Hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững

13/11/2015 10:14

(Baonghean) - Từ Ty Canh nông thành lập năm 1946, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay Sở NN&PTNT được hình thành trên cơ sở hợp nhất các ngành Thủy sản, thủy lợi và lâm nghiệp; sự nỗ lực chung tay của các thế hệ những người “làm nông nghiệp” tỉnh nhà đã đưa lại những kết quả to lớn, khẳng định vai trò rất quan trọng của mặt trận này.

Thời kỳ đầu (1945 - 1975), ngành NN&PTNT Nghệ An đã góp phần vô cùng quan trọng vào thắng lợi của kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, giành lại hoà bình, thống nhất đất nước. Đến những năm tháng khó khăn của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (1975 - 1985), nông nghiệp Nghệ An đã vượt lên những khó khăn, tìm hướng đi mới và đã đạt bước tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và kinh tế của tỉnh; nhiều loại sản phẩm tăng 2 - 3 lần so với các thời kỳ trước đó, tạo tiền đề cho nông nghiệp tỉnh nhà chuyển sang thời kỳ đổi mới chung. 30 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Nghệ An liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện.

Thu hoạch cà chua  ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).  Ảnh: Quang Dũng
Thu hoạch cà chua ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Quang Dũng

Giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Nghệ An ước tăng 4,65%; cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực và đúng hướng; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường; năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi tăng nhanh, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn tỉnh; dự kiến đến hết năm 2015 có 114 xã và Thị xã Thái Hòa đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu đề ra. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt trên 130 triệu USD, góp phần cùng ngành nông nghiệp cả nước đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới...

Chăm sóc rau ở xã Hưng Đông (TP. Vinh). Ảnh: P.H
Chăm sóc rau ở xã Hưng Đông (TP. Vinh). Ảnh: P.H

Năng suất lúa liên tục tăng; đến năm 2015 năng suất lúa ước đạt 52,8 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 971.150 tấn; sản lượng thịt hơi đạt 212 nghìn tấn; độ che phủ rừng đạt 55%; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt 147.500 tấn; sản lượng muối đạt 91.000 tấn. Toàn tỉnh có 4.000 ha sắn nguyên liệu, sản lượng đạt khoảng 160 ngàn tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành; 20.000 ha lạc cho sản lượng khoảng 46.000 tấn; 30.000 ha mía nguyên liệu với sản lượng khoảng 2 triệu tấn, đáp ứng đủ công suất của 3 nhà máy chế biến đường trên địa bàn. Cùng với đó là những vùng nguyên liệu cây công nghiệp dài ngày như 8.000 ha chè cho năng suất lên tới 120 tạ chè búp tươi/ha, sản lượng ước đạt 75.000 tấn...

Đươc mùa lúa xuân ở Yên Thành. ảnh Phú Hương
Đươc mùa lúa xuân ở Yên Thành. ảnh Phú Hương

Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển mạnh, toàn tỉnh hiện có 640 HTX (trong đó 458 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả), trên 3.000 trang trại, gia trại.

Cùng với việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tham gia xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản với số lượng và giá trị ngày càng tăng. Nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung đã được hình thành, tạo khối lượng hàng hoá làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm vị thế quan trọng ở thị trường trong nước và quốc tế như: chè, cao su, thủy sản, các loại lâm sản... Bên cạnh đó, từ huy động tốt nguồn lực, nhất là các dự án từ trung ương và ODA, xây dựng hệ thống hạ tầng về thủy lợi, đê sông, đê biển, nước sinh hoạt nông thôn,… đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân; hàng nghìn công trình thuỷ lợi được xây dựng và nâng cấp trong 70 năm qua, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn và hiện đại như: Hệ thống thủy lợi Vách Bắc - Sông Bùng, cống Nam Đàn, Bến Thủy, Nghi Quang, hệ thống thủy lợi Bắc, hệ thống thủy lợi Nam, các hồ Vực Mấu, Sông Sào, Bản Mồng,...; hàng trăm hồ đập khác cùng trạm bơm, hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương, đê kè được hình thành là một thành tựu hết sức to lớn của tỉnh. Nhờ sản xuất phát triển, đời sống người dân nông thôn liên tục được cải thiện, phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần; hầu hết các vùng nông thôn trong toàn tỉnh đã và đang có bước phát triển rất nhanh.

Ghi nhận những thành tựu mà ngành NN&PTNT Nghệ An đạt được trong 70 năm qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc nêu rõ: Trong giai đoạn phát triển mới, nhất là việc triển khai thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành NN&PTNT cần tiếp tục phát huy thành quả 70 năm xây dựng và phát triển, những tiềm năng, thế mạnh để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ và tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Để tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, những năm tới, ngành NN&PTNT Nghệ An tiếp tục phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 4,5 - 5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành gồm nông nghiệp 77%, lâm nghiệp 9% và thủy sản 14%; độ che phủ của rừng đạt 57%; tỷ lệ dân nông thôn dùng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn là 85% và tỷ lệ số xã đạt tiêu chí NTM đạt trên 50% (hơn 216 xã).

Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, đồng chí Hồ Ngọc Sỹ cho biết: Để đạt được mục tiêu đó, ngành xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đưa nhanh các tiến bộ KHCN vào sản xuất, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn chế biến xuất khẩu, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại; phát triển nhanh chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO