Hai kịch bản kết quả cuộc gặp Trump - Kim
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên có thể tạo nên bước ngoặt trên bán đảo Triều Tiên hoặc có thể khiến hai bên mất niềm tin rất lâu.
Tổng thống Mỹ Trump, trái, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP. |
Trong khi Mỹ và Triều Tiên đang có những động thái gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore, Lincoln Bloomfield, cựu quan chức cố vấn an ninh quốc gia dưới ba đời tổng thống Mỹ Ronald Reagan, George Bush cha và Bush con, bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tương lai, khi trao đổi với VnExpress.
"Nếu như trong quá khứ, trao đổi giữa ông Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, với Mỹ bị giới hạn rất nhiều, không có gì khác ngoài vấn đề hạt nhân, thì thảo luận hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Washington khác hẳn, để ngỏ cơ hội Triều Tiên có một nền kinh tế mở và hòa bình trên bán đảo", Bloomfield nói.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 18/5 nêu rõ Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên đi theo con đường phát triển kinh tế như Hàn Quốc, trở nên giàu có hơn nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Tổng thống Mỹ trước đó cũng tuyên bố chiến tranh Triều Tiên sẽ kết thúc, bày tỏ vui mừng về kết quả cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cuối tháng 4.
Đến ngày 27/5, Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng "Ông thực sự tin Triều Tiên có tiềm năng rực rỡ và ngày nào đó sẽ trở thành một đất nước với nền kinh tế và tài chính tuyệt vời. Kim Jong-un đã đồng ý với tôi về điều này. Nó sẽ xảy ra".
Trước lo ngại về sự thay đổi liên tục của Tổng thống Mỹ Trump, tuyên bố hủy họp với Kim Jong-un rồi lại cho rằng cuộc gặp giữa hai bên vẫn có thể diễn ra, Bloomfield, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng thực tế không phải như vậy. Trump cho rằng Triều Tiên, với giọng điệu tiêu cực, thể hiện họ không nghiêm túc xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh như kế hoạch.
"Trump hủy họp vì không muốn tổng thống Mỹ bị rơi vào tình trạng bối rối như thế, nhưng ông cũng gửi đi thông điệp rằng cuộc họp nếu diễn ra cần phải được thực hiện tới nơi tới chốn", Bloomfield nói.
Lý giải về sự thận trọng của Mỹ với Triều Tiên, Giám đốc Trung tâm Stimson cho hay nhiều người Mỹ không hiểu nhiều về Kim Jong-un, những suy đoán của họ bị ảnh hưởng bởi hình ảnh cha ông, Kim Jong-Il. Trong khi đó, Triều Tiên dưới thời Kim Jong-Il đã hai lần thất hứa với Mỹ về cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân. Đó là các cuộc họp năm 1994 và 2005. Hơn nữa, Mỹ phải đối phó với nhiều "gánh nặng trong lịch sử" nên người Mỹ "không dễ lạc quan".
Về phía Kim Jong-un, Bloomfield cho biết có các dấu hiệu cho thấy ông có thể "là một người rất khác với cha Kim Jong-Il và ông Kim Nhật Thành". Dưới thời cầm quyền của Kim Jong-un, Triều Tiên bớt đóng kín, cởi mở hơn về thông tin với thế giới, họ cử đoàn tham dự Thế Vận hội mùa đông tại Hàn Quốc và Kim Jong-un có đến hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon.
Thừa nhận không hiểu rõ quyết tâm của Kim Jong-un về việc gặp Trump, ông Bloomfield dự đoán có thể lãnh đạo Triều Tiên nhận thấy Tổng thống Mỹ mong muốn tiến đến thỏa thuận dựa trên mối quan hệ giữa cá nhân các lãnh đạo, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Đây là cách Trump đạt được thỏa thuận, Kim hứng thú với điều đó và muốn xem liệu hai người có thể đạt được tầm hiểu biết chiến lược cho tương lai hay không", Bloomfield nói. Ông nói thêm đây là cơ hội rất quan trọng đối với Kim Jong-un.
Kịch bản thứ nhất về kết quả cuộc gặp, nếu Trump và Kim họp thượng đỉnh tại Singapore như dự kiến, là Triều Tiên không đưa ra các cam kết nghiêm túc, dẫn đến việc không có bất cứ ai ở Mỹ dám tin Bình Nhưỡng nữa, trong một khoảng thời gian khá lâu. Nguyên nhân là Mỹ đã quá thất vọng vì Triều Tiên không giữ lời hai lần hồi năm 1994 và 2005, khi Kim Jong-Il họp với Mỹ.
"Hãy chờ xem liệu Kim Jong-un có nghiêm túc về triển vọng ở Triều Tiên hay không", Bloomfield nói. Bình Nhưỡng cần có cam kết đáng tin và toàn diện để đổi lấy sự hỗ trợ của Washington trong việc giúp Triều Tiên mở cửa, phát triển kinh tế. Mỹ muốn Triều Tiên không còn coi mình là kẻ thù nữa, muốn có hòa bình trên bán đảo thì hai bên cần có một bước ngoặt về ngoại giao. Hai nước có rất nhiều việc phải giải quyết trong tiến trình đạt được sự hiểu biết chiến lược.
Kịch bản thứ hai là Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân như trông đợi. Sau đó, để đảm bảo Mỹ không "lật kèo" khi Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn thành một Hiệp ước (tuân thủ luật pháp quốc tế), hoặc thông qua luật để chính thức hóa cam kết của Mỹ nếu Triều Tiên hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Bloomfield giải thích sở dĩ Trump có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là do chính quyền của cựu tổng thống Obama đã không chính thức hóa nó ở Quốc hội Mỹ, chỉ đơn thuần là cam kết hành pháp của Tổng thống.