Hội chứng 'thay tên đổi họ' ở bóng đá Việt Nam

31/12/2016 22:26

(Baonghean.vn) - Bóng chưa lăn nhưng V-League 2017 đã thấy có 3 đội sốt sắng “thay tên đổi họ”. Có khá nhiều nhà đầu tư “vội đến, rồi vội đi” khiến cho sân cỏ Việt Nam có khá nhiều cái tên đã khai tử chỉ sau 1 vài mùa bóng. Bài toán kinh doanh bóng đá luôn làm đau đầu các nhà quản lý CLB lẫn VFF.

Hội chứng đổi tên CLB, hiện QNK.Quảng Nam và HN.T&T đã tiến hành thủ tục “trả lại tên cho anh” bằng cách đưa tên nhà tài trợ ra khỏi tên đội bóng. FLC Thanh Hóa thì mới thông báo quyết định thoái vốn tại Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa nhưng xem ra việc cái tên FLC biến mất khỏi đội bóng cũng chỉ là vấn đề thời gian. Với một nền bóng đá “gần giống chuyên nghiệp”, thì việc “thay tên, đổi họ” các CLB diễn ra như cơm bữa.

Người hâm mộ bóng đá chỉ còn nhớ Hà Nội ACB, Hòa Phát, Navibank, Sài Gòn Xuân Thành, Visai Ninh Bình… và hàng chục cái tên doanh nghiệp khác, như một hoài niệm. Số phận các đội bóng sống bằng “nguồn sữa ngân sách: cũng không khá hơn khi Bình Định, Nam Định, An Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai…, hàng loạt địa phương truyền thống biến mất trên bản đồ bóng đá.

Liệu HN FC có trở thành đội bóng của người Hà Nội hay không thì còn phải chờ.
Liệu HN FC có trở thành đội bóng của người Hà Nội hay không thì còn phải chờ. Ảnh Internet

Không khó để tính, muốn “sống tử tế” VPF cho rằng mỗi CLB tham dự V-League tiêu tốn cho đội 1 khoảng 35 tỷ đồng/năm, bao gồm quỹ lương, thưởng; vé máy bay, chi phí ăn ở, quỹ chuyển nhượng... Ngoài ra, các CLB chuyên nghiệp phải có tuyến trẻ từ U11, U13, U15, U17, đến U19... cứ tính trung bình mỗi tuyến trẻ ấy là 30 cầu thủ/lớp thì chí ít cũng phải tốn 15-20 tỷ đồng nữa. Nói tóm lại, để có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam, các ông chủ phải móc hầu bao ít nhất 55 tỷ đồng/năm, còn với chính sách chuyển nhượng như B.Bình Dương mấy năm gần đây thì con số phải gấp đôi, thậm chí hơn nữa.

Mặc dù cả HN.T&T và QNK.Quảng Nam đều thông báo những lý do chính đáng của việc rút tên của nhà tài trợ. Thậm chí Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội tuyên bố rất chuyên nghiệp: “Trong định hướng phát triển đội bóng, chúng tôi luôn mong muốn một ngày Hà Nội T&T sẽ trở thành đại diện của bóng đá thủ đô, thi đấu vì người hâm mộ Hà Nội. Hơn chục năm qua, có cái được cái chưa được nhưng chúng tôi chưa bao giờ thôi nghĩ đến điều đó”. Nhưng thực chất của vấn đề là gì, những ai theo dõi bóng đá Việt Nam bấy lâu đều rõ.

BHL và cầu thủ FLC Thanh Hóa khá bất ngờ khi FLC thoái vốn rút lui khỏi bóng đá.
BHL và cầu thủ FLC Thanh Hóa khá bất ngờ khi FLC thoái vốn rút lui khỏi bóng đá. Ảnh Internet

Việc FLC rút tên khỏi CLB còn bí mật ngay cả với BHL, cầu thủ Thanh Hóa, ngay trước khi mùa giải bắt đầu. Ông Doãn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa mới năm ngoái còn tuyên bố muốn gắn bó lâu dài với bóng đá. Thậm chí khi thành lập Công ty với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do 3 cổ đông chính là Tập đoàn FLC (sở hữu 80% vốn điều lệ) thì các ông còn tham gia với tư cách cổ đông sáng lập, ông Doãn Văn Phương (10%) và ông Lê Thành Vinh (10%). FLC cũng chẳng khác Xi măng Công Thanh là mấy, ồn ào khi đến và lặng lẽ khi đi.

Với mô hình các công ty cổ phần bóng đá chủ yếu là tiêu tiền bằng đá bóng chứ không kinh doanh bóng đá như ở Việt Nam, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Có cầu thủ Thanh Hóa còn chua chát: “Chúng em còn may hơn Hà Nội FC năm ngoái. Sau 4 vòng đấu các ông chủ mới quyết định thay đổi tên và sân nhà”.

Trong lần đổi tên này, Hà Nội FC có vẻ được mọi người kỳ vọng hơn. Dù hơn 1 thập kỷ gắn bó với sân cỏ họ vẫn chưa thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá”, nhưng chí ít họ có quyền tự hào, khi không chỉ biết tiêu tiền và phụ thuộc hoàn toàn vào hầu bao của bầu Hiển.

N@T

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hội chứng 'thay tên đổi họ' ở bóng đá Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO