Lời biện minh của người đàn bà hai lần phạm tội... bán người

Trần Vũ - Đặng Nguyễn 27/02/2023 16:07

(Baonghean.vn) - Chấp hành xong hình phạt tù về tội “Mua bán người” chưa lâu, Đậu Thị Hoan tiếp tục được xác định liên quan đến một vụ mua bán người khác. Biện minh cho hành vi của mình, bị cáo cho rằng, ngoài vì tiền, còn do mình là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế.

Hai lần bán người

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo Đậu Thị Hoan (SN 1971), Moong Văn Thạch (SN 1977), cùng trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn và Lộc Thị May (SN 1975), trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn về tội “Mua bán người”. Nạn nhân trong vụ án là chị Ô.T.H. (SN 1992), trú xã Chiêu Lưu, là em họ của Thạch.

Trong các bị cáo thì đây là lần thứ 2 Đậu Thị Hoan hầu tòa vì hành vi mua bán người. Trước đó, Hoan là bị cáo trong một vụ án mua, bán người khác và bị tòa kết án 4 năm tù vào năm 2015. Người đàn bà này cho hay, trong thời gian đi thi hành án tại trại giam ở tỉnh Quảng Bình thì người chồng không hôn thú đã bán luôn căn nhà của cả hai. Điều khiến Hoan đau buồn hơn là người chồng đó cũng dứt tình cảm rồi chung sống với người phụ nữ khác.

3 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ

Ngày ra tù, Hoan trắng tay khi mất nhà và mất luôn cả chồng. Do đó, thiếu phụ này phải sống nhờ nhà của người thân. Từng một lần sống cảnh “cơm tù áo số” nhưng người đàn bà này vẫn không chịu chí thú làm ăn. Thay vào đó, Hoan lại dính vào ma túy và bị tòa kết án 15 tháng tù vào tháng 7/2022 về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Cùng thời gian này, Đậu Thị Hoan được cơ quan chức năng xác định có liên quan đến vụ án mua, bán người khác. Vụ án mà Hoan và 2 đồng phạm đưa 1 cô gái sang Trung Quốc xảy ra vào năm 2010. Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng tháng 7/2010, Hoan hỏi May về việc đưa người sang Trung Quốc lấy chồng. May khẳng định có thể đưa được và hứa chia đôi tiền nếu tìm được người. Hám lợi, Hoan gặp Moong Văn Thạch bàn chuyện tìm người đi Trung Quốc lấy chồng.

Lúc này, Thạch liền nghĩ đến cô em họ vừa tròn 20 tuổi tên là Ô.T.H. Thạch tìm gặp em họ, lừa đi làm công ty ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, vì biết anh họ không quen biết ai ở tỉnh này nên lúc đầu chị H. không đồng ý. Sau đó, Thạch dẫn Hoan đến thuyết phục và lần này chị H. đồng ý. Không lâu sau, Hoan đã bàn giao chị H. cho Lộc Thị May và nhận trước 1 triệu đồng tiền công.

Sau khi đưa chị H. sang Trung Quốc, May đã bán cô gái ấy cho người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ với giá 3 vạn Nhân dân tệ, đổi được 90 triệu đồng. Trong vụ án này, May hưởng lợi 29 triệu đồng, Hoan hưởng lợi 31 triệu đồng, Thạch bỏ túi 10 triệu đồng. 20 triệu đồng còn lại, Thạch đưa cho bố mẹ chị H.

Hành vi mua bán người của các đối tượng chỉ bị bại lộ khi chị H. bỏ trốn về nước và làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Biết hành vi bán người bị bại lộ Moong Văn Thạch ra đầu thú, còn Hoan và May bị công an bắt giữ.

Trả giá

Tại phiên tòa, bị cáo Hoan thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Hoan khai vì tiền nên đã cấu kết với các đồng phạm lừa bán chị H. sang Trung Quốc. Nữ bị cáo trình bày hoàn cảnh khó khăn, hiện không có tài sản, không có nhà cửa để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. “Bị cáo biết mình sai rồi, bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, xin tòa cho bị cáo cơ hội sửa sai để sớm về với các con”, bị cáo Hoan trình bày trước tòa.

Trải qua nhiều lần lầm lỡ, Hoan chia sẻ bản thân đã đánh mất tất cả vì lòng tham. Không tài sản, không nhà cửa, chồng đã bỏ đi nên quá trình bị tạm giam nữ bị cáo chia sẻ không có ai đến thăm nuôi. Hai đứa con của bị cáo vì đi làm ăn xa nên cũng không thể thăm nuôi mẹ. Nữ bị cáo tỏ ra buồn rầu vì cái giá mình phải trả là quá đắt.

Bị cáo Đậu Thị Hoan. Ảnh: Trần Vũ

Hai đồng phạm trong vụ án cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thạch khai nhận giữa mình và bị hại có mối quan hệ họ hàng. Dù vậy, vì tiền nên đã lừa, dụ dỗ nạn nhân sang Trung Quốc.

Đến tham dự tòa, bị hại đã kể lại cuộc sống khổ cực nơi xứ người. Bị hại trình bày vì các bị cáo lừa đi làm công ty nên mới đồng ý. Chỉ khi sang Trung Quốc bị hại mới biết mình đã bị lừa. Phải sống khổ cực nơi xứ người gần 10 năm, nhưng tại phiên tòa bị cáo đã có lời xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm hại đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân. Bản thân các bị cáo là người khỏe mạnh bình thường, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ việc làm của mình là sai trái, nhưng vì vụ lợi cá nhân mà coi thường pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần có mức án nghiêm minh để có tính răn đe và phòng ngừa chung.

Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo, tòa tuyên phạt Đậu Thị Hoan 6 năm tù, tổng hợp hình phạt 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” buộc bị cáo Hoan phải chịu tổng mức án chung là 7 năm 3 tháng. Trong khi đó, bị cáo Lộc Thị May 5 lĩnh án 5 năm tù, Moong Văn Thạch 4 năm tù về tội “Mua bán người”.

Chị Ô.T.H. bị hại trong vụ án mua bán người. Ảnh: Trần Vũ

Thời gian qua, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm tội phạm này chủ yếu là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Chúng dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm lương cao, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn, đồng thời có tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin, tự nguyện đi theo.

Ngoài ra, có một số đối tượng dùng thủ đoạn tìm đến các gia đình có phụ nữ ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang mang thai, hoặc lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ số phụ nữ đang mang thai nhưng không muốn nuôi con ở các địa phương, đưa sang Trung Quốc sinh con, rồi bán sang nước ngoài.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh đẩy mạnh công tác điều tra, các cơ quan liên quan chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình trong phòng, chống mua, bán người. Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng, chống loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cùng với công tác phòng, chống tội phạm thì hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi, đặc biệt là đối với phụ nữ được xác định là một trong những giải pháp bền vững để ngăn chặn tội phạm mua, bán người.

Mới nhất
x
Lời biện minh của người đàn bà hai lần phạm tội... bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO