Làm thế nào để xây dựng Thư viện trường học hiệu quả

04/11/2016 08:43

(Baonghean) - Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, trong những năm qua, các trường học trong tỉnh đã chú trọng phát triển thư viện nhà trường. Tuy nhiên, để thư viện hoạt động có hiệu quả đang đòi hỏi nhiều yếu tố...

Hiệu quả

Thư viện lớp học của lớp 5A, Trường Tiểu học Chi Khê 1 (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) được đặt ngay cuối lớp, và là một địa điểm được các thành viên của lớp lưu lại nhiều nhất mỗi giờ ra chơi.

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm của lớp cho biết: Học sinh của lớp đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên không có nhiều điều kiện để đọc sách ở nhà. Từ khi tổ chức thư viện lớp học, các em từng bước hình thành thói quen đọc sách.

Học sinh Trường Tiểu học Chi Khê 1 (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) đọc sách trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Khê 1 (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) đọc sách trong giờ ra chơi.

Là 1 trong 4 trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 của huyện Con Cuông, nên song song với việc dạy và học, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Chi Khê 1 rất chú trọng đến việc xây dựng thư viện trường học. Hiện tại, ở đây, ngoài thư viện lớp học được đặt ở mỗi lớp, nhà trường còn xây dựng thư viện di động ở sân trường để học sinh đọc sách giờ ra chơi và một phòng đọc thư viện có khá nhiều đầu sách và báo.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Do còn ít tuổi nên học sinh tiểu học chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách. Vì vậy, nhà trường luôn cố gắng để tạo ra một môi trường thân thiện và khuyến khích các em với nhiều hoạt động sôi nổi hấp dẫn lý thú. Ví dụ, hàng năm nhà trường tổ chức ngày hội đọc sách. Hàng tuần, hàng tháng, tùy theo chủ điểm, liên đội nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động như thi kể chuyện theo sách.

Tại Trường Tiểu học Diễn Yên 2 (Diễn Châu), với mục đích để học sinh có thể phát triển toàn diện, bên cạnh việc dạy văn hóa nhà trường luôn chú trọng phát triển văn hóa đọc cho các em. Thư viện xanh được đặt trong khu vực vườn cây xoài có diện tích khoảng 100m2 với hàng trăm đầu sách.

Nhà trường quan tâm đến việc triển khai mô hình thư viện lớp học với nhiều cách huy động như kêu gọi phụ huynh lớp xây dựng tủ sách phụ huynh, kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp để trang bị thêm các đầu sách.

Mỗi lớp cũng đã thành lập Ban thư viện để các em tổ chức cho các bạn đọc sách đúng giờ quy định, hướng dẫn các bạn viết cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách, đề nghị cô giáo khen những bạn chăm chỉ đọc sách...

Tại tỉnh ta, theo thống kê, hiện nay hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh thuộc 3 cấp tiểu học, THCS và THPT đều đã có thư viện. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động của thư viện cũng đã có nhiều bước chuyển đáng kể theo chiều hướng phát triển ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình như thư viện chung, thư viện lớp học, thư viện vườn trường, thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện di động, thư viện điện tử...

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhiều mô hình thư viện mới, hiện đại cũng đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả. Trong đó phải kể đến thư viện thân thiện ở các trường Tiểu học Minh Thành và Tiểu học Thịnh Thành (Yên Thành) do Dự án Zhishan Foundation Taiwan tài trợ.

Thông qua hoạt động của các thư viện, không chỉ góp phần tạo một sân chơi thú vị cho học sinh, khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường mà còn từng bước hình thành và phát triển các kỹ năng cho học sinh, hình thành nhân cách sống.

Ở nhiều trường học, đặc biệt ở các vùng khó khăn thư viện còn là chiếc cầu nối giúp học sinh con em các hộ nghèo có điều kiện được mượn sách giáo khoa, hoặc trao tặng sách giáo khoa giữa các thế hệ học sinh trong trường.

Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) với ngày hội đọc sách.
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) với ngày hội đọc sách.

Hạn chế

Tuy nhiên, để thư viện hoạt động có hiệu quả còn những hạn chế nhất định; như hiện nay, mặc dù các trường đều đã có thư viện nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện còn nhiều bất cập, nhiều trường vẫn đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.

Điều này cũng ảnh hưởng đến việc gây dựng và tổ chức các hoạt động lôi cuốn học sinh vào thư viện. Bên cạnh đó, do ngân sách đầu tư cho thư viện còn ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng đầu sách trong thư viện vốn sách báo còn nghèo nàn nên chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, mượn của giáo viên, học sinh, nhất là các trường học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Quá trình thực hiện cũng cho thấy, để thư viện hoạt động có hiệu quả, thì ngoài việc trang bị cơ sở vật chất, mua sắm sách vở thì ban giám hiệu các nhà trường cũng cần phải đổi mới, năng động sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động.

Ngoài ra, quá trình thực hiện cần đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, tự sáng tạo, tự vận dụng của học sinh.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Làm thế nào để xây dựng Thư viện trường học hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO