Hệ lụy khi Dự án Thủy điện Yên Thắng “khai tử“

Thùy Linh 22/03/2015 14:57

(Baonghean) - Dự án thủy điện trên khe Huổi Nguyên thuộc địa phận xã Yên Thắng, huyện Tương Dương được khởi công vào ngày 25/10/2009, sau đó chủ đầu tư không triển khai thi công và bị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép vào năm 2013. Dự án không còn, nhưng vẫn còn những hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

(Baonghean) - Dự án thủy điện trên khe Huổi Nguyên thuộc địa phận xã Yên Thắng, huyện Tương Dương được khởi công vào ngày 25/10/2009, sau đó chủ đầu tư không triển khai thi công và bị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép vào năm 2013. Dự án không còn, nhưng vẫn còn những hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Bây giờ, đoạn dốc dọc khe Huổi Nguyên, nơi diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy thủy điện cách đây 6 năm, chỉ thấy um tùm cây dại, không còn dấu tích của một dự án hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù dự án thủy điện này đã bị khai tử, nhưng trong nhiều năm qua, những hệ lụy mà nó để lại cho vùng đất nghèo Yên Hòa, Yên Thắng vẫn còn dai dẳng.

Đất sản xuất của bà Lô Thị Xinh (bản Xốp Khấu - xã Yên Thắng) nay trơ lại đá cuội.
Đất sản xuất của bà Lô Thị Xinh (bản Xốp Khấu - xã Yên Thắng) nay trơ lại đá cuội.

Theo thiết kế của dự án, khu vực hồ chứa nước Yên Thắng có diện tích mặt hồ 0,57km2, dung tích toàn bộ 3,76 triệu m3. Điều này có nghĩa, nếu dự án hoàn thành, tích nước và phát điện sẽ có hơn 300 hộ dân của 3 bản Xiềng Líp, bản Cọc, bản Hào thuộc xã Yên Hòa và 34 hộ dân của bản Xốp Khâu, xã Yên Thắng chịu ảnh hưởng. Trong đó, xã Yên Hòa có khoảng 90 hộ phải di dời tái định cư vì nằm trong vùng lòng hồ thủy điện. Cũng như nhiều dự án thủy điện khác, khu vực lòng hồ đã được cấp phép để tận thu vàng sa khoáng bởi sau khi dự án hoàn thành, tất cả sẽ ngập chìm trong nước. Thế nhưng dự án thủy điện đã bị khai tử và việc khai thác vàng sa khoáng cũng đã xong, còn hậu quả của việc khai thác vàng thì người dân đang phải gánh chịu.

Khe Huổi Nguyên nơi định đặt nhà máy thủy điện
Khe Huổi Nguyên nơi định đặt nhà máy thủy điện

Trời nắng chang chang, bà Lô Thị Xinh, bản Xốp Khấu ngồi dưới nhà, nhìn xa xăm về phía khe Huổi Nguyên. Bà cho biết, trước đây, khi chưa có dự án thủy điện, hai bên khe có rất nhiều bãi bồi, người dân sử dụng để trồng ngô, hoa màu. Dù diện tích đất không quá nhiều nhưng hầu như nhà nào cũng có một vài mảnh để sản xuất. Khi triển khai Dự án Thủy điện Yên Thắng, theo thiết kế, vùng khe Huổi Nguyên sẽ trở thành lòng hồ thủy điện và đã có các công ty khai thác vàng vào để tận thu vàng sa khoáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, máy móc của các công ty khai thác vàng cày nát lòng khe, diện tích bãi bồi hai bên khe cũng bị biến mất. Khi dự án bị chấm dứt, lòng khe bị đào bới nham nhở, chỉ trơ lại đá cuội, nước chảy đục ngầu. Vừa nói chuyện, bà Xinh dẫn chúng tôi ra chỉ về bãi đá cuội bên mép khe Huổi Nguyên mà xót xa rằng, đáng ra đó là những bãi ngô, bãi rau... “Nay thủy điện không làm nhưng đất thì không thể sản xuất được nữa, người dân nơi đây chỉ biết tiếc nuối, không biết kêu ai”, bà Xinh thở dài.

Ngược lên phía trên, chúng tôi bắt gặp một tốp khoảng 8 người đang vừa quăng chài vừa ngụp lặn trong dòng nước đục ngầu để tìm cá. Nói về nhà máy thủy điện đã bị dừng, ai cũng cười và lắc đầu ngao ngán. Ông Lương Văn Phương, một người nhiều tuổi nhất trong tốp quăng chài cho biết, ngày trước, khe Huổi Nguyên rất nhiều cá. Sau đó, các máy làm vàng về khai thác, lật hết đất đá lên, nước chảy đục ngầu, cá cũng không có nơi sống. Nay thủy điện không làm nữa nhưng cá không thấy đâu, chỉ thấy trơ lại đá cuội dưới khe.

Lòng sông lổm nhổm đá cuội sau khi khai thác vàng tận thu
Lòng sông lổm nhổm đá cuội sau khi khai thác vàng tận thu

Khi nói về những hệ lụy đằng sau Dự án Thủy điện Yên Thắng bị khai tử, ông Lô Thái Sinh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa khẳng định ngay: Lòng khe Huổi Nguyên bị đào bới nham nhở để khai thác vàng, không thể hoàn nguyên như cũ mà chỉ còn trơ lại đá cuội. Cũng vì lòng khe bị đào bới nên nước đổi dòng, gây xói lở rất nhiều đất sản xuất của người dân hai bên. Sau một hồi nhẩm tính, ông Sinh cho rằng, xã Yên Hòa có khoảng 15 – 16 ha ruộng lúa và 20 ha đất trồng màu quanh khe Huổi Nguyên nhưng hiện nay đã mất đi khoảng 1/3 số diện tích đó. Trong đó, riêng bản Cọc mất khoảng 7 - 8 ha đất sản xuất.

Bên cạnh những hệ lụy kể trên, một vấn đề nữa mà dự án này đưa lại là gây tâm lý ỷ lại trong người dân. Ngày đó, để dự án diễn ra thuận lợi, chính quyền địa phương của 2 xã Yên Hòa, Yên Thắng đã phải cắt cử cán bộ đi tuyên truyền, vận động, kiểm đếm tài sản, đất đai, hoa màu, lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng... “Ngày khởi công, tôi và anh Yên, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng còn được chủ đầu tư trịnh trọng mời lên nhận hỗ trợ 30 triệu đồng ủng hộ người nghèo. Nhưng chỉ nhận được biển hiệu mà tiền không thấy đâu. Dự án không tiến hành nữa, nhưng trước đó, UBND xã Yên Hòa phải thiết kế lại nhà văn hóa xã, nâng cao thêm nền đất, tốn kém hơn 40 triệu đồng vì sợ sau khi nhà máy thủy điện hoàn thành sẽ bị ngập. Tốn kém cả công sức, tiền của nhưng không giải quyết được vấn đề gì”, ông Sinh chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, trong nhiều năm trời, hầu như tư tưởng của người dân vùng lòng hồ là ngồi để chờ tiền đền bù, một số chờ di chuyển. Chính tâm lý thấp thỏm chờ đợi, ỷ lại và hy vọng sẽ nhận được nhiều tiền đã làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những thiệt hại như vậy không thể cân, đong đo đếm được…

Trước những vấn đề mà Dự án Thủy điện Yên Thắng gây nên, các cấp chính quyền địa phương huyện Tương Dương cũng đã nỗ lực vận động người dân cố gắng cải tạo lại ruộng lúa, kiên nhẫn nhặt từng viên đá cuội để lấy nơi sản xuất. Tuy nhiên, để hoàn thổ lại cả một vùng khe suối đã bị đào bới tứ tung là điều rất khó khăn. Từng là dự án thủy điện được chính quyền địa phương và người dân phấn khởi chờ đợi với hy vọng, sau khi đi vào hoạt động, sẽ góp phần tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực. Thế nhưng, dự án đã bị khai tử và để lại những bài học lớn cho các cơ quan chức năng trong thu hút đầu tư, thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiến độ của dự án. Vấn đề đáng quan tâm hơn là những hệ lụy sau khi dự án “bị chết”, cuộc sống dân sinh trở nên khó khăn, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng…

Dự án Thủy điện Yên Thắng do Công ty CP Thủy điện Yên Thắng làm chủ đầu tư trên khe Huổi Nguyên, phụ lưu cấp 1 của sông Lam. Nhà máy có công suất thiết kế 11MW với 2 tổ máy, sản lượng điện bình quân năm là 44,06 triệu KWh, tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng. Thời gian xây dựng trong 2 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2011.

Sau lễ khởi công, không thấy chủ đầu tư và nhà thầu huy động máy móc đến thi công như những công trình khác. Khi dự án bị chậm tiến độ, các cơ quan chức năng đốc thúc nhưng chủ đầu tư không thi công như kế hoạch, huyện Tương Dương đã có kiến nghị dừng dự án. Tháng 10/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An có thông báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, dự án chính thức bị khai tử.


Mới nhất
x
Hệ lụy khi Dự án Thủy điện Yên Thắng “khai tử“
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO