Lao đao nghề mây tre đan

30/03/2016 13:17

(Baonghean.vn) - Đến nay, Nghệ An có 44 làng nghề mây tre đan được UBND tỉnh công nhận với 3.700 lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện nay chỉ còn hơn 20 làng thực hoạt động với khoảng 1.000 lao động.

Thời kỳ hoàng kim (năm 2008 về trước), mây tre đan có gần 40 làng, thu hút khoảng 4.000 lao động. Và hiện nay, theo tổng hợp từ Liên minh HTX, trên địa bàn Nghệ An có 44 làng nghề MTĐ nhưng theo tìm hiểu của PV, rất nhiều làng “hữu danh vô thực”, thực tế không còn hoạt động. Theo ông Thái Đại Phong – chủ doanh nghiệp xuất khẩu MTĐ lớn của tỉnh, số làng thực hoạt động cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp là 19 làng với khoảng 500 lao động, trong đó, làng sử dụng nhiều nhất là 100 lao động, có làng chỉ còn 10 lao động.

Nhiều làng nghề mây tre đan đang dần mai một - Đồ họa: Tuấn Vũ

Nhiều năm liền, làng nghề MTĐ Sơn Mỹ (Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu) và làng nghề MTĐ Bắc Vực (Đô Thành, Yên Thành ) ngừng hoạt động. Diễn Châu có 20 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề mây tre đan và cả 3 làng nghề này hiện nay hoạt động cầm chừng, thậm chí bị dừng lại. Nghi Phong (Nghi Lộc) có 2 làng nhưng đến nay cả 2 đều ngừng; Nghi Thái có 11 làng nhưng cũng trong cảnh “chết lâm sàng”, chỉ còn 2 làng còn duy trì...

1
Bà Đặng Thị Xuân ở xóm Thái Hòa (Nghi Thái, Nghi Lộc) năm nay ngoài 60 nhưng đã có trên 40 năm theo nghề mây tre đan. Bà biết đan năm 12 tuổi. Bà cho biết, mỗi ngày tích cực làm cũng được 50-70.000 đồng. Những người có sức khỏe đều có nghề, ít làm phụ hồ cũng được trả công 200-250.000 đồng/ngày. Tôi sức khỏe yếu, mắt kém, ruộng vườn cũng ít nên mới phải theo bám thôi.

Đến làng nghề MTĐ Thái Hòa (Nghi Thái, Nghi Lộc), chúng tôi được ông Doãn Hữu Sửu- người phụ trách làng nghề cho hay, thời điểm 2005 gần như 100% hộ nào cũng làm nghề tuy nhiên đến nay chỉ còn duy nhất 1 hộ đan hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp, một vài hộ đan hàng truyền thống. Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu như: giỏ mây đựng hoa quả, ghế mây... một thời thế hệ các ông thức ngủ cùng nó đã trở nên xa lạ với người dân Thái Hòa nói riêng và xã Nghi Thái nói chung.

1
Nghề đan đối với ông Sửu, bà Trường ở Nghi Thái, Nghi Lộc giờ chỉ còn là hoài niệm

Còn tại huyện Diễn Châu, ông Lê Hồng Nghệ- Chủ tịch UBND xã Diễn Trường cho biết: “Trên địa bàn hiện có 2 làng nghề: mây tre đan xuất khẩu Quyết Thắng và nghề đan lát truyền thống. Tuy nhiên, cả 2 làng nghề này hiện nay đang hoạt động cầm chừng, thậm chí không hoạt động. Nguyên nhân là do không có đầu ra bao tiêu sản phẩm, ngày công thấp nên bà con không ai mặn mà với nghề mây tre đan”.

Công ty TNHH Đức Phong chuyên sản xuất các sản phẩm đèn lồng, hộp gia dụng, là đầu mối thu gom sản phẩm của các làng nghề MTĐ trên địa bàn tỉnh. Ông Thái Đại Phong – Giám đốc công ty thừa nhận, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp khá lớn, quý 1/2016 kim ngạch đạt 200.000 USD sản phẩm chủ yếu là đèn lồng, hộp quà tặng xuất sang Bỉ, Đức, Chi Lê, Pháp, Tập đoàn IKEA- Thụy Điển. Vì thiếu lao động, có nhiều đơn hàng doanh nghiệp không đáp ứng kịp, không dám nhận.

3
Huyện Quỳnh Lưu hiện có 28 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó, mây tre đan có 14 làng, chiếm 50% tổng số làng nghề trên địa bàn. Trong số các làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện, làng nghề mây tre đan Đồng Văn ( Quỳnh Diễn) - làng nghề được xem là “của hiếm” hoạt động hiệu quả hiện nay của tỉnh. Ảnh: Việt Hùng

Ông Phong cũng cho biết, cạnh tranh lao động giữa làng nghề truyền thống với các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn, trong khi thu nhập từ nghề thấp là lý do nhiều thanh niên không mặn mà với nghề. Hiện nay các làng nghề chủ yếu người già, còn thanh niên thì không theo nghề. Những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến nhiều làng nghề truyền thống, nghề MTĐ rơi vào tình trạng lao đao, nhiều làng chỉ lưu truyền tiếng cũ.

Làng nghề MTĐ mai một là xu hướng tất yếu khi bước vào ngưỡng cửa thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, trong khi nhiều làng nghề lao đao, thì làng nghề MTĐ Đồng Văn (Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu) vẫn duy trì, phát triển cho thấy làng nghề vẫn cơ sở phát triển. Sự mai một của làng nghề truyền thống cũng được coi là phép thử, để những làng nghề thực sự có giải pháp tốt tồn tại và phát triển.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lao đao nghề mây tre đan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO