Mải không kích Syria, Chính phủ Mỹ quên mình sắp cạn tiền?

11/04/2017 08:53

Vụ bất ngờ không kích Syria đã khiến Chính phủ Mỹ trở thành tâm điểm của thế giới mà quên đi nguy cơ có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào.

Lưỡng đảng Mỹ quyết tâm để Nhà Trắng “sáng đèn”

Theo Washington Post, trái với thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi vấn đề ngân sách cho Chính phủ luôn được hai đảng “nâng lên đặt xuống” và Nhà Trắng đã từng phải đóng cửa thì dưới thời của ông Trump, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có nghị sĩ nào tuyên bố sẽ khiến Nhà Trắng phải “tắt đèn”.

mai khong kich syria chinh phu my quen minh sap can tien hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ được ký thông qua dự luật ngân sách mới do Quốc hội đệ trình nhưng sẽ phải chấp thuận nhượng bộ nhiều vấn đề then chốt để đảm bảo Nhà Trắng tiếp tục được "sáng đèn" cho đến tháng 9/2017 và cả năm tài khóa 2018. Ảnh: Reuters

Thậm chí, thay vì lao vào tranh cãi với nhau gay gắt khiến vấn đề ngân sách dành cho Chính phủ Mỹ đi vào ngõ cụt như trước đây, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nỗ lực để tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Các quan chức của cả 2 đảng đều lên tiếng khẳng định đang tiến hành đối thoại với nhau đề tìm ra các biện pháp hỗ trợ về tài chính cho Chính phủ Mỹ trong khi vẫn tránh được việc phải chi tiền cho ông Trump để thực hiện cam kết xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico vốn rất tốn kém.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã bày tỏ lạc quan về khả năng Quốc hội Mỹ sẽ cấp tiền cho Chính phủ hoạt động ít nhất là cho đến tháng 9/2017.

Tuy nhiên, theo ông Mitch McConnell, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2018 để đảm bảo hoạt động của Chính phủ Mỹ trong những tháng tiếp theo.

“Không có một dự luật ngân sách nào có thể được thông qua chỉ với sự ủng hộ của một đảng”, ông Mitch McConnell nói: “Tất cả các dự luật này sẽ chỉ được thông qua theo cơ chế hợp tác lưỡng đảng. Lãnh đạo Đảng Dân chủ có thể có quan điểm riêng của mình như tôi tin rằng, ông ấy sẽ nhìn nhận sự việc giống như chúng tôi”.

Đảng Cộng hòa tiếp tục phải cầu viện Đảng Dân chủ?

Việc cả hai đảng đều quyết tâm “giải cứu” Chính phủ Mỹ cho thấy một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa kể từ sau khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa hồi năm 2013 sau những tranh cãi bất tận giữa các nghị sĩ của hai đảng.

Tại thời điểm đó, các nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa đã nhiều lần lên tiếng đòi cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu cũng như đòi đóng cửa Chính phủ Mỹ. Thậm chí, những người này khẳng định sẵn sàng để Mỹ vỡ nợ.

Điều này buộc Chủ tịch Hạ viện Mỹ phải “xuống nước” cầu viện Đảng Dân chủ ủng hộ việc bỏ phiến nâng trần nợ công liên bang và cấp thêm tiền để Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục hoạt động.

Rút kinh nghiệm, lần này, giới chức Đảng Cộng hòa đã chủ động “đặt vấn đề” ngay từ đầu với Đảng Dân chủ để tránh những tranh cãi không đáng có về dự luật ngân sách mới.

Tuy nhiên, cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều bày tỏ lo ngại rằng, việc thông qua một dự luật ngân sách đủ khả năng đáp ứng những mục tiêu đầy tham vọng của ông Trump như tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico sẽ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.

Dù không rõ Đảng Dân chủ sẽ ủng hộ dự luật ngân sách do Đảng Cộng hòa đề xuất đến mức độ nào, ông Mitch McConnell vẫn cho rằng, Đảng Dân chủ hoàn toàn hiểu rõ vai trò của mình đối với dự luật lần này.

“Tôi nhận thấy rằng, sẽ chẳng có phe nào được lợi trong việc Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa lần nữa vào tháng 9. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này tôi vẫn chưa thể tiết lộ với các bạn về việc chúng tôi sẽ đạt được mục đích này như thế nào”, ông Mitch McConnell tuyên bố.

Mọi quân bài vẫn nằm trong tay ông Trump

Trước đó, Chủ tịch phe thiểu số Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng cam kết sẽ hợp tác tốt với Đảng Cộng hòa để có thể nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách cho Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, bà Pelosi nhấn mạnh, “số phận” của dự luật này “hoàn toàn nằm trong tay ông Trump”.

Theo bà Pelosi, ông Trump rất có thể sẽ từ chối ký phê chuẩn dự luật ngân sách mà hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua và đệ trình lên nếu như dự luật này không kèm theo số tiền mà ông cần chi để xây bức tường dọc biên giới Mexico-Mỹ như ông từng cam kết trong thời gian tranh cử Tổng thống.

“Các nghị sĩ hiểu rõ họ có thể thông qua dự luật như thế nào nhưng có lẽ các quan chức Nhà Trắng lại không được như vậy. Điều này có thể dẫn đến việc bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội trong vấn đề ngân sách thậm chí còn lớn hơn bất đồng giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong vấn đề này”, bà Pelosi nói.

Chính vì thế, nếu có thể thông qua dự luật ngân sách để Chính phủ Mỹ có thể hoạt động đến hết tháng 9 tới, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại phải “căng đầu” ra suy nghĩ để có thể đáp ứng những yêu cầu về ngân sách “ngày một phình ra” của ông Trump sau thời điểm đó.

Rất nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích dữ dội kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của ông Trump thêm 54 tỷ USD bởi số tiền tăng thêm này sẽ được lấy trực tiếp từ tiền cắt giảm ngân sách của các cơ quan khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trưởng, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mark Sanford nhận định, những yêu cầu về ngân sách của ông Trump đã đẩy Đảng Cộng hòa vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Trump từng hứa với các cử tri rằng, sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong khi vẫn kiểm soát chi tiêu công mà không cần phải cắt giảm các chương trình chăm sóc và hỗ trợ người già và người nghèo tại Mỹ. Cam kết này theo nhiều nghị sĩ Mỹ là “không thể thực hiện được ít nhất là về mặt con số”.

“Chúng tôi đang tự đẩy mình vào bẫy. Khi quay trở về bang nhà [các nghị sĩ Mỹ sắp nghỉ làm việc trong vòng 2 tuần-ND], các nghị sĩ Mỹ có thể chứng kiến cảnh Thị trưởng North Charleston tuyên bố, chúng ta không thể cắt giảm khoản tiền này được”, ông Sanford nói: “Đừng quên rằng, ông ấy là người ủng hộ ông Trump rất nhiệt tình”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mải không kích Syria, Chính phủ Mỹ quên mình sắp cạn tiền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO