Xã hội

Hơn 300 cán bộ, đoàn viên tham gia Diễn đàn 'Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ'

Diệp Thanh 14/09/2024 17:22

Chiều 14/9, tại thành phố Vinh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ”.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

liên đoàn Lao động tỉnh diễn đàn lao động trẻ em. Ảnh Diệp Thanh 00001
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động. Ảnh: Diệp Thanh

Chương trình nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giúp ngăn chặn và giảm thiểu lao động trẻ em, đồng thời, thúc đẩy chính sách đào tạo và phát triển nghề cho lao động trẻ, góp phần xây dựng môi trường làm việc bền vững, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực trẻ.

Theo số liệu điều tra năm 2018, ước tính trên toàn cầu hiện nay có 152 triệu lao động trẻ em, trong đó, có 73 triệu lao động đang phải làm việc các công việc nặng nhọc, độc hại. Ở Việt Nam, có hơn 1 triệu lao động trẻ em, trong đó, có 519.805 trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại.

liên đoàn Lao động tỉnh diễn đàn lao động trẻ em. Ảnh Diệp Thanh 00000
Bà Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Diệp Thanh

Đối với lao động trẻ, mặc dù đã có quy định của pháp luật lao động về thời gian, điều kiện làm việc cho đối tượng này, nhưng đa phần đều cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn.

Từ năm 2018, với sự giúp đỡ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam đã tiến hành lồng ghép kỹ năng chuyển đổi vào đào tạo nghề cho trẻ em từ 15-18 tuổi tại một số địa phương, kết quả: Được các cơ sở giáo dục nghề, người học đánh giá rất cao và khuyến nghị nên áp dụng rộng rãi.

liên đoàn Lao động tỉnh diễn đàn lao động trẻ em. Ảnh Diệp Thanh 00004
Người tham gia sôi nổi trả lời các câu hỏi và nhận nhiều phần quà thiết thực. Ảnh: Diệp Thanh

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Hương - giảng viên Học viện Thanh, thiếu niên Việt Nam đã cung cấp các kiến thức về lao động trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ; đào tạo nghề và những kỹ năng cần trang bị cho lao động trẻ… thông qua hình thức đặt câu hỏi.

Dù thời gian không dài nhưng diễn đàn đã diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả, đem lại nhiều kiến thức cơ bản nhất về thực trạng và tác hại của lao động trẻ em, thực trạng lao động trẻ và đào tạo kỹ năng nghề cho lao động trẻ. Đồng thời, chỉ ra trách nhiệm của xã hội, của tổ chức công đoàn, của người sử dụng lao động đối với việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

liên đoàn Lao động tỉnh diễn đàn lao động trẻ em. Ảnh Diệp Thanh 00003
Người lao động có thêm nhiều kiến thức bổ ích thông qua diễn đàn. Ảnh: Diệp Thanh

Chấm dứt lao động trẻ em nặng nhọc, độc hại và cải thiện an toàn sức khỏe cho người lao động trẻ sẽ giúp góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cuộc sống tốt hơn với mỗi cá nhân, gia đình...

Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ” thuộc chuỗi chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo cho các em một môi trường phát triển tốt nhất, qua đó, giúp các em có thể phát huy tối đa những phẩm chất, năng lực, sở trường của mình, đóng góp cho gia đình và xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp.

Phần thi "Rung chuông vàng" tại Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ”. Clip: Diệp Thanh

Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh trong cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ”./.

Mới nhất
x
x
Hơn 300 cán bộ, đoàn viên tham gia Diễn đàn 'Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ, nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO