Trong không khí vui đón Giáng sinh 2024, bà con làm nghề ở giáo xứ Quy Chính đang bước vào thời điểm sản xuất miến nhiều nhất trong năm. Những ngày này, về Quy Chính thấy khắp các tuyến đường, trước sân nhà... đều phơi đầy miến gạo. Ảnh: Huy Thư Anh Lê Đình Hiếu (45 tuổi) - Chủ một cơ sở sản xuất miến theo công nghệ mới cho biết: Hiện gia đình anh là 1 trong 4 hộ có dây chuyền sản xuất miến hiện đại nhất trong vùng. Hệ thống dây chuyền này gồm có máy xay gạo thành bột nước, máy cán bột và máy đùn miến, mỗi ngày có thể xử lý vài tấn gạo. “Để khắc phục điều kiện thời tiết thất thường, những lúc mưa kéo dài không thể làm miến được, tôi có ý định xây dựng một lò sấy miến gắn với dây chuyền đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải trăn trở về giá cả, thị trường… nên chưa làm được” – Anh Hiếu nói. Ảnh: Huy Thư Nghề làm miến đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong khối. Từ em nhỏ cho đến các cụ già đều có thể tham gia các công đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất miến, như cắt miến, phơi hong, bó, đóng gói... Ảnh: Huy Thư Miến sau khi ra khỏi máy được cắt thành đoạn dài 25 -27cm, xếp ngay ngắn, trùm bạt ủ 10 – 12 tiếng đồng hồ. Trước khi đem rải trên phên tre đưa đi phơi, miến được nhúng nước đập trên bàn cho tơi ra từng sợi. Ảnh: Huy Thư Nắng to, miến chỉ cần phơi 1 ngày là khô, trời nắng nhẹ thì 2 ngày. Tranh thủ những hôm trời nắng to, bà con đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Bà Đinh Thị Lợi (64 tuổi) - một người có thâm niên làm miến trong vùng chia sẻ: Gia đình bà làm miến từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, và là một trong những hộ mua máy sản xuất miến đầu tiên trong vùng. Hiện mỗi ngày, nhà bà sử dụng khoảng 1 – 1,5 tạ gạo để sản xuất miến. Theo bà Lợi, cứ 10kg gạo thì làm được 9 – 9,2 kg miến. Ảnh: Huy Thư Ông Nguyễn Văn Oai (55 tuổi) đang thu gom miến khô chia sẻ: Miến của người dân trong giáo xứ sản xuất từ gạo Khang dân, là loại miến sạch, màu trắng trong, không thêm bất cứ phụ gia nào. Ảnh: Huy Thư Được biết, khối Quy Chính có nghề bún bánh từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2006. Hiện sản phẩm do bà con làm ra chủ yếu được thương lái đến lấy tận nhà. Bà Hoàng Thị Phương (55 tuổi) đang bó miến tại sân nhà chia sẻ: Tôi đã nghỉ làm miến một thời gian, nhưng nay gần Tết, nhiều khách gọi đặt hàng nên làm nghề trở lại. Ảnh: Huy Thư Miến gạo Quy Chính đã được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Minh Hoài, Khối trưởng khối Quy Chính cho biết: Nhờ áp dụng máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, nghề làm miến của bà con đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên để làng nghề phát triển hơn nữa, người dân cần có hệ thống máy sấy nhằm duy trì sản xuất quanh năm, khắc phục hạn chế về điều kiện thời tiết. Việc hỗ trợ vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất cho bà con cũng là vấn đề quan trọng. Đặc biệt là kiện toàn Tổ hợp tác sản xuất đã có, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Huy Thư
Bà con giáo xứ Quy Chính phơi, thu cất miến gạo. Video: Huy Thư
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO