Mọi sự hư hỏng của cán bộ đều có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức
Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, mọi sai lầm, khuyết điểm, mọi sự hư hỏng của cán bộ đều có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề đạo đức. Thực tế này cũng phản ánh vấn đề suy thoái đạo đức trong Đảng, trong xã hội cần được tiếp tục ngăn chặn.
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với 1 Ủy viên Trung ương và thống nhất để 3 nhân sự khác thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Các quyết định này đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh của kỷ luật Đảng.
Trước đó, báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp 22 (tháng 8/2022) cho biết, 6 tháng đầu năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
GS.TS. Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, từ việc nhiều cán bộ bị kỷ luật thời gian qua cần rút ra nhiều bài học, trong đó có việc siết chặt công tác giáo dục nhận thức gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
GS Hoàng Chí Bảo. |
PV: Ông có suy nghĩ như thế nào về con số cán bộ cấp cao bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Ở Hội nghị Trung ương 6, điều dư luận trong Đảng và ngoài xã hội đặc biệt quan tâm đó là bài phát biểu của Tổng Bí thư và thông báo về tổ chức, cán bộ. Có Ủy viên Trung ương đương nhiệm giữ trọng trách lớn của một tỉnh đã bị khai trừ khỏi Đảng, thậm chí có người còn bị xử lý hình sự, và cho đến nay, 7 Ủy viên Trung ương đương nhiệm, từ các bí thư tỉnh ủy đến các trọng trách lãnh đạo các cơ quan thuộc diện quản lý của Trung ương đã bị kỷ luật, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương.
Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta phải thấy đây là một điểm nhức nhối về vấn đề cán bộ, bên cạnh những nhân tố tích cực, tiến bộ thì vẫn còn nhiều người có trọng trách, thẩm quyền nhưng mắc khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng, thậm chí đưa ra xét xử hình sự.
Thực tế này cho thấy cuộc đấu tranh trong Đảng, trong xã hội, giữa cái tốt và cái xấu, giữa mặt tích cực và mặt suy thoái, biến chất vẫn còn gay gắt, căng thẳng. Nó cũng bộc lộ rõ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, đặc biệt là đạo đức của một số cán bộ. Xin nhấn mạnh rằng, mọi sai lầm, khuyết điểm, mọi sự hư hỏng của cán bộ đều có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề đạo đức. Thực tế này cũng phản ánh vấn đề suy thoái đạo đức trong Đảng, trong xã hội cần được tiếp tục ngăn chặn.
Từ việc kỷ luật cán bộ thời gian qua cũng phản ánh sự quyết liệt, nhất quán của Đảng ta là kiên quyết xử lý sai phạm để giữ cho được lòng tin của nhân dân, giữ cho được bản chất trong sạch của chế độ.
Những thông tin kỷ luật cán bộ như vậy cho chúng ta thấy rõ Đảng vẫn quyết tâm đi theo con đường xây dựng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, mà lúc này, chỉnh đốn tổ chức, chỉnh đốn cán bộ, chỉnh đốn tư tưởng, hành động là điều hết sức quan trọng. Điều đó nói lên sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đơn giản, gặp nhiều khó khăn, trở ngại, càng phải quyết liệt để đưa sự nghiệp này đến đích cuối cùng là Đảng thật trong sạch, vững mạnh để xứng đáng là Đảng lãnh đạo cầm quyền.
PV: Từ việc kỷ luật cán bộ thời gian qua cũng rút ra nhiều bài học thấm thía, thưa ông?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Qua đây chúng ta cũng rút ra nhiều bài học. Bài học thứ nhất là về bản lĩnh chính trị. Trong điều kiện phát triển phức tạp, khó khăn như thế này mà không giữ vững bản lĩnh chính trị thì rất dễ nghiêng ngả, trong đó có cả niềm tin.
Bài học thứ hai là thường xuyên rèn luyện đạo đức. Bác Hồ đã nói: Đức là gốc, là hàng đầu, sau đó mới đến cần, kiệm, liêm, chính. Tất cả những trường hợp bị kỷ luật vừa rồi đều rơi vào những vi phạm về đạo đức, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, nhất là những vụ tham nhũng, tiêu cực vừa qua.
Chúng ta phải siết chặt công tác giáo dục gắn với kiểm tra. Giáo dục nhận thức, nêu những tấm gương tiến bộ để thúc đẩy cũng rất quan trọng, nhưng chưa đủ, cái chính yếu là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để những người nào đã trót có “vết” thì phải biết hối hận, tự sửa chữa. Tuy nhiên, có những trường hợp quá muộn, không còn cơ hội sửa chữa thì buộc kỷ luật mức cao nhất.
Chưa kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ
PV: Từ các vụ việc cán bộ mắc vi phạm thời gian qua cũng cho thấy công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ… thưa ông?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Những hạn chế, khiếm khuyết về kiểm soát quyền lực trong tổ chức bộ máy và trong từng con người là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến những vi phạm, hư hỏng như vừa qua. Nhưng theo tôi, cùng với nguyên nhân đó còn có một loạt nguyên nhân khác cần phải nhận diện, trong đó có tình trạng suy thoái về đạo đức. Con người không có đạo đức, không gương mẫu, nhất là không nói đi đôi với làm sẽ khiến họ trượt dài trong suy thoái đạo đức. Đó cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng hư hỏng của cán bộ như vừa qua.
Tại sao trong những bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư đều nhắc tới việc giáo dục sự liêm sỉ, giáo dục danh dự, biết sợ hãi khi mình và những người liên quan làm điều bất minh, bất chính. Khi con người đã không có lòng tự trọng, không có sự liêm sỉ trong mỗi hành động thì dù có kiểm soát đến mấy thì họ cũng có thể mắc vi phạm, tự hư hỏng và rơi vào suy thoái, biến chất.
Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặc biệt chú trọng vấn đề phẩm chất đạo đức thì mới có một đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, nhất là có được cái nhìn thiện cảm, ủng hộ, tin cậy từ quần chúng nhân dân.
PV: Trở lại quyết tâm chính trị rất cao “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Theo ông, với nhiều quy định, kết luận của Đảng cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật thời gian qua, liệu “lồng cơ chế” này đã đủ để kiểm soát quyền lực của cán bộ?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Nói đến thể chế là nói đến khuôn khổ của luật pháp, nhất là Đảng ta đang bàn thảo về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới thì vấn đề pháp luật là rất quan trọng.
Pháp luật là tối thượng, trong Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật và dùng pháp luật để tự kiểm tra, kiểm soát. Người nào vượt khỏi hành lang pháp luật là mắc sai phạm, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ thế nào pháp luật sẽ trừng trị, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai.
Trở lại với câu nói của Bác: Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất chính, bất kể người đó là ai, làm cương vị gì. Do đó, phải kiểm soát quyền lực, thực hiện cho được việc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là cần thiết và đúng đắn.
Muốn vậy, làm sao đồng bộ hóa tất cả đạo luật, tức là có hệ thống đạo luật đủ và mạnh để thực thi, mà gốc là Hiến pháp, trong Đảng là điều lệ, kèm theo đó là hệ thống các chế tài, biện pháp mạnh, xử lý nghiêm khắc, không thể nương nhẹ. Chưa kể việc phải phát động dư luận xã hội mạnh mẽ tạo sự đồng thuận trong tiếng nói phê phán thì mới dẫn đến áp lực cho những sai trái, bất minh phải giảm đi.
Dùng những nguyên tắc của Đảng và vận dụng sức mạnh, hiệu lực của luật pháp để giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm soát đội ngũ có trọng trách. Gắn liền với đó là tăng cường thực hành dân chủ trong xã hội để ngăn chặn tiêu cực, sai phạm.
PV: Xin cảm ơn ông./.