Giáo viên mầm non TP Vinh loay hoay 'chuyển nghề' giữa 'mùa Covid'

Mỹ Hà 23/03/2020 15:52

(Baonghean.vn) - Học sinh không đến trường đồng nghĩa với việc nhà trường không có nguồn thu và giáo viên không có việc làm. Đây là thực trạng chung của nhiều trường tư thục trên địa bàn tỉnh ta hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Mưu sinh bằng nghề tay trái

Từ chủ một cơ sở mầm non tư thục, vài tháng nay, chị Nguyễn Thị L. ở xã Nghi Kim (TP. Vinh) chuyển sang kinh doanh bán hàng online với mặt hàng chủ yếu là buôn bán hoa quả từ phía Nam về.

Công việc này so với việc dạy học trước đây vất vả hơn nhiều nhưng đây lại là nguồn thu nhập quan trọng của gia đình trong thời điểm này khi mà cơ sở không còn hoạt động, vì học sinh đã nghỉ học trong nhiều tháng. Tâm sự thêm, chị L cho biết: Tôi mở cơ sở mới được 1 năm, nên công việc còn nhiều khó khăn và chưa thể thu hồi vốn. Hiện, do học sinh không đi học nên giáo viên của cơ sở phải nghỉ và bản thân tôi cũng phải bươn chải thêm để trang trải cho cuộc sống...

Giáo viên Trường mầm non Arita làm đồ dùng đồ chơi trong thời gian học sinh nghỉ học. Ảnh: MH
Giáo viên trường mầm non làm đồ dùng, đồ chơi trong thời gian học sinh nghỉ học. Ảnh: M.H

Từ ngày bùng phát dịch Covid - 19, học sinh nghỉ học Nguyễn Thị B – giáo viên một trường mầm non khá nổi tiếng ở thành phố Vinh buộc phải về quê ở huyện Tân Kỳ và sống nhờ vào việc bán hàng online qua mạng. Tuy nhiên, nếu như ở các thành phố, khu vực trung tâm việc buôn bán còn dễ dàng vì lượng người mua đông, nhu cầu lớn thì ở quê việc buôn bán khó khăn hơn nhiều và có những ngày chị không có khách hàng nào.

Qua trao đổi, cô B cũng nói rằng: Từ khi nhà trường phải nghỉ học thì giáo viên cũng được thông báo nghỉ chứ không biết chế độ lương hay chế độ bảo hiểm có được chi trả hay không? Chúng tôi cũng đã hỏi nhiều giáo viên ở các trường khác và được biết cùng chung tình trạng như vậy. Hiện hầu hết giáo viên đều không có việc làm, không có thu nhập và đều phải sống nhờ bằng nghề "bán hàng online".

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, tất cả các trường mầm non đều phải nghỉ học kéo dài. Ảnh: MH
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, tất cả các trường mầm non đều phải nghỉ học kéo dài. Ảnh: M.H

Cô giáo Nguyễn Thảo L- giáo viên một trường mầm non tư thục đã có gần 10 năm trong nghề ở thành phố Vinh chia sẻ thêm: Trước đây, 1 năm bọn em chỉ được trả lương 9 tháng đi dạy còn những tháng hè thì chúng em chỉ được trả hơn 1 triệu đồng, đúng theo mức lương cơ bản. Vì thế, trong dịp nghỉ vì dịch này, giáo viên trong trường xác định là không có lương và trong thời gian tạm nghỉ mỗi người đều cố gắng kiếm thêm một nghề “tay trái” để sống. Bản thân em thì liên hệ với một cửa hàng kinh doanh hải sản ở quê để bán hàng qua mạng. Trời nắng thì em bán thêm sữa chua hoặc một số bánh kẹo...

Học sinh nghỉ học, trường tư lao đao

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên từ hơn 2 tháng nay, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh đều phải nghỉ học kéo dài. Tuy nhiên, nếu như ở các trường công lập, trong thời gian nghỉ dạy việc chi trả lương vẫn đảm bảo thì ở các trường ngoài công lập đều rơi vào tình trạng khó khăn.

Tại xã Hưng Tây, trước Tết, cơ sở mầm non tư thục Minh Anh vừa mới khai trương và thu hút được khá đông học sinh theo học. Thế nhưng, mới được 1,5 tháng thì học sinh nghỉ Tết và sau đó lại tiếp tục kỳ nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Hiện tại, 3 giáo viên của cơ sở đã phải nghỉ làm và chủ cơ sở cũng chưa biết phải trả lương cho giáo viên thế nào vì trường chưa có nguồn thu và bản thân chủ cơ sở vẫn đang phải nợ ngân hàng do phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở mầm non tư thục.

Trong thời gian nghỉ học các trường mầm non tiếp tục phun độc khử trùng để đảm bảo an toàn. Ảnh: MH
Trong thời gian nghỉ học các trường mầm non tiếp tục phun tiêu độc, khử trùng để đảm bảo an toàn. Ảnh: M.H

Nói thêm về hoàn cảnh của mình, anh Nguyễn Đình Tạo cho biết: Với những cơ sở nhỏ như chúng tôi mọi nguồn thu phụ thuộc vào số lượng học sinh theo học, trong những tháng đầu tiên vì chưa đủ học sinh, chúng tôi đang phải bù lỗ. Bây giờ, trường cũng chưa biết giải quyết quyền lợi cho giáo viên như thế nào, vì trả lương thì nhà trường không kham nổi mà nếu không trả lương thì có thể giáo viên sẽ nghỉ việc và sau này phải tuyển dụng lại rất vất vả.

Trên trang facebook của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm – chủ một cơ sở mầm non ở thành phố Vinh, từ khi học sinh nghỉ học cũng thường xuyên cập nhật các thông tin bán hàng qua mạng. Nói về lý do, chị chia sẻ đây đều là các trang bán hàng của các giáo viên trong trường và chị muốn chia sẻ tới mọi người để phần nào hỗ trợ các giáo viên trong giai đoạn khó khăn này.

Trước đó, với hơn 100 học sinh, cơ sở mầm non Yên Bình được khá nhiều phụ huynh tin tưởng nên việc dạy và học ở nhà trường khá ổn định, các giáo viên được chi trả lương và đóng BHXH đầy đủ. Sau hơn 2 tháng học sinh nghỉ học, việc chi tiêu của nhà trường gặp nhiều khó khăn và phải rất gắng gượng nhà trường mới có thể đóng BHXH cho giáo viên.

Chủ cơ sở này cũng chia sẻ: Tôi biết giai đoạn này, giáo viên trong trường sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Ban giám hiệu, nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng vì nếu không đóng bảo hiểm, giáo viên sẽ mất nhiều quyền lợi, nhất là hiện nay trong trường có giáo viên chuẩn bị sinh. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng tình trạng này sớm được cải thiện vì nếu kéo dài lâu thì nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Một số trường khác như Trường Mầm non Arita hiện mỗi tháng nhà trường vẫn phải trích hơn 100 triệu đồng để chi trả lương cho 24 giáo viên. Nhưng, về lâu dài, bà Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận rất nhiều khó khăn: Hiện nay, chúng tôi vẫn trả 100% lương cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu tiếp tục nghỉ học thì sẽ gây khó khăn cho nhà trường và chúng tôi dự kiến nếu nghỉ đến 6 tháng thì chỉ trả lương 70% và cả năm thì chỉ còn 50%.

Trong thời điểm khó khăn này, để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên là một nỗ lực của các nhà trường. Ảnh: MH
Trong thời điểm khó khăn này, để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên là một nỗ lực của các nhà trường. Ảnh: M.H

Liên quan đến vấn đề này, hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh và một số phòng giáo dục khác cũng đã bắt đầu tổng hợp ý kiến của các nhà trường để gửi lên cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Ông Lê Trường Sơn - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Qua tổng hợp ở hơn 30 trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố chúng tôi thấy khó khăn chung hiện nay đó là các trường không có tiền chi trả lương và các chế độ BHXH, BHYT cho cán bộ, giáo viên, một số trường mới thành lập nên khó khăn trong việc chi trả lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, do việc nghỉ học dài ngày nên ảnh hưởng đến việc tuyển sinh để đảm bảo theo kế hoạch và kế hoạch tuyển dụng nhân sự của nhà trường. Ở các trường tiểu học, mầm non công lập thì không có nguồn để chi trả cho nhân viên nấu ăn.

Hiện các phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với cấp có cơ chế hỗ trợ cho các trường mầm non ngoại công lập và có ý kiến với cơ quan Bảo hiểm xã hội gia hạn việc chậm đóng tiền BHXH của cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non ngoài công lập.

Mới nhất

x
Giáo viên mầm non TP Vinh loay hoay 'chuyển nghề' giữa 'mùa Covid'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO