Loay hoay tìm hướng xử lý vụ người dân mất nhà đất vì xa quê
Lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu thừa nhận chậm trễ trong việc xử lý dứt điểm vụ việc người dân ở xã An Hòa bị mất nhà đất sau khi làm ăn xa trở về. Đồng thời cho biết, cơ quan chức năng của huyện cũng như xã lúng túng tìm hướng xử lý, vì thiếu cơ chế.
Lúng túng giải quyết hậu quả
Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, huyện đã nhận được văn bản báo cáo xác minh nguồn gốc đất của công dân Trần Bá Định từ UBND xã An Hòa. Tuy nhiên, báo cáo này vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng.
“Sau khi nhận được báo cáo, chúng tôi đã yêu cầu xã tiếp tục xác minh lại vì có một vài mâu thuẫn, chưa rõ ràng”, ông Dinh nói và cho hay, khi nào UBND xã An Hòa có báo cáo làm rõ thêm về thửa đất của ông Trần Bá Định, huyện mới lên phương án để tiến hành các bước tiếp theo.
Lý giải về việc chậm xử lý dứt điểm dù công dân đã có hàng loạt đơn khiếu nại từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho rằng, nguyên nhân một phần do vụ việc có tính chất phức tạp, trong khi chưa có cơ chế để xử lý. “Chúng tôi cũng đau đầu, vì không có cơ chế rõ ràng để xử lý, chứ không phải gây khó khăn gì với công dân”, ông Thắng nói và cho biết, ông chính là người được giao theo dõi vụ việc này suốt những năm qua.
Theo ông Thắng, việc UBND xã An Hòa thu hồi đất của ông Định để mở rộng khuôn viên trường mầm non xuất phát từ áp lực làm nông thôn mới, từ ý kiến của cử tri. Mục đích việc giải tỏa là tốt nhưng phương pháp lại vội vàng.
“Sau khi nhận được khiếu nại của ông Trần Bá Định, chúng tôi cũng nhiều lần họp nhưng khi bàn chuyện khắc phục hậu quả thì vướng vào mặt cơ chế và thẩm quyền”, ông Thắng nói và cho biết, ban đầu UBND huyện Quỳnh Lưu dự kiến xử lý theo hướng dẫn trong Quyết định số 28 của UBND tỉnh Nghệ An.
“Huyện cũng đã xử lý hậu quả một số trường hợp xã đổi đất cho người dân theo Quyết định số 28 rồi. Theo đó, sẽ thành lập đoàn xác minh, kiểm tra, kết luận rồi sẽ cấp đổi đất cho người dân. Tuy nhiên, riêng trường hợp của ông Định lại vướng mắc. Đó là việc đổi đất chưa hoàn thành, biên bản thỏa thuận đổi đất thì do xã ký với người được ông Định nhờ trông coi, chứ không phải thỏa thuận đổi đất với chủ sử dụng. Ngoài ra, cũng chỉ biên bản đổi tạm sang lô đất bên cạnh chờ tìm vị trí khác chứ chưa xác định nơi đến cụ thể. Chính vì vậy, khi nhận được yêu cầu của ông Định về việc cấp đất bồi thường tái định cư thì không có cơ chế giải quyết, vì vậy, chúng tôi cũng lúng túng”, ông Thắng kể và cho hay, sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 8/2023, huyện và UBND xã An Hòa cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp để tìm phương án xử lý.
Theo đó, UBND huyện Quỳnh Lưu dự kiến lập dự án, ban hành quyết định thu hồi đất rồi bồi thường đất tái định cư cho ông Định. “Để giải quyết theo hướng này thì HĐND tỉnh phải ra Nghị quyết cho phép thu hồi đất, rồi trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, khi đó mới có thể thu hồi và đền bù tái định cư cho ông Định được. Nhưng vấn đề gặp phải ở đây là lập dự án gì để thu hồi đất, khiến HĐND tỉnh có thể thông qua”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, ban đầu huyện Quỳnh Lưu tính tới chuyện lập dự án mở rộng trường mầm non để thu hồi đất của ông Định để có căn cứ bồi thường, nhưng sau đó không được, vì khu đất này hiện nằm trong hành lang an toàn giao thông.
“Không thể mở rộng trường mầm non ra đất hành lang an toàn giao thông được. Nên sau đó, chúng tôi tiếp tục bàn đến chuyện lập dự án giải tỏa để mở rộng đường giao thông. Chúng tôi cũng đã có văn bản hỏi ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Giao thông vận tải. Nhưng dự án này cũng không làm được vì trách nhiệm quản lý đường giao thông thuộc về Sở Giao thông vận tải, ngoài ra cũng không có cơ chế, không xác định được nguồn vốn”, ông Thắng kể và cho rằng, vụ việc bắt đầu rơi vào bế tắc.
UBND huyện Quỳnh Lưu sau đó đành phải tính đến phương án trả lại đất mà UBND xã An Hòa đã thu hồi của ông Trần Bá Định.
“Về nguyên tắc thì người nào làm thì người đó phải chịu. Xã thu hồi sai thì phải trả lại. Trước đây, tôi cũng đề xuất hướng xử lý là đền tiền nhưng UBND xã An Hòa kêu khó, vì không có nguồn. Vì thế, mới tính đến hướng xử lý cuối cùng là phải trả lại khu đất đã thu hồi. Nhưng khi huyện xuống kiểm tra hồ sơ để trả lại đất thì có một số chi tiết chưa rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý. Nên UBND huyện đã có văn bản yêu cầu xã xác minh lại nguồn gốc thửa đất. Nhưng xã chậm xử lý, cứ trông chờ ở huyện”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.
Vẫn chưa thể dứt điểm
Sau nhiều văn bản đôn đốc của UBND huyện, ngày 16/10, UBND xã An Hòa đã có văn bản báo cáo kết quả xác minh nguồn gốc thửa đất này. Theo đó, UBND xã An Hòa xác nhận, năm 1996 đã giao cho ông Định thửa đất rộng 100m2, sau khi thu tiền 2 triệu đồng nộp vào ngân sách…
Về hướng xử lý trong trường hợp UBND xã An Hòa có báo cáo xác nhận thửa đất của ông Định có nguồn gốc hợp pháp, ông Nguyễn Đình Thắng cho hay, huyện đang yêu cầu UBND xã tiến hành giải quyết 2 vấn đề. Đó là chuyện xác định giá trị tài sản của ông Định đã bị tháo dỡ. UBND xã An Hòa phải thỏa thuận với ông Định để bồi thường. Nếu không thỏa thuận được, huyện sẽ hướng dẫn ông Định khiếu kiện ra tòa.
“Vấn đề thứ hai là phải xác định rõ, việc mở rộng trường mầm non trước đây có ảnh hưởng đến thửa đất của ông Định không. Tức là 100m2 đất của ông Định hiện nằm bên trong khuôn viên trường mầm non hay bên ngoài bờ rào. Nếu nằm ngoài bờ rào thì khôi phục, cắm lại mốc để trả lại cho ông Định. Nếu nằm trong khuôn viên trường học rồi, không thể giải tỏa để trả lại cho ông Định được nữa thì phải báo cáo xin UBND tỉnh cho cơ chế để bồi thường Nhà nước bằng tiền”, ông Thắng nói.
Trước đó, như Báo Nghệ An đã nhiều bài phản ánh, do bố mẹ chia tay và lập gia đình mới nên ông Trần Bá Định (55 tuổi), phải sống với ông bà ngoại từ khi mới chào đời. Năm 1996, rời quân ngũ về quê, ông bà ngoại đã mất, không còn nơi nương tựa, ông Định bỏ 2 triệu đồng mua thửa đất rộng 100m2 của UBND xã An Hòa để sinh sống cũng như hành nghề cắt tóc. Không lâu sau, vì công việc gặp khó khăn, ông Định vào miền Nam làm thuê, giao nhà và đất cho người anh em họ là ông Võ Ngọc Hùng trông coi. Năm 2017, UBND xã An Hòa không thông báo cho ông Định nhưng vẫn yêu cầu ông Hùng phá dỡ nhà, thu hồi đất để mở rộng khuôn viên trường mầm non. Thời điểm đó, giữa ông Hùng và UBND xã có biên bản thỏa thuận “đổi đất sang vị trí khác”.
Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương không cấp đất theo thỏa thuận. Năm 2019, trở về quê sau nhiều năm, ông Định mới sững người vì nhà không còn, đất cũng bị giải tỏa. Kể từ đó đến nay, ông viết hàng chục lá đơn khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết.