Không có cơ sở để thu hồi giấy phép của doanh nghiệp

06/11/2015 17:07

(Baonghean) - Gần đây, vì không đồng ý cho một doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên địa bàn, người dân xóm Gia Đề (Nghĩa Dũng, Tân Kỳ) đã tập trung khiếu kiện đông người. Để đi đến thống nhất bảo đảm quyền lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc, đối thoại với người dân.

Người dân nêu lý do kiến nghị

Chúng tôi về vùng bãi bồi cát sỏi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng một sáng cuối tháng 10. Ông Nguyễn Thế Cơ – công an viên kiêm xóm phó xóm Gia Đề dẫn chúng tôi ra vùng đất bãi cho biết, xóm có 172 hộ, 695 khẩu chia thành 3 tổ luân phiên canh tác trên vùng bãi bồi rộng khoảng 5 ha phía bên kia sông. Vùng đất này trước đây thuộc địa bàn xã Nghĩa Dũng nhưng sau này thuộc xã Tân Long quản lý hành chính.

Công an viên xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) trao đổi với phóng viên.
Công an viên xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) trao đổi với phóng viên.

Chỉ cho chúng tôi địa điểm, cột mốc vừa được bàn giao cho doanh nghiệp, ông Cơ cho biết thêm, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm (ông Hoàng Đình Lâm là công dân xóm Đào Nguyên, giáp với xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng) đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) vào đầu năm 2015 với diện tích 10 ha. Đến nay, đơn vị chưa hoạt động khai thác và đang hoàn thiện các thủ tục sau giấy phép để được khai thác. Tuy nhiên, sau khi DNTN Hoàng Đình Lâm được tỉnh cấp giấy phép khai thác cát sỏi thì một số người dân xóm Gia Đề, không đồng tình với lý do: Trong quá trình cấp phép thăm dò, khai thác không thông qua ý kiến của nhân dân. Nếu khai thác sẽ làm sai lệch dòng chảy, ảnh hưởng đến sạt lở đất nông nghiệp, hoạt động đi lại qua sông để sản xuất của nhân dân không an toàn.

­Vẫn với lý do đó, ông Nguyễn Viết Công - người dân xóm Gia Đề khi gặp chúng tôi vẫn một mực cho rằng không được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên địa bàn bởi sẽ ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân. “Hiện doanh nghiệp chưa khai thác nhưng chúng tôi phải phòng trước” - ông Công nói.

Không đồng tình với việc cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm khai thác cát sỏi trên địa bàn, một số người dân xóm Gia Đề đã viết đơn khiếu kiện. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Dũng, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu quy định của pháp luật về quản lý, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời có văn bản trả lời cho nhân dân và yêu cầu DNTN Hoàng Đình Lâm chưa thực hiện khai thác khi chưa hoàn thiện các thủ tục được nêu trong quyết định cấp phép. Tuy nhiên, một số người dân xóm Gia Đề vẫn không đồng ý, tiếp tục đề nghị thu hồi Quyết định cấp giấy phép khai thác cát sỏi của DNTN Hoàng Đình Lâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ cho hay, trước tình hình đó, ngày 31/7/2015, UBND huyện Tân Kỳ đã có Công văn số 1258/UBND đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của DNTN Hoàng Đình Lâm để chờ ý kiến của các sở, ngành cấp tỉnh. Theo đó, DNTN Hoàng Đình Lâm chỉ được triển khai hoạt động khai thác sau khi có thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc giải quyết kiến nghị của nhân dân, đồng ý cho DNTN Hoàng Đình Lâm tiếp tục được thực hiện theo quyết định cấp giấy phép; thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đối với địa phương, tạo được sự đồng thuận với nhân dân khu vực khai thác, nhất là với nhân dân xóm Gia Đề trên cơ sở quy định của pháp luật.

Kiến nghị của người dân là không có cơ sở

Vừa qua, tổ công tác liên ngành của tỉnh đã tổ chức đoàn lên thanh tra những nội dung người dân kiến nghị. Theo đoàn kiểm tra, việc UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 19/GP-UBND ngày 6/1/2015 là đúng quy định của pháp luật. Lý do là việc cấp phép khoáng sản nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 42/2010/QĐ-UBND ngày 27/7/2010 và thuộc khu vực không phải đấu giá quyền khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2955/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh.

Diện tích cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản không nằm trong khu vực cấp hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 28, Luật Khoáng sản năm 2010. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đủ điều kiện theo quy định tại Điều 40 và Điều 53, Điều 28, Luật Khoáng sản năm 2010. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm đã lập hồ sơ, thủ tục và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản năm 2010 và Khoản 1, Điều 31, Nghị định số 15/2012/NB-CP ngày 9/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (trong đó đã có ý kiến thống nhất của UBND huyện Tân Kỳ và UBND xã Nghĩa Dũng, đã thực hiện việc khoan thăm dò theo quy định).

Cũng theo đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, thì việc ông Nguyễn Quang Hà và một số công dân phản ảnh về quy trình, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm không thông qua chính quyền cấp huyện và cấp xã, không khoan thăm dò, lấy mẫu trong quá trình thăm dò là phản ánh sai. Bởi tại Công văn số 1531/UBND.TN ngày 27/11/2013 của UBND huyện Tân Kỳ và Công văn số 32/UBND ngày 25/11/2013 của UBND xã Nghĩa Dũng đã thống nhất về khu vực xin giấy phép thăm dò của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm. Theo Đề án thăm dò do Đoàn Địa chất 6 - Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ lập và thi công đề án thăm dò cát xây dựng đã thể hiện là đơn vị tư vấn khoan thăm dò, lấy mẫu đã được hội đồng thẩm định thông qua và trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 3/9/2014.

Việc một số công dân phản ảnh việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho DNTN Hoàng Đình Lâm tại khu vực bãi bồi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, khi đi vào hoạt động sẽ làm sai lệch về dòng chảy, sạt lở đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến tính mạng và gây khó khăn cho hoạt động đi lại ngang sông để sản xuất là chưa có cơ sở. Phần diện tích được cấp phép khai thác khoáng sản cũng nằm ngoài phần diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình sử dụng ổn định (diện tích cấp phép là bãi bồi, diện tích không ổn định). Việc khai thác khoáng sản đã có biện pháp chống sạt lở trong quá trình khai thác (đóng cọc tre) đã xác định trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 6942/QĐ-UBND ngày 11/12/2014. Qua kết quả kiểm tra thực tế thì quá trình khai thác không gây khó khăn cho hoạt động đi lại ngang sông để sản xuất.

Như thế, việc ông Nguyễn Quang Hà và một số công dân đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho DNTN Hoàng Đình Lâm là không có cơ sở để thu hồi, bởi giấy phép khai thác khoáng sản nói trên không nằm trong trường hợp phải thu hồi Giấy phép theo quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật Khoáng sản năm 2010.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Hiện nay, để ổn định tình hình trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo DNTN Hoàng Đình Lâm tiếp xúc, vận động nhân dân thực hiện các nghĩa vụ với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong thời gian qua DNTN Hoàng Đình Lâm chưa làm tốt công tác vận động nhân dân, chưa tiếp xúc để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bức xúc cho nhân dân xóm Gia Đề trong thời gian qua.

Có thể nói rằng, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản là hoạt động không chỉ nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn, mà còn giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, cần quan tâm tới ý kiến của người dân, làm cho người dân hiểu rõ hơn nữa kết quả đánh giá tác động đến đất sản xuất, môi trường. Mặc dù phần diện tích được cấp phép khai thác khoáng sản nằm ngoài phần diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình sử dụng ổn định, trước mắt không ảnh hưởng đến đất sản xuất nhưng về lâu dài, cần quan tâm có giải pháp tránh gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực khai thác, hướng đến phát triển bền vững chung.

Ngày 28/10/2015, UBND tỉnh đã có công văn số 7738/UBND.KT về việc giải quyết đơn của công dân gửi Giám đốc Sở TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ. Theo đó, UBND tỉnh có ý kiến: Thống nhất với kết quả kiểm tra, tham mưu của Sở TN&MT: Giao Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ tổ chức thực hiện các nội dung theo kiến nghị của Sở TN&MT tại Văn bản số 5214/STNMT-TTr ngày 15/10/2015. Giao Sở TN&MT theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện Tân Kỳ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật; thông báo công dân kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền. Kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11/2015.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Không có cơ sở để thu hồi giấy phép của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO