Hội nghị tìm giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản

Nguyễn Hải 15/05/2023 13:19

(Baonghean.vn) - Sáng 15/5, tại TP. Vinh (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và triển khai các Chương trình, Đề án trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Thủy sản và UBND các tỉnh ven biển.

Về phía tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc.

Giảm cường lực khai thác, nâng giá trị hải sản

Mở đầu hội nghị, với tư cách là đơn vị đăng cai và là một trong những tỉnh trọng điểm về khai thác hải sản, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu những tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong phát triển thủy, hải sản nói riêng, kết quả hoạt động khai thác hải sản thời gian qua, các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong gỡ thẻ vàng EC và quản lý tàu cá, hoạt động đánh bắt theo IUU...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có đội tàu 86.820 chiếc, trong đó, tàu có chiều dài dưới 15m là 56.799 chiếc; tàu có chiều dài trên 15m là 30.091; sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 là 3,86 triệu tấn, 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 869,4 nghìn tấn, trong đó, khai thác biển là 829,4 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã công bố 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động, trong đó, 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản; cả nước có khoảng 1.135 cơ sở thu mua và 640 kho lạnh sản phẩm hải sản, với công suất khoảng 78.700 tấn…

Ngư dân huyện Quỳnh Lưu chuẩn bị ngư, lưới cụ để đi vây. Ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị này là giải pháp chung tay của ngành đối với những khó khăn chung về kinh tế - xã hội, cũng như tình hình xuất khẩu của đất nước. Theo đó, trong đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước. Không những thế, năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đạt kỷ lục là 55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu, nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị này là dịp để ngành và các tỉnh ven biển cơ cấu lại nghề đánh bắt và phát triển theo hướng bền vững. Ảnh: Nguyễn Hải

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 11 tỷ USD. Tuy vậy, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên từ đầu năm 2023 đến nay kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có nông nghiệp đã giảm mạnh. Hiện nay, lĩnh vực khai thác thủy sản biển đang bị cảnh báo thẻ vàng của EC nên phải giảm cường lực khai thác. Vì vậy, ngành và các địa phương phải kịp thời có các giải pháp chuyển đổi nghề, khơi thông nguồn hàng xuất khẩu, đầu tư hiện đại hóa công nghệ và giá trị gia tăng, đầu tư cho chế biến chuyên sâu, giảm chế biến thô…

Xây dựng lộ trình để phát triển nghề cá bền vững

Đầu tư dây chuyền tinh lọc nước mắm tại cơ sở ông Hoàng Đức Thương - làng nghề chế biến nước mắm Cửa Hội (TX. Cửa Lò). Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn triển khai các Chương trình, Đề án trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Theo đó, để phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; tiếp đó, mới đây, cùng với tổ chức ra quân đợt cao điểm gỡ thẻ vàng EC đối với thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023, phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Phát biểu tham luận, đại diện Tổng cục Thủy sản nêu lên những khó khăn trong việc giảm cường lực đánh bắt tại các tỉnh vẫn còn những khó khăn, tình trạng tàu cá ít hơn nhiều so với hạn ngạch giao nên rất khó đối chiếu khi EC vào kiểm tra; quy chuẩn, tiêu chuẩn khai thác cho từng ngành nghề chưa hoàn thiện; công nghệ bảo quản chế biến trên tàu còn lạc hậu, tổn thất hải sản sau đánh bắt còn lớn; công tác quản lý sản lượng cá tại các cảng còn bất cập...

Hiện nay, để gỡ thẻ vàng EC đối với thủy sản, nước ta phải giảm sản lượng khai thác biển, nhưng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống ngư dân, giá trị hải sản phải được nâng lên. Vì vậy, không có cách nào khác là phải nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và nâng giá trị chế biến; các địa phương phải tiếp tục rà soát để phát triển đội tàu và giám sát đánh bắt theo vùng biển được quy hoạch...

(Đại diện Viện Nghiên cứu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo)

Đại diện Viện Nghiên cứu thủy sản công bố kết quả điều tra trữ lượng cá và dự báo ngư trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, các đại biểu còn nghe báo cáo kết quả đánh giá nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác hải sản do Viện Nghiên cứu thủy sản cung cấp; kết quả một số ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình bày; báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại các địa phương.

Cảng cá Lạch Quèn đang được nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng như một số tỉnh, Nghệ An phát biểu tham luận nêu những khó khăn khi cắt giảm số lượng tàu và chuyển đổi nghề, thông qua đó, đề xuất Bộ cần nhanh chóng sửa đổi các quy định chính sách hỗ trợ tàu cá, gồm Quyết định 48/QĐ-TTg về hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, chính sách hỗ trợ về đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/CP và 17/CP; hỗ trợ kinh phí nạo vét luồng lạch bị bồi lắng và xây kè chắn sóng tại các cửa lạch.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Hiện Bộ cùng với các bộ liên quan đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, chính sách hỗ trợ phát triển tàu cá và chuyển đổi nghề; sẽ trang bị thêm các công cụ, phương tiện trên tàu cá để giám sát đánh bắt, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Mặc dù EU đã hoãn và chuyển lịch kiểm tra gỡ thẻ vàng sang tháng 10/2023 nhưng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục các giải pháp triển khai quyết liệt về gỡ thẻ vàng.

Mới nhất

x
Hội nghị tìm giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO