Ký ức vị lão thành cách mạng đi qua 103 mùa Xuân
(Baonghean.vn) - 103 tuổi đời, 72 tuổi Đảng, cụ Hoàng Văn Bàng - lão thành cách mạng ở xóm Quyết Tiến, xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) vẫn nhớ rõ những người thân thiết, ruột thịt và các sự kiện quan trọng của cuộc đời mình.
Trọn đời vì cách mạng
Một buổi sáng mùa Xuân, chúng tôi ghé thăm nhà cụ Hoàng Văn Bàng - ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm Quyết Tiến, xã Khánh Hợp (trước là xóm Long Đông, xã Nghi Khánh, Nghi Lộc). Trong phòng khách, chủ nhân chăm chú với tờ báo mới, ngoài vườn đàn chim đang chuyền cành và ngân lên tiếng hót véo von.
Bước sang tuổi 103, cụ Hoàng Văn Bàng vẫn đi lại được trong nhà, trí nhớ còn minh mẫn. Ảnh: Công Kiên |
“Chỉ loanh quanh trong nhà, không còn sức để ra ngoài nên phải đọc báo, xem ti vi để biết thông tin diễn ra hàng ngày, nếu không sẽ mù tịt. Dịch Covid-19 có vẻ đang diễn biến phức tạp, mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để nhân dân làm ăn” - cụ Bàng mở đầu câu chuyện.
Trong cuộc trò chuyện, vị lão thành cách mạng tuổi 103 ấy đã kể về những chặng đời của mình, dòng ký ức qua lời kể như thước phim quay chậm.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, cụ Hoàng Văn Thạc - thân sinh của cụ Bàng là đảng viên thời kỳ 1930 - 1931, cũng là một trong những đảng viên đầu tiên tham gia thành lập chi bộ đảng ở xã Nghi Khánh.
Hàng ngày cụ Hoàng Văn Bàng đọc báo để nắm bắt tin tức. Ảnh: Công Kiên |
Lúc bấy giờ, mới 12 - 13 tuổi, cụ Bàng được bố và những người bạn giao canh gác khi tổ chức các cuộc họp và chuyển tài liệu bí mật, rải truyền đơn trong các cuộc biểu tình. Sau đó, cụ thân sinh của ông và nhiều đồng chí khác bị địch bắt, tra tấn dã man rồi đày vào nhà tù Buôn Ma Thuột, nhiều năm sau mới được trả tự do và về quê tiếp tục hoạt động.
Cụ Hoàng Văn Bàng đọc báo. Clip: Công Kiên |
Cũng như các bậc cha, chú của mình, cụ Bàng luôn giữ vững khí tiết, không khai báo một lời và tiếp tục cuộc đấu tranh ở chốn tù ngục. Khi ra tù, lại tiếp tục dấn bước trong phong trào Thanh niên phản đế Đông Dương, chuẩn bị tập trung lực lượng cho tổng khởi nghĩa. Những ngày tháng 8/1945, trong khí thế đấu tranh long trời lở đất, người thanh niên làng Long Đông có mặt trong lực lượng Tự vệ đỏ tiến vào phủ lỵ giành chính quyền về tay nhân dân.
Cụ Hoàng Văn Bàng lục tìm những kỷ vật. Ảnh: Công Kiên |
Sau cách mạng, cụ Hoàng Văn Bàng hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương và được kết nạp Đảng năm 1949.
“Ngày đó đảng viên còn ít, cách mạng còn khó khăn, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào của cả gia đình và thôn xóm. Trách nhiệm cũng vô cùng lớn lao, phải đưa hết tinh thần và ý chí để trọn đời phục vụ cách mạng”.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, cụ Bàng tự nguyện đăng ký nhập ngũ và có mặt ở chiến trường Tây Bắc, hoạt động chủ yếu ở vùng Yên Bái. Chiến tranh kết thúc, người con làng Long Đông trở về tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, tham gia các hoạt động xã hội mãi đến lúc già yếu. Thời kỳ khó khăn nhất, một phần vì cụ Bàng mải mê hoạt động, phần khác vì điều kiện thiếu thốn nên 4 người con của cụ bị ốm và mất khi còn nhỏ tuổi.
Kỷ vật đậm dấu ấn thời gian
Càng trò chuyện với cụ Hoàng Văn Bàng, chúng tôi càng cảm thấy thú vị bởi sự minh mẫn và trí nhớ của một người đã bước qua mùa Xuân thứ 103. Đặc biệt, cụ Bàng đang lưu giữ những vật kỷ niệm có thời gian trên dưới nửa thế kỷ, từng gắn bó với bậc thân sinh và cuộc đời của chính cụ. Phần lớn ở đây là các loại giấy tờ, tài liệu cá nhân và những tấm ảnh lưu lại khoảnh khắc lúc tham quan và gặp gỡ nguyên thủ quốc gia.
Cuốn tài liệu “Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Đảng Lao động Việt Nam” in năm 1958 đang được cụ Hoàng Văn Bàng lưu giữ. Ảnh: Công Kiên |
Trong đó, cũ nhất là lá đơn xin làm việc của cụ Hoàng Văn Thạc viết từ năm 1956, gửi Huyện ủy và Tỉnh ủy. Nội dung lá đơn là nguyện vọng của cụ Thạc muốn được công tác tại một nông trường trên địa bàn tỉnh, phù hợp với khả năng sau nhiều năm tham gia cách mạng. Tiếp đến là cuốn tài liệu “Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Đảng Lao động Việt Nam” in năm 1958; Giấy chứng nhận mãn khóa huấn luyện cơ sở của cụ Hoàng Văn Thạc vào năm 1961…
Kỷ vật cụ Bàng còn có một bức ảnh ghi lại cảnh bắt tay với Chủ tịch nước Võ Chí Công và một bức ghi lại cảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp đoàn cán bộ lão thành tỉnh Nghệ An, trong đó có cụ Bàng. Đây là những lần cụ Bàng vinh dự được theo đoàn ra thăm Thủ đô, được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp đón và trò chuyện thân tình.
Bức ảnh Chủ tịch nước Võ Chí Công bắt tay cụ Hoàng Văn Bàng. Ảnh: NVCC |
“Với mọi người, các loại giấy tờ và những tấm ảnh này hoàn toàn không có giá trị, nhưng với tôi là “báu vật”. Bởi đó là dấu ấn thời gian, cuộc đời, chứa đựng tinh thần, khát vọng và tình yêu thương…” cụ Bàng chia sẻ.
Bằng chúc thọ cụ Hoàng Văn Bàng 103 tuổi của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Công Kiên |
Lãnh đạo tỉnh và huyện Nghi Lộc chúc Tết cụ Hoàng Văn Bàng. Ảnh: Công Kiên |
Cụ bà Võ Thị Thao (vợ cụ Bàng) qua đời từ năm 1992, ngoài 4 người con mất lúc còn nhỏ, vợ chồng cụ còn có 5 người con, riêng con trai trưởng là Hoàng Văn Quang đã qua đời mấy năm trước. Hiện cụ Bàng có 7 cháu, 10 chắt và 1 chít; các con và cháu của cụ đều tham gia công tác xã hội và đóng góp nhiều cho sự phát triển của quê hương.
“Ông nội chúng tôi là một trong những người có tuổi thọ cao nhất xã, bên cạnh sự chăm sóc tận tình của con cháu, ông còn nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền. Trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, ông nhận được quà và Bằng chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Bí thư Huyện ủy về tận nhà chúc Tết và tặng quà khiến ông rất phấn khởi và tự hào”.