Gió mới trên miền Trà Lân
(Baonghean) - Đón chúng tôi trở lại đại ngàn Con Cuông với nụ cười rạng rỡ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Hùng không giấu được niềm vui khi mảnh đất đầy khó nhọc ngày nào giờ đây đã có nhiều đổi khác. Những vườn cam, đồi chè, ruộng lúa bạt ngàn xanh là tiền đề vững chắc giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thổi làn gió mới trong sự khởi sắc ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ đội ngũ cán bộ trẻ đầy bản lĩnh, sáng tạo và tâm huyết. Họ được ví như những cánh chim đầu đàn của miền Trà Lân.
Tâm huyết từ những điều bé nhỏ
Tháng 9 về mang theo một niềm vui lớn đối với bà con xã Bồng Khê (Con Cuông) khi sau rất nhiều nỗ lực, địa phương đã cán đích nông thôn mới. Đi qua những con đường rộng thênh thang, thẳng lối dẫn về bản Khe Rạn, trưởng bản Lô Văn Thắng chưa quên những ngày đầu gian khó khi 100 hộ dân đồng bào Thái của bản đã từng lâm vào tình trạng thiếu đói triền miên, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ngô rẫy. Thế rồi, từ khi có chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương chọn Khe Rạn là 1 trong 4 bản của huyện làm mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân đã rẽ sang một chặng đường mới.
Bí thư Đảng ủy xã Bồng Khê Phan Thanh Hùng (phải) thăm mô hình trồng cam của thôn 2/9. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Từ người xa lạ, Phan Thanh Hùng trở thành con, em trong mỗi gia đình của bản.
Rảo bước trên con đường dẫn từ Khe Rạn lên thôn Thành Nam, Tân Hòa và Thanh Đào, ông Lô Văn Thắng chưa quên ký ức gắn liền với những lối mòn trơn trượt ấy trong nhiều năm liền. Cho đến khi đồng chí Phan Thanh Hùng luân chuyển từ Phòng Tài nguyên & Môi trường của huyện về đảm nhận vai trò là Bí thư Đảng ủy xã Bồng Khê thì đó cũng là lúc những ý tưởng, nguyện vọng của bà con trở thành hiện thực.
Bằng kinh nghiệm lâu năm trong giải phóng mặt bằng, anh hiểu những công việc mình cần làm để mang lại cho bà con những con đường đạt chuẩn. Song song với chuyên môn nghiệp vụ là sự gần gũi, chân thành và thấu hiểu với những khó khăn mà bà con đang đối mặt. Từ người xa lạ, anh Hùng trở thành con, em trong mỗi gia đình của bản. Vì vậy, chẳng khó khăn khi anh nhận được sự đồng ý của bà con hiến đất, đóng góp ngày công để bê tông hóa gần hàng chục km đường liên thôn, liên bản.
Nhiều loại hoa được trồng dọc Quốc lộ 7A đoạn qua thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê (Con Cuông). Ảnh tư liệu Hồ Phương |
Nông thôn đã mới, nhưng làm sao cho đời sống người dân văn minh hơn là câu hỏi luôn trăn trở đối với vị bí thư đảng ủy xã sinh năm 1977 ấy. Và rồi, một lần nữa anh đứng ra vận động bà con trên toàn xã xây dựng hơn 400 hố rác thông minh cho gia đình, tích cực cải tạo cảnh quan môi trường và an ninh trật tự. Chỉ một chi tiết đó thôi, nhưng cũng đủ khiến những vị khách xa xứ ấn tượng với Bồng Khê sau mỗi lần ghé thăm, để rồi chính họ lại trở về, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của những bản làng nơi đây.
Là cựu sinh viên Trường đại học Nông nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Bồng Khê Phan Thanh Hùng từ lâu luôn ấp ủ tìm kiếm những hướng đi phát triển kinh tế năng động để thổi một làn gió mới vào nếp nghĩ, nếp làm của bà con. Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, anh đã tích cực vận động bà con nhân rộng các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung như trồng thanh long ruột đỏ, phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa và đồng hành cùng 7 mô hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã... Dọc bãi bồi sông Lam của các thôn Thanh Nam, Thanh Đào, Khe Rạn, 2/9... giờ đây ngập tràn sức sống khi mùa nào thức ấy, hết lạc xuân, đậu hè thu, đến ngô đông. Gần đây, bà con đưa thêm ổi Đài Loan, mít Thái Lan, bưởi da xanh, táo vào trồng đã hồi sinh mảnh đất ngày nào.
Hơn 400 hố rác tại gia đã được xây dựng ở xã Bồng Khê đã góp phần quan trọng để giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Giờ đây, toàn xã đã có trên 20 mô hình chăn nuôi trâu bò lợn có giá trị kinh tế cao, thu nhập bình quân năm 2018 của xã đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,24% - một con số trong mơ mà bà con đã không dám nghĩ đến những năm về trước. Đó là tiền đề để Bồng Khê từng bước vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thành quả đó, bà con còn đặt nhiều hy vọng vào cánh chim đầu đàn Phan Thanh Hùng sẽ tiếp tục đồng hành để đưa những cái mới, cái tốt về cho từng bản, làng nơi đây.
Gieo hạt giống đỏ ở miền Đôn Phục
Tròn 1 năm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, cho đến nay, anh Lư Văn Đức ở bản Xiềng, xã Đôn Phục vẫn coi đó là bước ngoặt đầy ý nghĩa với bản thân mình. Anh cũng như đa phần người dân trong bản đã từng suy nghĩ, việc “vào Đảng” là những điều cao xa không dành cho bản thân mình, hoặc đúng hơn là mình không được quyền lợi gì khi là Đảng viên. Cho đến thời điểm năm 2017, sau khi được chọn là 1 trong 3 quần chúng ưu tú của bản Xiềng tham gia lớp học cảm tình Đảng, Đức mới hiểu ra rằng, những điều được học gắn liền với lợi ích của bản thân và cộng đồng mình sinh sống, nhất là những Nghị quyết, chính sách và Đề án đang được triển khai, có tác động trực tiếp đến sinh kế của bản làng.
Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục Nguyễn Xuân Nam (giữa) cùng các đảng viên trẻ trên con đường nội thôn đã được nâng cấp theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đồng hành cùng chàng trai trẻ người Thái sinh năm 1990 trong quá trình thay đổi nhận thức đó, Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục Nguyễn Xuân Nam đã gần như trở thành người anh thân thiết trong gia đình. Theo lời chia sẻ của anh, Đôn Phục có hơn 90% là đồng bào dân tộc Thái với địa hình hiểm trở, xa cách trung tâm huyện nên đây là một trong những địa phương khó khăn nhất của Con Cuông.
Lẽ dĩ nhiên, công tác phát triển Đảng ở xã cũng gặp nhiều gian nan hơn những địa bàn khác. Cái khó ở Đôn Phục là làm sao vừa phát triển được kinh tế, văn hóa cho bà con, lại đồng thời “ươm mầm” những hạt giống đỏ để nâng cao sức chiến đấu của từng Chi bộ cơ sở. Niềm trăn trở ấy là nỗi lòng của Bí thư Đảng ủy sinh năm 1982 Nguyễn Xuân Nam trong suốt quãng thời gian công tác.
Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục Nguyễn Xuân Nam cùng bà con bản Xiềng. Ảnh: Thanh Quỳnh
Điều quan trọng là làm sao để bà con tin. Một khi đã tin, đã hiểu, họ sẽ đồng lòng thực hiện.
Để tìm hướng đi xóa bỏ những bất cập đang tồn tại trong công tác phát triển đảng viên tại địa phương, anh chọn một Chi bộ yếu nhất, chính là Chi bộ bản Xiềng, nơi nhiều năm nay vẫn được coi là “điểm nghẽn” cần hóa giải. Từng là cán bộ phòng Văn hóa huyện nên hơn ai hết, anh hiểu rõ những nét văn hóa đặc thù của bà con đồng bào Thái. Điều quan trọng là làm sao để bà con tin. Một khi đã tin, đã hiểu, họ sẽ đồng lòng thực hiện.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm vui đã đến với Chi bộ bản Xiềng khi năm 2018 vừa qua đã có 3 đảng viên được chuyển đảng chính thức, trong năm 2019, có thêm 4 đảng viên được kết nạp. Sau khi “hóa giải” được những khó khăn đầu tiên đó, Đôn Phục đã có thêm niềm tin trong công tác tạo nguồn Đảng viên khi trong 2 năm vừa qua địa phương đã chuyển đảng chính thức cho gần 15 cá nhân.
Chia tay xứ đại ngàn Con Cuông, Bí thư huyện ủy Nguyễn Đình Hùng chia sẻ với chúng tôi rất nhiều trăn trở. Dù địa phương có xuất phát điểm khá thấp và hiện tại vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng bao năm qua, tại các bản làng xa xôi, nhiều cán bộ trẻ đã phát huy được bản lĩnh của mình để lặng lẽ, tận tâm bám cơ sở. Họ chính là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là cánh chim đầu đàn để mang lại những hy vọng làm đổi thay vùng đất khó.
Quang cảnh huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |