Nâng cao hiệu quả tập huấn, đào tạo khuyến nông ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển công tác khuyến nông. Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã nỗ lực đổi mới các hoạt động này và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tiếp đà thuận lợi, chủ động thích ứng
Xuất phát từ nhu cầu của nông dân và những bất cập khó khăn trong triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả nên bước vào giai đoạn mới, UBND tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông Nghệ An là phổ biến quy trình, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp và khuyến nông cho bà con nông dân. Cùng với đó, với vai trò là Cơ quan thường trực Biên tập tờ tin Khuyến nông của tỉnh, ngành đã kịp thời cung cấp các thông tin thị trường, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp để định hướng cho nông dân.
Nông dân Thanh Chương thắp đèn trên đồi cam để xua đuổi côn trùng. Ảnh: Quang Dũng |
Kiểm tra mô hình ươm ba ba giống tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải |
Thực hiện yêu cầu nhiệm vụ trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nỗ lực đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ các chính sách vĩ mô về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho đến kỹ thuật canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mô hình mới đều được ngành chuyển tải đến cơ sở một cách kịp thời, đầy đủ.
Trong 5 năm, từ năm 2016 - 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các cơ quan báo chí tỉnh tổ chức được 150 trang, chuyên mục khuyến nông, nhịp cầu nhà nông; tổ chức hàng chục hội thảo chuyên đề, diễn đàn, tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh; phát hành đều đặn Thông tin khuyến nông hàng tháng để cung cấp cho người làm công tác khuyến nông và nông dân, cập nhật thông tin thường xuyên website khuyennongnghean.com.vn với hàng trăm tin, bài, ảnh giúp người làm nông nghiệp tỉnh nhà tiếp cận, tra cứu thông tin một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Cùng với cung cấp ấn phẩm báo Nông nghiệp cho các cộng tác viên khuyến nông viên xã 6 huyện miền núi; ngành cũng tổ chức 5.478 lớp tập huấn cho 367.360 lượt cán bộ, cộng tác viên khuyến nông và nông dân tham gia; tổ chức 393 lớp/18.170 lượt cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã và cấp thôn bản nâng cao năng lực khuyến nông; mở 5.085 lớp/349.190 lượt nông dân được phổ biến các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; từ năm 2011-2019, ngành tổ chức đào tạo 11 nghề, 188 lớp với tổng số 5.472/5.931 đạt 92,2% học viên tốt nghiệp.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Quỳnh Lưu tư vấn, cùng chủ mô hình lựa chọn trứng gà giống để nhân rộng đàn gà rừng lai gà bản địa tại xã Quỳnh Thắng. Ảnh: Nguyễn Hải |
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Trung tâm chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được giao. Cụ thể, cùng với tiếp tục dành thời lượng tuyên truyền về khuyến nông trên báo và đài cũng như website khuyến nông tỉnh, Trung tâm tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện; 119 lớp cán bộ chủ chốt, khuyến nông xã/phường/thị trấn; 83 lớp tập huấn cho nông dân trồng lúa và vùng khó khăn; giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện thực hiện 695 lớp…
Đổi mới, nâng cao hiệu quả tập huấn
Hiệu quả và tác động của công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn khuyến nông trong những năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu, thách thức cao hơn, đặc biệt là thời đại của công nghệ 4.0, chuyển đổi số và thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Việc lựa chọn, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn là vô cùng quan trọng để các mô hình, cách làm hay tại cơ sở được lan tỏa, hiệu ứng cao, đáp ứng nhu cầu học hỏi thông tin.
Nông dân xã Quỳnh Thanh đầu tư xây dựng bể xi măng, nhà bạt để nuôi tôm. Ảnh: Thu Huyền |
Để làm được điều đó, ngành Khuyến nông và các địa phương cần nỗ lực, thực hiện tốt định hướng sau:
Trước hết là bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và các đề án chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… để tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến cho người dân.
Tiếp đó, hình thức tuyên truyền đào tạo, tập huấn cần phải liên tục đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể. Lấy kết quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân làm thước đo đánh giá công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo. Các nội dung tuyên truyền, chuyển giao phải được xác định, lựa chọn phù hợp với nhu cầu, điều kiện canh tác, thời vụ, trình độ, khả năng sản xuất nông nghiệp từng vùng, từng địa phương. Tùy từng đối tượng và nhu cầu mà giáo trình và cách thức tập huấn, hướng dẫn riêng.
Tập huấn sản xuất thực hành hữu cơ, giảm dư lượng hóa chất tồn dư trong rau cho nông dân của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các bài giảng tập huấn phải bám vào quy trình sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hữu cơ hoặc sản suất theo quy trình VietGAP, Organic..; sản xuất hàng hóa chất lượng cao có liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Quá trình tập huấn, phải chủ động gắn tuyên truyền, đào tạo, tập huấn với mô hình khuyến nông có hiệu quả, áp dụng các phương pháp giảng dạy có sự tham gia của người học, nếu cần thì sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, tham quan thực tế vào chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng.
Thứ ba, tiếp tục kết hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, đồng thời khai thác hiệu quả nền tảng mạng xã hội, thành lập các nhóm trang Fanpage phù hợp để chuyển tải thông tin nhanh nhất, kịp thời và lan tỏa tới đông đảo bà con nông dân và cơ sở.
Sản xuất hành hoa tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cuối cùng, trong tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đội ngũ cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, cộng tác viên khuyến nông vai trò, vị trí như những “máy cái” quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn nên cần quan tâm nâng cao năng lực về phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn, tư vấn dịch vụ mới đáp ứng được mong đợi của người dân; tiến tới cần xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của cán bộ, khuyến nông viên khi được giao chỉ đạo, phụ trách các mô hình do Nhà nước hỗ trợ vốn để cùng phát huy trách nhiệm và tiếng nói. Muốn làm được điều đó, cùng với đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, phải tăng cường khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông; thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời điều chỉnh, lựa chọn giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn.