Lãnh đạo bằng sự nêu gương: Bài học chưa bao giờ cũ
Sự nêu gương của lãnh đạo chủ chốt và lan tỏa những tấm gương như thế trong xã hội là rất cần thiết. Bởi giáo dục về đạo đức mà thiếu những tấm gương thì như thiếu đi giáo cụ trực quan vô cùng sinh động.
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Tới đây, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới về vấn đề này.
Qua các văn kiện của Đảng, có thể khái quát phương thức lãnh đạo của Đảng gồm: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; ba là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị và bằng công tác tổ chức, cán bộ; bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; năm là, Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên..
Có thể thấy, ngay khi ra đời, Đảng ta đã xác lập cho mình một trong những phương thức lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này, ông Lê Văn Thái, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nhấn mạnh chúng ta có thể làm tốt hơn và tiếp tục làm sâu sắc hơn phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên.
PV: Thưa ông, hiểu một cách đơn giản, nêu gương là gì?
Ông Lê Văn Thái: Nêu gương là hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, nhưng quan trọng là tự thân mình mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ không phải là một áp lực bản thân buộc phải nêu gương. Khi đó, nêu gương sẽ như một lẽ tự nhiên, như một lẽ sống của người đảng viên, khi đó nêu gương mới thực sự có hiệu quả. Nêu gương không phải là cố gò lên để diễn kịch, mà là lẽ tự nhiên trong cuộc sống.
PV: Theo quan sát của ông, xã hội chúng ta có nhiều tấm gương để lan tỏa không?
Ông Lê Văn Thái: Thực tế trong đời sống xã hội có rất nhiều tấm gương, có những tấm gương rất bình dị nhưng quan trọng là chính quần chúng cảm nhận thấy. Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta trong công tác tuyên truyền hiện nay là chúng ta có thể tuyên truyền 10, 100 gương tốt nhưng đôi khi chỉ một vài gương xấu gây ra những tác động tiêu cực. Đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ hiện nay.
Một điểm nữa trong vấn đề nêu gương đó là cần phải có nhiều tấm gương ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị xã hội, ở các cấp. Và đương nhiên theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những tấm gương ấy phải có tính toàn diện trong tu dưỡng bản thân, trong phong cách ứng xử với quần chúng, với những người xung quanh và toàn diện trong công việc, đó là nêu gương trong lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
PV: Theo ông, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên đã được Đảng ta chú trọng ra sao?
Ông Lê Văn Thái: Qua từng chặng đường cách mạng, cùng với việc hoàn thiện về phương thức lãnh đạo của Đảng, yêu cầu về nêu gương cũng ngày càng rõ nét hơn, cụ thể hơn. Gần đây nhất là Quy định 08 về sự nêu gương, Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm, Kết luận 21 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII đã đặt ra những nội dung cụ thể để cán bộ đảng viên thể hiện sự nêu gương trước quần chúng nhân dân ngày càng rõ hơn.
PV: Yêu cầu về nêu gương đối với cán bộ đảng viên là rất kiên quyết, nhưng những “tấm gương” xấu lại đang có chiều hướng gia tăng. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ông Lê Văn Thái: Đảng cũng là một tổ chức, một “cơ thể” sống. Bên cạnh sự gương mẫu, hy sinh, xả thân của một bộ phận rất lớn cán bộ đảng viên thì cũng có những cán bộ sa ngã, đáng tiếc là số cán bộ sa ngã đó đang lớn dần. Chính vì vậy mới có Quy định 08, Quy định 37, hay Kết luận 21. Có thể nói, những yêu cầu về nêu gương đã được cụ thể bằng những nội dung rất chi tiết, đặt ra yêu cầu rất cao về sự nêu gương của các tổ chức đảng và đảng viên, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng để đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đây là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt. Vì vậy, trong lúc này cần một tinh thần như Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rõ, đó là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Cùng với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như loại bỏ những cán bộ vi phạm ra khỏi đội ngũ, càng phải đề cao những tấm gương để cổ vũ, thuyết phục quần chúng nhân dân.
Tới đây, tôi rất mong muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những tấm gương trong đội ngũ đảng viên các cấp, bởi đây là những tấm gương “sống”, quần chúng có thể cảm nhận được ngay, cảm nhận được trực tiếp không phải thông qua một lăng kính tuyên truyền nào và sẽ lan tỏa trong xã hội. Điều đó rất cần thiết.
PV: Cán bộ giữ vị trí lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu, “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, làm từ trên xuống, thưa ông?
Ông Lê Văn Thái: Chúng ta hay nói với nhau là “cán bộ nào, phong trào ấy”, vai trò của người đứng đầu, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo trong mỗi cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Cho nên dễ thấy là thành công ở nhiều cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình cũng gắn liền với sự nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp ở đó; đồng nghĩa là ở một số đơn vị xảy ra những sai phạm nghiêm trọng cũng lại gắn với sự sa sút về phẩm chất của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu. Cho nên đặt ra vấn đề, để công tác quản lý cán bộ có hiệu quả, phải có cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, để ngăn chặn không xảy ra những sai phạm đáng tiếc.
PV: Vậy theo ông, cơ chế giám sát thế nào cho hiệu quả?
Ông Lê Văn Thái: Chúng ta đã cụ thể hóa rất nhiều nội dung, đang ngày càng hoàn thiện. Từ sau Đại hội XIII đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, luân chuyển, miễn nhiệm… Những công việc ấy ngày càng được thực hiện chặt chẽ hơn, góp phần kiểm soát tốt hơn. Nhưng sự suy thoái ấy lại bắt nguồn từ bản thân mỗi cán bộ, dù cơ chế có chặt chẽ đến mức nào nhưng trọng tâm của cán bộ đó đã suy thoái thì vẫn có thể xảy ra sai phạm. Quan trọng là chúng ta kịp thời có cơ chế để ngăn chặn sớm, không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
PV: Nhưng nhận diện được sự suy thoái, đánh giá đúng cán bộ đang là khâu yếu?
Ông Lê Văn Thái: Đúng thế. Chính vì vậy, chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ về đánh giá cán bộ, đánh giá từ trong ra, ngoài vào, trên xuống, dưới lên, rồi 360 độ soi chiếu vào cán bộ để đánh giá.
Nhưng cán bộ là con người cũng theo sự phát triển nên việc đánh giá không chỉ là đúng trong hiện tại mà còn phải dự báo được cả những vấn đề về chiều hướng phát triển. Đây là vấn đề lớn đặt ra với công tác cán bộ.
PV: Vậy công tác cán bộ của ta hiện tại đã dự báo được chiều hướng phát triển của cán bộ chưa, thưa ông?
Ông Lê Văn Thái: Đánh giá cán bộ, quan trọng là môi trường để đánh giá. Bởi chúng ta đánh giá bằng tập thể, vì thế tập thể ấy phải là tập thể tốt; việc bỏ phiếu tín nhiệm phải là một tập thể thực sự dân chủ. Cho nên ở những nơi có tình trạng bè phái, mất đoàn kết, có những người rất tốt nhưng khi bỏ phiếu không được phiếu nào, “tốt mà thiệt” là bởi môi trường ấy không đảm bảo cho yêu cầu đánh giá. Muốn đánh giá đúng phải có môi trường tốt để đánh giá; cơ quan, đơn vị ấy phải là một tập thể tốt mới có những đánh giá tốt.
PV: Như vậy, việc đánh giá cán bộ không thể chỉ dựa vào môi trường đánh giá?
Ông Lê Văn Thái: Trong Nghị quyết số 26, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII có nêu một ý rất quan trọng đó là cùng với việc đánh giá theo đúng quy trình, cơ quan sử dụng cán bộ có thể mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ một cách phù hợp. Các đánh giá được xem là cung cấp thông tin, còn người có quyền quyết định về cán bộ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Những người tiếp nhận thông tin về cán bộ phải tiếp nhận đúng theo cách của họ, còn quyết định cao nhất vẫn là người sử dụng cán bộ.
Từ kinh nghiệm những năm tháng làm công tác tổ chức ở địa phương, tôi thấy đây là việc hết sức quan trọng để làm sao đánh giá đúng cán bộ trong một điều kiện, môi trường như vậy.
Để đánh giá cán bộ cần quay trở lại nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu nguyên tắc này không được thực thi thì việc đánh giá cán bộ dù vẫn được thực hiện đúng theo quy trình nhưng lại ra sản phẩm không đúng, nó trở thành sự giả hiệu. Đôi khi một tập thể có thể bỏ phiếu đồng thuận nhưng chỉ là bỏ phiếu để hợp lý hóa ý chí của một người, tình trạng đó đã từng xảy ra.
Chúng ta vẫn đang ngày càng hoàn thiện các quy trình đánh giá, nguyên tắc đánh giá. Nhưng dù quy trình hoàn thiện đến đâu, nếu người làm công tác cán bộ có thẩm quyền quyết định tấm lòng không trong sáng thì sự giả hiệu vẫn luôn có thể xảy ra.
PV: Như vậy, chúng ta sẽ hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng bằng sự nêu gương như thế nào?
Ông Lê Văn Thái: Chúng ta có thể làm tốt hơn và tiếp tục làm sâu sắc hơn phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên. Từ kinh nghiệm của mình trong thực tiễn, thời gian tới, có 3 việc rất quan trọng cần phải làm đó là sự nêu gương của các lãnh đạo chủ chốt là rất cần thiết, sự nêu gương ấy không chỉ bó hẹp trong phạm vi cơ quan, đơn vị mà các cán bộ đang công tác, thông qua truyền thông, chúng ta phải lan tỏa những tấm gương ấy. Sự nêu gương của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 26 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, trong đó có nêu nhiệm vụ là phải xây dựng hình ảnh các chức danh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải làm được điều đó, tạo ra sức cổ vũ lớn.
Đó là sự cần thiết trong xã hội, trong cuộc sống, bởi trong giáo dục về đạo đức mà thiếu những tấm gương thì như thiếu đi giáo cụ trực quan vô cùng sinh động. Giáo dục đạo đức không thể thiếu những tấm gương.
Thực tế, điều mà người làm gương mong muốn nhất là được ghi nhận chứ không nhất thiết phải là thăng chức, tặng thưởng; người nêu gương muốn được cộng đồng, xã hội, được cơ quan ghi nhận. Ở góc độ công tác cán bộ, anh phải đánh giá đúng con người ấy, từ đánh giá đúng mới có những biện pháp để động viên. Đánh giá là số một, động viên chỉ là đi sau.
PV:Xin cảm ơn ông./.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nêu gương là nói và làm thật tâm, không dối trá
10/09/2021