Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp): Không xuê xoa, qua chuyện
(Baonghean.vn) - Sau khi Báo Nghệ An điện tử ngày 31/12/2020 đăng bài “Đồng Hợp, một nỗi lo ô nhiễm...”, UBND huyện Quỳ Hợp và UBND xã Đồng Hợp đã có những động thái vào cuộc để cải thiện môi trường các cụm công nghiệp. Tuy nhiên, chưa có chuyển biến đáng kể.
HUYỆN, XÃ VÀO CUỘC
Kết nối với chính quyền xã Đồng Hợp trong ngày 16/1/2021 để nắm bắt việc xử lý ô nhiễm tại các cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND xã, ông Vũ Ngọc Lâm cho biết, ngày 4/1/2021, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Đức Lợi đã về cụm công nghiệp Đồng Lèn kiểm tra. Sau đó, Phó Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu xã phải có văn bản báo cáo giải trình và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm.
Các tuyến đường ở cụm công nghiệp Đồng Lèn đầy rẫy các loại thải. Ảnh: Nhật Lân |
Về công tác bảo vệ môi trường ở cụm công nghiệp Đồng Lèn, từ năm 2015, khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, các công ty và cơ sở đã xây dựng nhà xưởng, hố xả thải 3 ngăn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã xảy ra. Nguyên nhân là do chủ các cơ sở đều là các hộ gia đình trên địa bàn tự phát hành nghề, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường chưa tốt; trong khi đó, diện tích đất sản xuất chật hẹp, không đủ để tách riêng các khu vật liệu, nhà xưởng, khu vực chứa thải...
Trong quá trình sản xuất, chế biến, khi các hố thải đầy, các cơ sở múc bùn thải để xử lý thì xảy ra hiện tượng sập tường giữa các hố xả thải. UBND xã đã kiểm tra, nhắc nhở để chủ các cơ sở chế biến khắc phục. Tuy nhiên, do diện tích quá nhỏ nên gặp khó khăn trong quá trình vận hành xả thải, thường xảy ra tình trạng sập hố thải, dẫn đến rò nước thải từ một số cơ sở sang diện tích sản xuất nông nghiệp các hộ dân lân cận...
UBND xã xác định chủ các cơ sở phải có trách nhiệm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Vậy nên, trước khi làm báo cáo giải trình, UBND xã đã tổ chức làm việc với đại diện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chế biến đá. Tại cuộc họp tổ chức ngày 5/1/2021, UBND xã yêu cầu trong thời gian 10 ngày (từ ngày 5 - 15/1/2021), các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biến đá trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đó là, tập trung dọn dẹp các loại chất thải; với các cơ sở sản xuất đã có hố chứa thải thì phải thực hiện nạo vét, không để nước thải chảy ra ngoài khu vực sản xuất; với các cơ sở chưa có hố lắng thì phải tiến hành xây dựng, không để nước thải tràn ra bên ngoài môi trường...
Những ngày qua, bên tuyến đường liên thôn ngang qua cụm công nghiệp Đồng Lèn “bỗng dưng” mọc lên một ụ lớn, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Nhật Lân |
Về phía UBND xã, thành lập tổ kiểm tra, thường xuyên giám sát công tác môi trường tại các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biên đá trên địa bàn. Đồng thời, giao cán bộ chuyên môn xây dựng văn bản kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nghiên cứu cho phép mở rộng các cụm công nghiệp, để các cơ sở sản xuất được tăng diện tích tổ chức hoạt động sản xuất chế biến và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ngày 7/1/2021, UBND xã Đồng Hợp có Báo cáo số 21/BC-UBND gửi lên UBND huyện Quỳ Hợp. Trong đó, báo cáo về quy hoạch, số doanh nghiệp và cơ sở chế biến đang hoạt động trong 3 cụm công nghiệp; đồng thời báo cáo rõ hiện trạng, nguyên nhân, các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trước mắt..., và kiến nghị: “Để giúp UBND xã Đồng Hợp thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và giúp các cơ sở chế biến đá có diện tích đảm bảo có quá trình sản xuất, chế biến, kiến nghị UBND huyện, UBND tỉnh phê duyệt mở rộng quy hoạch 3 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đồng Hợp.
“Hiện nay, UBND xã Đồng Hợp đang tiếp tục yêu cầu chủ các cơ sở phải thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường đã cam kết trong đề án...”.
Hình ảnh tạm bợ, qua chuyện trong bảo vệ môi trường ở một cơ sở chế biến trong cụm công nghiệp Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân |
CHUYỂN BIẾN CHẬM!
Ngày 17/1/2021, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp, ông Bùi Thanh Tùng trở lại cụm công nghiệp Đồng Lèn. Đáng buồn, những nội dung phản ánh qua bài viết “Đồng Hợp, một nỗi lo ô nhiễm...” vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Có lẽ chỉ mỗi tình trạng vật liệu đá sắp đặt lộn xộn bên hành lang đường liên thôn là được giảm bớt. Còn thì các loại vụn thải đá vẫn bừa bãi khắp nơi; trong các cơ sở sản xuất, vẫn có rất nhiều gò lớn bùn thải; các bể chứa nước thải, bùn thải đào âm dưới mặt đất vẫn đầy ăm ắp, chảy tràn vương vãi trong khu vực sử dụng chung.
Đáng phê phán nhất là cơ sở chế biến bị người dân phản ánh gây ô nhiễm, trong ngày 17/1/2021, khi biết lãnh đạo xã và P.V Báo Nghệ An trở lại kiểm tra thì mới đưa máy xúc, ô tô tải đến để dọn đống bùn thải; trong khi các nội dung mà UBND xã yêu cầu phải chấp hành như nạo vét hố thải, xây lại tường bao ngăn cách với khu sản xuất của người dân... thì chưa thực hiện.
Hỏi Phó Chủ tịch UBND xã, ông Bùi Thanh Tùng: Thời hạn 10 ngày UBND xã giao chủ các cơ sở ở cụm công nghiệp Đồng Lèn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã hết. Tại sao vẫn chưa thấy có chuyển biến gì? Ông Bùi Thanh Tùng kêu khó. Và cho biết, bản thân ông đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. “Như với trường hợp cơ sở bị người dân có ý kiến, tôi nhắc thường xuyên nhưng không chấp hành. Mới ngày hôm qua tôi nói đã phải nói “Tôi hết cách rồi đấy. Nếu không chấp hành, sau này có chuyện gì thì đừng trách là xã thiếu quan tâm, không nhắc nhở...”. Vậy mà đến bây giờ họ mới cho xe máy đến xúc thải...” - Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thanh Tùng phàn nàn.
"Tôi đã phải nói nếu không chấp hành, sau này có chuyện gì thì đừng trách là xã thiếu quan tâm, không nhắc nhở.... Vậy mà đến bây giờ họ mới cho xe máy đến xúc thải...".
Cơ sở chế biến bị người dân phản ánh gây ô nhiễm, trong ngày 17/1/2021, mới đưa máy xúc, ô tô tải đến để dọn đống bùn thải. Ảnh: Nhật Lân |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, ông Trần Đức Lợi trao đổi, sau khi nhận được thông tin báo nêu, thì xác định phải tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở cụm công nghiệp Đồng Lèn. Chính vì vậy, ngày 4/1/2021, ông đã trực tiếp xuống kiểm tra, sau đó đã chỉ đạo cụ thể những nội dung UBND xã cần thực hiện, yêu cầu trong thời gian 15 ngày thì phải hoàn thành. “Tôi đã nói với UBND xã Đồng Hợp trong thời hạn 15 ngày, UBND xã phải tập trung đôn đốc chủ các cơ sở thực hiện những nội dung họ đã cam kết. Hết thời hạn 15 ngày, huyện sẽ về kiểm tra. Nếu không hoàn thành, sẽ xử lý các chủ cơ sở đúng theo quy định của pháp luật. Đến khi đó, Chủ tịch UBND xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Trần Đức Lợi nhấn mạnh.
Như đã nhận định ở bài viết trước, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở cụm công nghiệp Đồng Lèn là bởi các chủ các cơ sở chế biến đá không có ý thức bảo vệ môi trường, không thực hiện cam kết do chính họ đề ra; bên cạnh đó, chính quyền xã vì cả nể con em trên địa bàn nên lỏng lẻo trong công tác quản lý. Những ngày vừa qua, huyện đã kiểm tra, xã đã vào cuộc nhưng chuyển biến chậm, chứng minh nhận định trên là chính xác. Chính vì vậy, đề nghị chính quyền huyện Quỳ Hợp có những biện pháp đủ nghiêm để giải quyết tình trạng này.
Tại xã Đồng Hợp có 3 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2015, gồm: Cụm chế biến đá Đồng Lèn, diện tích 4,18 ha (diện tích sử dụng thực tế 3,02 ha); Cụm chế biến đá Đồng Sòng, diện tích 9,7 ha (diện tích sử dụng thực tế 9,07 ha); Cụm chế biến đá xóm Quỳnh Hợp, diện tích 3,16 ha (diện tích sử dụng thực tế 2,82 ha). Trong đó, có 32 doanh nghiệp và cơ sở chế biến đá được thuê đất, có cam kết bảo vệ môi trường. Hiện nay, có một số công ty đã tạm ngừng hoạt động, một số cơ sở chế biến đã chuyển nhượng cho cơ sở khác.
Cụm công nghiệp Đồng Lèn, xã nông thôn mới Đồng Hợp. Ảnh: Nhật Lân |