Khống chế được dịch tả, giá lợn ở Nghệ An tăng lên

Xuân Hoàng - Quang An 17/04/2019 10:40

(Baonghean.vn) - Sau khi huyện Quỳnh Lưu công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, nhiều địa phương khác cũng không để dịch lây lan, người tiêu dùng tiếp tục tin tưởng thịt lợn khiến giá lợn bắt đầu nhích lên.

Chủ yếu giết mổ lợn nhà

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Anh ở xã Nam Thành (Yên Thành) chuyên giết mổ lợn cho biết, giá thịt lợn hơi đã tăng đáng kể so với cách đây 1 tuần. Hiện lợn dân nuôi nhỏ lẻ được bắt với giá 40.000 đồng/kg, tăng 4 - 5 giá so với cách đây 1 tuần.

Hàng thịt lợn tại các chợ trên địa bàn TP Vinh được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn trước. Ảnh: Quang An

Hàng thịt lợn tại các chợ trên địa bàn TP. Vinh được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn trước. Ảnh: Quang An

Nguyên nhân lợn thịt tăng giá là do người tiêu dùng đã quay trở lại với sản phẩm thịt lợn, không e dè như trước đây. Bởi vậy, mỗi ngày, ông Anh đã bán gần hết 1 con lợn 60 kg, cách đây 1 tuần, 3 người chung nhau mổ 1 con lợn 60 kg mà vẫn khó bán.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Trên địa bàn huyện hiện còn khoảng 100 nghìn con lợn, trong đó có khoảng 40 - 50% tổng đàn đến kỳ xuất chuồng. Do trên địa bàn chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi nên người tiêu dùng đã quay trở lại sử dụng thịt lợn bình thường.

Còn tại địa bàn huyện Diễn Châu, giá thịt lợn hơi cũng đã tăng đáng kể. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Từ 5 ngày lại nay, giá thịt lợn hơi tăng lên 34.000 - 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân do người tiêu dùng đã có niềm tin với thịt lợn. Tuy nhiên, lợn mổ thịt chủ yếu vẫn là lợn nuôi nhỏ lẻ trong dân là chính.

Tại TP. Vinh, giá lợn thịt đã bắt đầu nhích dần, khu vực bán thịt lợn không còn cảnh tiểu thương bỏ không gian hàng như cách đây 1 tháng. Theo chị Nguyễn Thị Thương, tiểu thương chợ Bến Thủy: "Thịt lợn ở đây chủ yếu nhập từ các xã lân cận thành phố, sạch bệnh. Thời điểm tháng 3 và đầu tháng 4 chúng tôi phải đóng cửa vì thịt lợn tiêu thụ kém, tuy nhiên 1 tuần lại đây, người dân thành Vinh bắt đầu quay lại với thịt lợn, mỗi ngày tôi đã bán được 20 - 30 kg thịt, dù không bằng thời điểm chưa có dịch nhưng tín hiệu khởi sắc hơn".

Cán bộ thú y huyện Diễn Châu kiểm tra chất lượng thịt lợn tại các chợ. Ảnh: Xuân Hoàng

Cán bộ thú y huyện Diễn Châu kiểm tra chất lượng thịt lợn tại các chợ. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo các tiểu thương cho biết, nguyên nhân khiến giá lợn tăng dần là do tại TP. Vinh chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, do đó người dân có phần yên tâm khi mua thịt. Hơn nữa, với những thực phẩm khác như bò, gà, hải sản…giá cao, khiến đối tượng sinh viên, người lao động vẫn chọn thịt lợn làm thực phẩm chính.

Vì lẽ đó, giá thành thịt lợn cũng nhích hơn, nếu trong tháng 3, giá các loại thịt ba chỉ, vai, mông là 80.000 đồng/kg thì nay đã nhích lên 90.000 đồng/kg... Dự kiến giá thịt sẽ tăng hơn nữa, nhất là trong điều kiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

Mặc dù những ngày qua giá thịt lợn hơi tăng, nhưng mới tiêu thụ mạnh đối với lợn nuôi nhỏ lẻ, còn lợn trang trại vẫn khó xuất chuồng, vì công tác vận chuyển lợn ra các tỉnh phía Bắc thời điểm này còn khó khăn. Tuy nhiên, bà con chưa nên tăng đàn trong thời điểm này, bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chấm dứt.

Nên chờ đến tháng 6, khi dịch tả lợn châu Phi ổn định mới tính đến tăng đàn, nhưng không được tăng một cách ồ ạt, mà phải cân đối thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Lợn trang trại vẫn khó

Lợn dân nuôi nhỏ lẻ đang tăng giá, dễ bán, nhưng ngược lại, lợn trang trại tại một số nơi hiện đang gặp cảnh quá cỡ, vì phải nuôi kéo dài thời gian. Ông Nguyễn Đức Tâm ở xóm 6, xã Tân Hương (Tân Kỳ) cho hay: Gia đình ông hiện có 28 con lợn, trọng lượng đã đạt từ 150 - 180 kg/con, rất muốn bán nhưng không có thương lái hỏi.

Lợn trại hiện đang khó tiêu thụ. Ảnh: Quang An

Lợn trang trại hiện đang khó tiêu thụ. Ảnh: Quang An

"Cách đây 1 tháng, đàn lợn đạt trọng lượng 120 kg/con, chuẩn bị xuất chuồng thì gặp dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh nên không bán được, đành để nuôi cho đến hôm nay. Giờ trọng lượng lợn quá to, rất muốn bán nhưng không có khách mua" - ông Nguyễn Đức Tâm chia sẻ.

Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 48.000 con lợn, trong đó có 10 trang trại và gần 50 gia trại chăn nuôi lợn. Do trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn dịch tả lợn châu Phi nên lợn thịt vẫn khó tiêu thụ.

Ông Lê Đức Tình - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Kỳ

Theo ông Hoàng Quốc Hải - chủ trang trại lợn ở xóm 3 Lâm Trường, xã Tiền Phong (Quế Phong): Hiện trang trại còn gần 600 con lợn đã đạt trọng lượng trên 100 kg/con, đã đến kỳ xuất chuồng nhưng bán rất chậm. Nguyên nhân là do ít thương lái hỏi mua cả đàn nên phải bán lẻ cho các chủ lò mổ trên địa bàn huyện, bớt gánh nặng chi phí thức ăn hàng ngày. Hiện giá lợn hơi đã tăng lên 42.000 đồng/kg, hơn 5 giá so với cách đây 7 ngày.

Mới nhất

x
Khống chế được dịch tả, giá lợn ở Nghệ An tăng lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO