Lợn thịt tăng giá mạnh, phải chăng do doanh nghiệp 'thổi' giá?
(Baonghean.vn) - Tổng đàn lợn hiện có của Nghệ An giảm không đáng kể so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Phải chăng giá lợn thịt tăng mạnh trong những tháng qua là do doanh nghiệp găm hàng, 'thổi' giá?
Doanh nghiệp vẫn tái đàn mạnh
Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến giá lợn thịt trong những tháng qua tăng đột biến, từ 30.000 đồng nhảy lên 85.000 đồng/kg. Theo nhận định của các nhà chuyên gia, nhiều nguyên nhân dẫn đến giá lợn tăng mạnh, trong đó có nguyên nhân găm hàng, "thổi" giá.
Hiện trên địa bàn Nghệ An còn nhiều trang trại duy trì được đàn lớn với số lượng lớn. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, trên địa bàn Nghệ An có khoảng hơn 900 nghìn con lợn. Sau 7 tháng xảy ra dịch, Nghệ An tiêu hủy gần 94 nghìn con lợn, chiếm khoảng 10% tổng đàn. Nhưng tổng trọng lượng tiêu hủy 4.735.727 kg, chỉ chiếm 3,62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Đến ngày 27/12, trên địa bàn Nghệ An đã có 80% số xã của 366 xã hết dịch, hiện còn 70 xã chưa qua 30 ngày dịch, trong đó chủ yếu đã qua 15 - 20 ngày dịch.
Nói về tái đàn sau dịch, ông Đặng Văn Minh cho rằng, số lợn bị nhiễm dịch của Nghệ An trong thời gian qua chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số gia trại. Theo quy định, đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và gia trại, nếu chưa đáp ứng đủ các yếu tố phòng dịch thì không được tái đàn. Do vậy, việc tái đàn sau dịch chủ yếu là các trang trại chăn nuôi lớn và doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp và trang trại lớn trên địa bàn tỉnh là nguồn cung lợn thịt chủ yếu hiện nay và trong dịp Tết sắp tới.
Giá lợn thịt tăng vọt trong những tháng qua. Ảnh tư liệu: Quang An |
Sử dụng thịt đông lạnh để chống "thổi" giá
Ông Doãn Trí Tuệ - Nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Số lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư. Hiện nay bà con chưa được tái đàn. Do vậy, nhân cơ hội này các doanh nghiệp chăn nuôi lợn găm hàng, thổi giá. Vì thế giá lợn thịt trên thị trường trong những tháng qua tăng vọt.
Theo ông Doãn Trí Tuệ, một trong những giải pháp chống "thổi" giá là người tiêu dùng sử dụng thịt lợn đông lạnh. Hiện nay, thịt lợn đông lạnh được nhập về khá nhiều và vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
Trước tình hình giá thịt lợn tăng, nhiều người dân bắt đầu chuyển sang ăn thịt lợn đông lạnh. Ảnh: Thanh Phúc |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, doanh nghiệp hạt nhân không chỉ cung ứng những sản phẩm con giống, thức ăn tốt nhất mà phải còn làm chủ dẫn dắt về mặt thị trường theo phương án của thị trường. Theo đó, đừng đưa lên cái giá quá cao là "gậy ông đập lưng ông". Bởi nếu giá cao quá, người tiêu dùng sẽ lựa chọn thực phẩm khác. Đồng thời, khi giá quá cao thì hàng hóa nơi khác tràn vào, lúc đó chúng ta đánh mất thị trường ngay chính trên sân nhà.
Riêng về nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán và những tháng sau Tết, Bộ trưởng Cường cho biết đang có dấu hiệu rất tích cực. Các địa phương tập trung tái đàn, đa dạng nguồn thực phẩm như gia cầm, đại gia súc, thủy sản,... lượng hàng cung cấp từ nay đến Tết đang gia tăng. Hơn nữa, bà con đã rút kinh nghiệm qua đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa rồi nên khâu vệ sinh an toàn rất nghiêm ngặt, đặc biệt là việc xử lý môi trường. Điều đó chứng tỏ bà con đã nâng cao nhận thức nên tới đây việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, giảm bớt nguy cơ thiếu hụt thịt lợn dịp cuối năm.