Chuyện 'lội ngược dòng' của thủ khoa giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh
(Baonghean.vn) - Trong Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THPT năm 2023, những thủ khoa đến từ các trường vùng khó không nhiều. Chính vì thế, thành tích của cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo - giáo viên Trường THPT Đô Lương 2, thủ khoa môn Tiếng Anh thực sự đáng trân trọng.
Thất bại không phải là kết thúc
Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc THPT năm 2023 vừa kết thúc với tỷ lệ giáo viên được công nhận trên 97%. Tỷ lệ những giáo viên bị trượt khá hi hữu và phần nhiều bị trượt từ vòng 1 với phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy. Đây cũng là thực tế diễn ra ở các hội thi trước vì hầu hết các giáo viên được chọn tham dự giáo viên dạy giỏi tỉnh đều là giáo viên có nhiều thành tích, được tuyển chọn kỹ càng ở cơ sở.
“Trước khi đạt thủ khoa, tôi đã 2 lần thi trượt ở Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh trước đó. Cả hai lần tôi đều trượt ở ngay vòng 1” - cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo đã bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Chị cũng tâm sự rằng: Những lần trước đây, tôi thường trả lời sai trong những tình huống rất oái oăm, có khi là đánh nhầm câu hỏi, có khi là thiếu câu trả lời. Tuy nhiên, với tình huống nào thì sau mỗi kỳ thi và nhận thất bại, tôi thực sự rất buồn và thấy chưa hoàn thành trách nhiệm với nhà trường.
Cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo sinh năm 1983 và từng là thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Sư phạm Vinh gần 20 năm về trước. Trong suốt quá trình học tập và công tác, chị được giáo viên, đồng nghiệp nhận xét là chỉn chu, nghiêm túc, có nhiều thành tích. Đó cũng là lý do trong nhiều năm công tác tại Trường THPT Đô Lương 2, chị nhiều lần được nhà trường chọn tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh. Bản thân chị cũng ý thức được việc nhà trường tin tưởng là vinh dự cho cá nhân, nhưng hai lần liên tục đi thi và đều nhận thất bại thì thực sự là “khác biệt”. Trước những bất lợi ấy, năm 2023 - lần thứ 3 trở lại với Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh, chị gặp rất nhiều áp lực và căng thẳng.
Nhiều người nói rằng, việc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh là không quá khó. Nhưng với tôi như một con chim “sợ cành cong”, vì thế trước kỳ thi này, tôi mất hơn 3 tháng chuẩn bị, đêm nào cũng thức đến 1 – 2 giờ sáng để hoàn thiện bài thi trình bày và xem lại các bài giảng, đưa ra các tình huống để có phương pháp dạy học phù hợp.
Tiếng Anh không phải là lợi thế của các trường vùng nông thôn. Ở Trường THPT Đô Lương 2, điều này lại càng rõ ràng hơn bởi đây là ngôi trường có điểm đầu vào thấp nhất huyện. Là một giáo viên Tiếng Anh, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo luôn trăn trở làm sao để tạo được niềm yêu thích ngoại ngữ trong học sinh nhà trường và điều này đã được chị thể hiện ở Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm nay.
"Ở phần thi đầu tiên, tôi chia sẻ giải pháp nâng cao kiến thức về văn hóa cho học sinh khối 10 thông qua một số hoạt động áp dụng cho các tiết học “Culture” (văn hóa) . Đây là những trải nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện trực tiếp tại nhà trường qua các mô hình câu lạc bộ và các tiết học “mở” để học sinh có thể phát huy được các kiến thức về văn hóa." – cô Mỹ Hảo cho biết.
Vượt qua phần thi đầu tiên, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo đã phần nào giải tỏa được áp lực từ chính bản thân. Chính vì vậy, ở phần thi thứ 2, dù từ khi bốc thăm bài giảng đến khi làm quen với học sinh lớp 11A11 - Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) chỉ hơn 30 phút, chị đã lấy lại được sự tự tin của "người cầm chịch" trong tiết dạy.
Kể về phần thi này, cô giáo Mỹ Hảo cho biết: Tiết dạy của tôi là bài giảng về dự án thành phố lý tưởng trong tương lai. Đây là một bài thi được nhiều thí sinh đánh giá là khó, nhất là gặp trường hợp học sinh không tương tác. Khi "bắt" được bài giảng này tôi lại nghĩ, nếu làm tốt sẽ rất dễ có điểm cao, nhưng ngược lại, nếu không đạt được mục tiêu bài giảng có thể sẽ mất điểm. Cá nhân tôi lại thích những bài giảng như vậy vì giáo viên có thể phát huy được năng lực của mình.
Tiết học của cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo được mở đầu bằng phần khởi động thú vị với trò chơi ô chữ, vừa xâu chuỗi các nội dung cần ôn tập, vừa dẫn dắt vào chủ đề chính của bài. Phần dự án được chia thành bốn nhóm và các em sẽ thuyết trình bức tranh nói về thành phố lý tưởng trong tương lai. Trong thời gian 45 phút diễn ra bài học, cô và trò có sự tương tác tích cực, sôi nổi. Học sinh có cơ hội tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, cuối cùng có sự tổng hợp nhận xét và cho điểm của giáo viên, góp phần đạt được mục đích của bài giảng đề ra.
Tôi nghĩ rằng, tôi đã gặp may mắn vì các bạn ở lớp 11A11 rất hợp tác với giáo viên và các em cũng thực sự có năng lực. Khi tôi nói đến câu cuối cùng cảm ơn các em thì cũng là lúc trống đánh hết giờ. Lúc ấy tôi đã thở phào nhẹ nhõm và nghĩ rằng mình đã có một tiết dạy trọn vẹn như mong đợi.
Dạy học bằng niềm đam mê
Với hai bài thi khá thành công, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo chia sẻ, chị đã nhẹ nhõm khi vượt qua cuộc thi năm nay. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn với chị đó là vượt qua gần 100 thí sinh dự thi, chị đã xuất sắc giành vị trí thủ khoa. Giải thưởng là nguồn khích lệ để chị có thêm động lực gắn bó với nghề.
Nghề giáo cũng là công việc mà chị yêu thích từ rất nhỏ. Bố của chị cũng là giáo viên, ông dạy Văn nhưng lại có khiếu ngoại ngữ và có thể sử dụng được nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Thái. Tình yêu ngoại ngữ được ông truyền cho con gái bằng cách “từ khi chưa đi học, tối nào bố cũng cho tôi nghe đài cassette dạy tiếng Trung trên sóng radio. Vì vậy, tôi nghe nói được những từ đơn giản bằng tiếng Trung rất sớm. Sau này, học phổ thông, tôi cũng có năng khiếu ngoại ngữ, từng đạt học sinh giỏi và tôi đã chọn làm giáo viên Tiếng Anh như một lẽ tất yếu theo truyền thống của gia đình”.
Gần 20 năm gắn bó với vai trò cô giáo Tiếng Anh ở Trường THPT Đô Lương 2, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo đã trải qua nhiều “vui buồn” với môn học này. Vui với chị, đó là Tiếng Anh từ một môn xa lạ, học sinh đã bắt đầu làm quen, yêu thích. Nhưng chị cũng buồn bởi so với các môn học khác, chất lượng học Tiếng Anh chưa cao và nhiều năm còn là điểm trũng của huyện.
"Đã không ít mùa thi, trường chúng tôi "trắng" học sinh giỏi Tiếng Anh và đó là nỗi trăn trở với đội ngũ giáo viên Tiếng Anh của trường. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng giáo viên là người có trách nhiệm đầu tiên." - cô Hảo thẳng thắn chia sẻ.
Để bồi đắp chuyên môn, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo không ngừng học hỏi. Một điều đặc biệt ở chị, đó là chị rất đam mê nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Qua 6 lần tham gia, chị đã có 5 sáng kiến được chấm giải A, 1 sáng kiến được chấm giải B cấp ngành. Chị cũng chia sẻ việc viết sáng kiến hoàn toàn không phải vì thành tích mà vì yêu thích, vì muốn chia sẻ về những điều mình đã đúc rút được từ trong quá trình trực tiếp giảng dạy.
Đã từng đi thi và đã từng thất bại, cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo cũng không ngại khi chia sẻ về những khó khăn của mình cho học trò. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận theo hướng tiêu cực, chị xem đó là bài học để rút kinh nghiệm và tự thay đổi bản thân.
Ngay cả trong công tác giảng dạy ở trường, sau mỗi một mùa thi, chị và các đồng nghiệp cũng cố gắng đi tìm câu trả lời về thành công, về thất bại và từng bước điều chỉnh để việc dạy học hiệu quả hơn. Tin vui đã đến với chị trong năm học này, khi sau nhiều nỗ lực, năm nay chị đã có 1 học sinh đạt giải Nhì môn Tiếng Anh lớp 12 tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2023 - 2024.
Với giải Nhất tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh, nữ giáo viên đạt thủ khoa của năm 2023 tâm sự, với chị đây không là điểm kết thúc mà chính là điểm khởi đầu. Việc học sẽ không bao giờ ngừng nghỉ và thử thách, khó khăn cũng như thành công vẫn đang chờ phía trước…/.