Hưng Phúc (Hưng Nguyên) đạt chuẩn Nông thôn mới: Đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế

01/04/2016 11:10

(Baonghean)- Hưng Phúc xác định để xây dựng thành công NTM phải vượt qua khó khăn, huy động hiệu quả sức dân và tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước; quá trình về đích phải thực hiện từng tiêu chí một, trong đó tiêu chí dễ làm trước, khó thì tập trung chỉ đạo làm từng bước một. Với quyết tâm cao của cấp ủy chính quyền và sự đồng lòng chung sức của người dân, Hưng Phúc đã khắc phục được khó khăn, đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch đề ra.

Xã Hưng Phúc cách trung tâm huyện Hưng Nguyên 7 km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên khoảng 500 ha, dân số 3.912 người/1.000 hộ sinh sống trên địa bàn 9 xóm. Do đặc thù là một xã thuần nông và độc canh cây lúa nên thu nhập bình quân thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bước vào xây dựng NTM, xuất phát điểm khá thấp (chỉ có 6 tiêu chí đã đạt).

Đồng chí Hồ Văn Đề - Chủ tịch UBND xã cho hay: Hưng Phúc xác định để xây dựng thành công NTM phải vượt qua khó khăn, huy động hiệu quả sức dân và tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước; quá trình về đích phải thực hiện từng tiêu chí một, trong đó tiêu chí dễ làm trước, khó thì tập trung chỉ đạo làm từng bước một. Với quyết tâm cao của cấp ủy chính quyền và sự đồng lòng chung sức của người dân, Hưng Phúc đã khắc phục được khó khăn, đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch đề ra.

Một góc xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên).
Một góc xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên).

Một trong những bài học thành công của Hưng Phúc khi xây dựng NTM là xác định được thực trạng các tiêu chí để từ đó tập trung đầu tư. Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, trên cơ sở thảo luận, Ban chỉ đạo xã đã xây dựng Đề án xây dựng NTM, trong đó vạch ra lộ trình mỗi năm hoàn thành 2-3 tiêu chí để cuối năm 2014 thực hiện xong 16 tiêu chí và đăng ký về đích năm 2015. Mặc dù năm cuối cùng chỉ còn 3 tiêu chí là chợ nông thôn, giao thông và thiết chế văn hóa nhưng là những tiêu chí khó nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ chế của tỉnh và huyện cũng như các giải pháp chỉ đạo táo bạo và quyết liệt, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Để tạo ra diện mạo mới cho hạ tầng nông thôn và thúc đẩy sản xuất, Hưng Phúc đã đầu tư trên 21,2 tỷ đồng để làm 18,5 km đường bê tông và 10 cây cầu; cứng hóa 22,3/26,2 km đường giao thông nội đồng, đào đắp gần 100.000 m3 đất và bê tông hóa 20 km kênh mương. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt văn hóa, xã đã xây dựng sân vận động, nhà văn hóa trung tâm đạt chuẩn; đồng thời có cơ chế hỗ trợ để các xóm nâng cấp hoặc xây dựng mới cổng làng, nhà văn hóa các xóm. Trong vòng 1 năm, xã đã huy động được trên 3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 2 tỷ đồng để làm mới 6/9 nhà văn hóa xóm, mở rộng khuôn viên 2 xóm còn lại và xây thêm một số cổng làng…

Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở Hưng Phúc (Hưng Nguyên).
Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở Hưng Phúc (Hưng Nguyên).

Xóm 2 Văn Lang là một trong những đơn vị có phong trào làm kinh tế và huy động sức dân hiệu quả vào xây dựng NTM. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư xóm 2 Văn Lang cho biết: Xóm có 124 hộ dân, đất sản xuất không nhiều nhưng mỗi nhà đều có mô hình dàn mướp và khoảnh đất làm rau hàng hóa, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 20-50 triệu đồng.

Trong 2 năm, xóm huy động được gần 1 tỷ đồng để bê tông hóa 2,7/2,7 km đường xóm; xây lại nhà văn hóa trên 300 triệu đồng. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của xóm chỉ 23 triệu đồng nhưng khi được vận động, mỗi hộ đóng 1,5 triệu đồng để làm nhà văn hóa, con em xa quê mỗi người đóng 1 triệu đồng để làm đường bê tông. Trước đó, để thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất, người dân đóng góp 300.000 đồng/sào chỉnh trang lại đồng ruộng.

Bên cạnh củng cố các tiêu chí về hạ tầng cơ sở vật chất, một trong những điểm mạnh của xã Hưng Phúc trong quá trình xây dựng và về đích NTM là chăm lo đầu tư cho hạ tầng phát triển kinh tế và phát triển các mô hình nâng cao đời sống người dân.

Để thoát khỏi vị thế xã thuần nông, một mặt xã tập trung cho hệ thống thủy lợi tưới, tiêu hạn chế úng ngập và hạn hán qua đó đưa thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn, giá trị cao vào sản xuất, xã tạo điều kiện, tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ, thương mại và xuất khẩu lao động. T

rong vòng 3 năm, xã đầu tư 13,24 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thủy lợi, xã đã tạo điều kiện để người dân huy động hàng tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ được bổ sung nguồn lực đầu tư, kinh tế xã có sự chuyển dịch đáng kể, ngoài đưa được 6 mô hình cánh đồng thu nhập cao trong nông nghiệp, xã đã hình thành được 37 mô hình kinh tế gia trại, trang trại; gần 200 lao động đi xuất khẩu và hàng ngàn người làm các ngành nghề phụ khác, trên 94,5% lao động xã có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân từ 10,5 triệu đồng/người năm 2011 lên 24,6 triệu/người năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,3% xuống 4,2%.

Trụ sở xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) được xây dựng khang trang.
Trụ sở xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) được xây dựng khang trang.

Song song với đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Hưng Phúc cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Trong 5 năm, xã đầu tư trên 12 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất 3 trường học, trạm xá, góp phần để 2 trường và trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, xã cũng huy động 17,65 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ xã đến xóm, hiện tại đã có 8/9 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa; phong trào huy động sức dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường các tuyến đường thôn, xóm được quan tâm và không ngừng củng cố.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Sâm chia sẻ: Trong tổng số 134,9 tỷ đồng mà xã đã huy động để hoàn thành mục tiêu về đích NTM, người dân đóng góp 85,36 tỷ đồng, chiếm 63,26% tổng nguồn lực đã khẳng định vai trò chủ thể và quyết định của người dân. Để xây dựng NTM, bình quân mỗi người dân đóng 1,5 triệu đồng, ngoài ra còn hiến 32.000 m2 đất và không ngại khó, suy bì hơn thiệt đóng hàng ngàn ngày công lao động để làm đường, đắp mương…

Mong muốn của Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Phúc là phải phấn đấu để trở thành xã đạt chuẩn tiêu biểu. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, xã còn nhiều việc phải làm. Cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xã phải tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo; tiếp tục có giải pháp hỗ trợ để giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như sự chênh lệch về thu nhập giữa các hộ. Có như vậy thì chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng lên, tạo cơ sở, tiền đề thực hiện mục tiêu NTM trong giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hưng Phúc (Hưng Nguyên) đạt chuẩn Nông thôn mới: Đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO