xảy ra cũng dễ giải quyết và đi đến thống nhất. Vì thế vai trò của chủ tịch công đoàn cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa, hạn chế đình công.

“Thời gian sắp tới, quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xung đột, đình công, ngừng việc tập thể. Với Nghệ An, khi doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động, thu nhập còn thấp, nguy cơ xảy ra đình công, ngừng việc tập thể là điều khó tránh khỏi. Những kinh nghiệm từ chuyến đi thực tế các tỉnh phía Nam sẽ được tham khảo, nghiên cứu, vận dụng để xây dựng Đề án “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An” - Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Trưởng đoàn công tác chia sẻ.

Mới nhất

x
Giải pháp phòng ngừa đình công trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO