Lần theo dấu vết ô nhiễm trên sông Nậm Tôn, phát hiện điểm khai thác quặng thiếc trái phép
(Baonghean.vn) - Lần theo dấu vết, tìm nguyên nhân nước sông Nậm Tôn bị đục, lực lượng chức năng ở huyện Quỳ Hợp phát hiện điểm khai thác quặng thiếc trái phép nằm sâu trên núi.
Ngày 13/4, một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, lực lượng chức năng đang phá dỡ lán trại, đánh sập hầm lò khai thác quặng thiếc trái phép, đồng thời truy tìm chủ nhân của điểm khai thác này.
2 ngày trước, nhận được phản ánh từ người dân về việc sông Nậm Tôn lại tiếp tục bị ô nhiễm, chuyển qua màu đỏ, huyện Quỳ Hợp đã cử đoàn cán bộ kiểm tra tại thượng nguồn dòng sông này để tìm nguyên nhân.
Lần theo dấu vết, đoàn kiểm tra phát hiện một điểm khai thác quặng thiếc trái phép có quy mô ở khu vực Thung Hung Nọi (bản Công, xã Châu Hồng). Tuy nhiên, những kẻ khai thác trái phép đã kịp bỏ chạy trước khi đoàn kiểm tra có mặt.
Tại hiện trường, có một hầm lò sâu hơn 15m cùng với máy bơm, nhiều vật dụng, thiết bị khác phục vụ cho việc khai thác.
"Hiện trường cho thấy, khu vực này đã bị khai thác khoảng hơn nửa tháng. Khu vực nằm giáp ranh giữa 2 xã Châu Tiến và Châu Hồng, rất hiểm trở, ngày thường ít người lui tới", một cán bộ trong đoàn kiểm tra nói.
Lực lượng chức năng sau đó đã lập biên bản vụ việc đồng thời tiến hành phá hủy điểm khai thác trái phép.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, khu vực này trước đây từng được cấp phép cho một doanh nghiệp thăm dò quặng thiếc nhưng đã hết giấy phép từ lâu.
"Ngay sau khi đoàn kiểm tra phát hiện điểm khai thác quặng thiếc trái phép này, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị cơ quan công an điều tra, tìm ra thủ phạm", ông Hóa nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cũng nhận định, điểm khai thác quặng thiếc này không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng sông Nậm Tôn bị ô nhiễm. Bởi lượng nước thải ra từ điểm khai thác này không lớn.
"Sau khi dòng nước Nậm Tôn bị đục, chúng tôi cùng với đoàn kiểm tra của huyện đã lùng sục khắp địa bàn toàn xã, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Địa điểm khai thác quặng thiếc trái phép này cũng không phải là nguyên nhân, minh chứng là bị phát hiện và ngừng hoạt động từ 2 ngày nay, nhưng dòng nước sông Nậm Tôn thì vẫn đục, không có gì thay đổi", ông Hóa nói thêm.
Nậm Tôn cùng với Nậm Huống là 2 phụ lưu của sông Dinh – một trong những biểu tượng tự nhiên của huyện Quỳ Hợp. Sông Nậm Tôn bắt nguồn từ những dãy núi thuộc địa phận các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp. Nhiều đoạn trên các xã này, sông chảy ngầm dưới chân núi, tạo thành nhiều hang karst. Khi về tới địa phận xã Châu Quang, Nậm Tôn hợp với Nậm Huống, thành sông Dinh.
Tuy nhiên, kể từ khi thượng nguồn được cấp phép khai thác quặng thiếc, dòng sông dần bị "bức tử", quanh năm đục ngầu. Tình trạng ô nhiễm sông Nậm Tôn ngày càng nghiêm trọng trong những năm trở lại đây, khi mà các mỏ quặng thiếc được cấp phép, đi vào hoạt động ngày càng nhiều.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, mẫu nước lấy từ điểm quan trắc trên sông Nậm Tôn có độ đục khá cao, chỉ số TSS nhiều lần vượt quy chuẩn.
Việc sông Nậm Tôn bị bức tử trong suốt hàng chục năm qua, là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của địa phương. Chính quyền địa phương cùng các sở, ngành đã thường xuyên kiểm tra tại các mỏ quặng, nhưng rất khó phát hiện vi phạm.
Các chủ mỏ thường bơm hút nước ngầm lên để tuyển quặng, bóc tách các hợp chất, kim loại khác ra khỏi thiếc. Theo quy định, nguồn nước thải sau khi sử dụng để tuyển quặng xong phải cho xuống các hố lắng, thông qua các bước xử lý rồi tiếp tục tái sử dụng trở lại, mà không được xả ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ sau khi tuyển quặng lại tìm cách xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều này không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn khiến nguồn nước ngầm bị bơm hút đến mức cạn kiệt.
Cuối năm 2022, UBND huyện Quỳ Hợp phát hiện 2 mỏ quặng thiếc lén lút xả thải ra thượng nguồn dòng sông Nậm Tôn thông qua những đường ống chôn sâu dưới lòng đất. 2 doanh nghiệp này sau đó bị đình chỉ một thời gian và bị phạt tổng số tiền 420 triệu đồng. Sau khi đình chỉ các mỏ quặng, dòng sông Nậm Tôn có dấu hiệu hồi sinh, trong mát hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm ở dòng sông này lại tái diễn.