Khám phá ngôi nhà Tây độc đáo gần trăm tuổi trên đỉnh đồi

Huy Thư 24/03/2023 19:51

(Baonghean.vn) - Sau gần 1 thế kỷ tồn tại, ngôi nhà Tây trên đỉnh đồi ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, sự an toàn của người dân. 

Cách chợ Giăng chỉ tầm vài trăm mét, trên ngọn đồi thấp ven Quốc lộ 46C thuộc xóm Liên Trường, xã Thanh Liên tồn tại một ngôi nhà khá đặc biệt, người dân địa phương thường gọi là nhà Tây. Sở dĩ gọi là nhà Tây vì đây là ngôi nhà do một người Pháp tên là Savange từng "làm thuế vụ ở vùng Thanh Chương" xây tặng cho vợ là bà Nguyễn Thị Đức, con cụ Nguyễn Văn Đưởm (Hàn Đưởm), người địa phương. Ảnh: Huy Thư

Nhà Tây được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, là một ngôi nhà bê tông cốt thép có kiến trúc khác lạ, độc đáo nhất trong vùng. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200 m2, mái đổ bằng, bốn phía đều mái hiên chống đỡ bằng cột bê tông. Tường nhà được đổ bê tông sau đó da trát phía ngoài. Ảnh: Huy Thư

Nhà Tây xây dựng theo kiểu biệt thự, 3 gian thông nhau không có tường ngăn, phía trước và sau mỗi gian có 2 cửa chính đối xứng nhau. Hai đầu hồi có 2 cặp cửa sổ. Được biết, ngôi nhà này từng là nơi nghỉ ngơi của vợ chồng ông Savange mỗi khi họ về thăm quê và thăm khu đồn điền của họ ở Lạc Sơn (nay thuộc thôn Đà Sơn, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Phía trước và sau nhà, trên gian giữa đắp 4 chữ Hán lớn. 4 chữ Hán phía trước là "Di mưu yến dực" được cho là phát xuất từ câu “di quyết tôn mưu, dĩ yến dực tử" (tạm hiểu: Trao truyền mưu kế cho đàn cháu để làm yên cho đàn con)”. Bốn chữ Hán phía sau là "Môn hộ sinh quang" ý nói cửa nhà phát sáng, tỏa hào quang. Hồi trước, ngôi nhà tọa lạc trên đỉnh đồi, xung quanh nhà trồng nhiều cây sấu, hoa ngọc lan, hải đường. Trước nhà có ngõ đi giữa vườn cây thông ra đường lớn. Sau nhà có lối xuống sông Giăng đều được xây dựng công phu. Ảnh: Huy Thư

Bên cạnh ngôi nhà có 1 bể nước chứa được hàng chục khối nước mưa đang còn nguyên vẹn. Theo người dân địa phương, Cách mạng Tháng Tám thành công, ngôi nhà bị chính quyền trưng thu. Trong kháng chiến, giai đoạn 1946-1947, đây là trụ sở của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Nghệ An. Từ năm 1948-1952, nhà Tây là cơ sở Dục Anh Viện, nơi nuôi trẻ mồ côi con các cán bộ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhà Tây từng là kho quân giới, nơi tạm giữ tù binh Pháp, phi công Mỹ. Những năm 60, khu vực nhà Tây là trường học, rồi trở thành nhà kho lương thực của địa phương... Ảnh: Huy Thư

Hàng chục năm qua, nhà Tây bị bỏ hoang, chỉ còn lại ngôi nhà với những chiếc cửa trống rỗng. Xung quanh nhà Tây, nhà dân đã ở dày. Mùa Hè, người dân địa phương thường đến đây hóng mát. Một số người còn vác lúa lên phơi trên trần nhà. Ảnh: Huy Thư

Sau gần 1 thế kỷ tồn tại, nhà Tây đã xuống cấp nghiêm trọng, tường, trần nhà bị lở, ngấm nước, lộ rõ những kết cấu thép hoen rỉ. Ảnh: Huy Thư

Giữa nhà Tây có căn hầm rộng khoảng 5m2 sâu khoảng 1,6m, đậy nắp bê tông. Cụ ông ở cạnh nhà Tây là chắt của bà Nguyễn Thị Đức cho biết, hầm này dùng để cất giữ tài sản trong nhà. Những năm trước, một số người lạ đến lén lút khiêng nắp hầm lên đào bới dưới đó, khiến nắp hầm bị vỡ. Hiện đi lại trên hầm khá nguy hiểm, có nguy cơ trượt chân rơi xuống hầm. Ảnh: Huy Thư

Xung quanh ngôi nhà này, các cột bê tông còn khá nguyên vẹn, song 4 cột trụ xây bằng gạch ở 4 góc đã bị đổ sập từ lâu, khiến các kết cấu bên trên trần có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Ảnh: Huy Thư

Phía sau hồi nhà, một tấm xuyên hoa lớn dài tầm 3 mét đã chực rơi xuống thềm nhà. Không ít người dân đã một thời gắn bó với nhà Tây cũng như những người khách hiếu kỳ đến tham quan nhà Tây không khỏi lo lắng vì sự xuống cấp của ngôi nhà có thể gây tai nạn cho người dân khi đi lại, vui chơi dưới công trình này. Ảnh: Huy Thư

Mới nhất

x
Khám phá ngôi nhà Tây độc đáo gần trăm tuổi trên đỉnh đồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO