Mâu thuẫn Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát: "Chảo lửa" Trung Đông thêm "nóng"
(Baonghean) - “Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Iraq” là cụm từ mà Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dùng để miêu tả về động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đưa hơn 100 binh sỹ vào lãnh thổ của nước này. Giới chức Iraq còn yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng al-Abadi không kích vào lực lượng này của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nguy cơ đối đầu khu vực” là cụm từ mà một số chuyên gia phân tích miêu tả về tình hình hiện nay ở khu vực Trung Đông sau khi mâu thuẫn Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên rơi vào trạng thái căng thẳng.
Khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: BBC |
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương triển khai quân đến Mosul khi chưa được sự cho phép của Chính phủ Iraq khiến tình hình thêm phức tạp, trong khi những căng thẳng liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga vẫn chưa lắng xuống. Ngay cả Liên đoàn Arab cũng vừa lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới miền Bắc Iraq và cho rằng, điều này chẳng khác nào “một cuộc can thiệp”.
Ngày 2/12, Thủ tướng Iraq al-Abadi đã thẳng thừng tuyên bố nước này không cần lực lượng bộ binh của nước ngoài để chống lại IS. Iraq yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút "ngay lập tức" các lực lượng, gồm xe tăng và pháo binh ra khỏi khu vực miền Bắc nước này do việc triển khai quân chưa có sự cho phép của Iraq.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Ảnh AFP). |
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq, Hakim al-Zamili còn tuyên bố Ankara đã “xâm lược trắng trợn một quốc gia có chủ quyền”, đồng thời yêu cầu chính phủ phải có hành động quân sự đáp trả. Chính phủ Iraq đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến để thể hiện thái độ phản đối, còn Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Iraq và Thổ Nhỹ Kỳ đều là đồng minh của Mỹ, song lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Về tôn giáo, cầm quyền ở Iraq đang là chính phủ của người Hồi giáo dòng Shiite, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại là quốc gia của người Hồi giáo dòng Sunni. Về sắc tộc và chính trị, Ankara đối địch với người Kurd trong nước và ở Syria, nhưng có mối quan hệ tốt với người Kurd ở Iraq. Đổi lại, chính quyền Iraq lại xem lực lượng người Kurd ở phía Bắc là lực lượng “khó bảo”.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, người Kurd ở miền Bắc Iraq lâu nay vẫn sống trong quyền tự trị cao độ và gần như độc lập với Chính phủ Trung ương ở Baghdad. Không những thế, những tay súng người Kurd này và hơn 1200 tay súng người Sunni ở miền Bắc Iraq có tư tưởng chống đối chính quyền lại được chính Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện.
Các nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới Iraq trên danh nghĩa huấn luyện quân sự cho dân quân người Kurd "chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng" ở Mosul nhưng thực chất là nhằm gây chia rẽ, bất ổn ở Iraq, nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông. Ngoài ra, hành động này cũng được xem như là thông điệp gửi tới Nga, nước đang có những bất đồng sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Iraq, nước này lo ngại vì động thái của Thổ Nhỹ Kỳ có nguy cơ tách hẳn sự kiểm soát của Chính phủ Trung ương đối với lãnh thổ của người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai đến khu vực Bashiqa ở TP Mosul - Iraq . Ảnh: Hurriyet daily news. |
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili lý giải: Trong trường hợp các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu rút khỏi khu vực và quân đội Iraq không có phản ứng gì, điều này sẽ mở đường cho các lực lượng nước ngoài khác như Mỹ, Saudi Arabia, Qatar và các quốc gia Hồi giáo khác có các động thái tương tự.
Trong khi cuộc đối đầu Nga - Thổ vẫn chưa hạ nhiệt sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga, ông Hakim al-Zamili, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq úp mở đe dọa nhờ tới sự "can thiệp quân sự trực tiếp" của Nga đang khiến dư luận lo ngại. Các nhà phân tích đánh giá, hành động đưa quân vào Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS vốn đang có sự hiện diện của nhiều quốc gia khác biệt về quan điểm, lập trường. Ngoài ra, nếu việc này khiến Iraq ngả hẳn theo phía Nga và Iran, thậm chí có thể nhờ Nga can thiệp để tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Iraq thì nguy cơ về một cuộc xung đột và đối đầu nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, chảo lửa Trung Đông sẽ khó có thể dập tắt./.
Nguyễn Cao Biền