Mỹ dùng chiêu 'Tiêm vắc-xin trúng triệu đô' khuyến khích người dân tiêm chủng
Nhiều tiểu bang ở Mỹ đang tạo ra những ưu đãi hấp dẫn, kể cả việc trao thưởng rất nhiều tiền, để khuyến khích thêm nhiều người dân đi tiêm vắc-xin Covid-19.
Kể từ khi chính quyền bang Ohio (Mỹ) tuyên bố rầm rộ những ai đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19 sẽ đủ điều kiện giành được số tiền lên tới 1 triệu USD, Jack Pepper đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kinh ngạc tại phòng tiêm chủng vốn đang rất đìu hiu của mình.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, dòng người xếp hàng xuất hiện trước cửa phòng tiêm chủng. Các nhân viên, vốn đang mải lên kế hoạch thanh lý nốt số vắc-xin dư thừa, đột nhiên được dịp hoạt động hết công suất trở lại.
Ông Pepper, quản lý bộ phận y tế ở hạt Athens phía đông nam Ohio - dân số khoảng 65.000 người, cho biết: “Tôi nghĩ chúng tôi đã tiếp những 400 người chỉ trong vòng 4 giờ. Bất cứ nơi nào tôi đến, mọi người đều nói đùa với tôi rằng: "Này, khi nào tôi sẽ có được 1 triệu USD?".
Những lời bàn ra tán vào lên tới đỉnh điểm khi chiến dịch “xổ số vắc-xin” tại Ohio, được biết đến với tên gọi “Vax-a-Million”, hôm 26/5 đã công bố người chiến thắng đầu tiên trên truyền hình là Abbigail Bugenske, sống ở thành phố Silverton, với số tiền thưởng 1 triệu USD.
Bang Maryland trao giải xổ số lên tới 2 triệu USD cho bất kỳ ai đã tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: WUSA9 |
Theo Thời báo New York, đây chỉ là một trong vô vàn cơ hội đầu tiên để người Mỹ giành được số tiền lớn từ việc tiêm vắc-xin Covid-19.
Trong tuần này, các bang Colorado và Oregon đã lần lượt công bố giải độc đắc trị giá 1 triệu USD đối với bất kỳ ai đã đăng ký tiêm phòng. Những nơi khác thì lại vận dụng những cách thức sáng tạo và đơn giản hơn, như uống bia miễn phí ở hạt Erie, New York, hay ăn tối cùng Thống đốc ở bang New Jersey.
Tất cả những điều này đều nhằm mục đích thu hút 40% người lớn và thanh thiếu niên còn chưa tiêm vắc-xin Covid-19 ở Mỹ đi tiêm chủng, dù tính hiệu quả của chúng vẫn gây ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa các chính trị gia, nhà kinh tế và các giới chức y tế.
Theo dữ liệu của Ohio, trong những ngày sau khi công bố chương trình Vax-a-Million, số người đi tiêm chủng ở tiểu bang này đã tăng trung bình từ 15.000 lên đến 26.000 người mỗi ngày. Sự gia tăng trên được các chuyên gia mô tả là rất có ý nghĩa, trong bối cảnh nhu cầu tiêm vắc-xin Covid-19 đang suy giảm trên toàn nước Mỹ.
Với việc chỉ trong vòng 5 tuần đã có 5 cư dân thắng giải 1 triệu USD, chương trình này đã thực sự tạo được tiếng vang. Ngay cả Andy Slavitt, một trong những cố vấn hàng đầu về virus corona của Tổng thống Joe Biden, hôm 25/5 cũng nói rằng Thống đốc Ohio Mike DeWine “đã mở khóa được điều bí mật”.
Thế nhưng, không phải ai cũng bị thuyết phục trước sáng kiến này.
Một số nhà lập pháp Mỹ cho rằng đây chỉ là "mánh lới quảng cáo" và một "trò đóng thế" cho việc sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của chính phủ. Việc đưa cả thiếu niên từ 12 đến 17 vào đối tượng trúng giải, đồng thời cấp học bổng toàn phần bằng tiền ngân sách liên bang cho bất bất kỳ trường đại học nào mà các đối tượng ở Ohio mà các đối tượng trên nhập học, là một hành vi bị xử phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Bên cạnh đó, 1 triệu USD vẫn bị xem là quá ít để thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc tiêm phòng.
Điểm tiêm chủng tại Manhattan, New York phân phát vé số trị giá 5 USD cho những đối tượng tiêm chủng Covid-19. Ảnh: Pacific Press |
Tại Columbus, thành phố lớn nhất bang Ohio, giới chức y tế ở đây cho biết không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào, mà ngược lại họ còn phải chứng kiến nhu cầu tiêm chủng giảm xuống kể từ tháng 4. Vào thời điểm hiện tại, thành phố mới chỉ phân phối trung bình 5.000 liều vắc-xin Covid-19 mỗi tuần.
Thậm chí, theo bác sĩ Mysheika W. Roberts Roberts, Ủy viên Sở y tế Columbus, một số người đã lưỡng lự đối với chương trình “vắc-xin triệu đô”. “Họ nói rằng Vax-a-Million khiến họ cảm thấy áp lực, và tại sao chính quyền bang lại phải cố gắng dùng tiền để dụ dỗ họ đi tiêm vắc-xin?”, bác sĩ Roberts cho hay.
Ở hạt Holmes, nơi sinh sống của đông đảo người Amish, tỷ lệ tiêm chủng ở đây vẫn ở mức dưới 15%. “Người dân sống ở đây thật sự còn khá bảo thủ”, Mike Derr, ủy viên Cơ quan y tế hạt Holmes, cho biết. “Ý tưởng về xổ số và cờ bạc thực sự không phải là thứ khiến mọi người hào hứng”.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ thành 2 nhóm người ủng hộ nhiệt tình hoặc cực lực phản đối tiêm vắc-xin Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng các phương thức xổ số chỉ có thể nhắm vào nhóm đối tượng thứ ba: những người còn lưỡng lự, hoặc có thể đã cân nhắc việc tiêm vắc-xin, nhưng không xem nó là ưu tiên hàng đầu.
Noel Brewer, giáo sư về hành vi sức khỏe tại Đại học Bắc Carolina, cho biết: “Các thủ thuật thay đổi hành vi hiệu quả nhất không nằm ở việc cố gắng thuyết phục hoặc thay đổi trải nghiệm xã hội của mọi người. Thay vào đó, chúng phải được xây dựng trên những thành ý sẵn có của mỗi người."
Một điểm tiêm vắc-xin Covid-19 lưu động ở thành phố Columbus, bang Ohio. Ảnh: New York Times |
Một số người khác, như nhà kinh tế học hành vi Uri Gneezy tại Đại học California, thì cho rằng dù 1 triệu USD là số tiền mang tính khích lệ lớn, nhưng việc trao quá nhiều tiền vào tay người dân có thể gây phản tác dụng.
“Tưởng tượng một trường y khoa đề nghị bạn mức giá 50 USD để ăn thử một loại kem mới, hay một ngôi trường sẵn sàng trả bạn 50.000 USD để vào học tại đây. Kiểu gì bạn cũng sẽ phải thốt lên: “Khoan đã, tôi đang vướng vào cái gì thế này?”, ông Gneezy lập luận. “Tương tự, một số tiền lớn như 1 triệu USD cũng thể vô tình gửi đi tín hiệu cho một số người rằng vắc-xin Covid-19 đang có vấn đề”.
Dù vậy, Thống đốc Ohio Mike DeWine vẫn bảo vệ ý tưởng về chương trình “xổ số vắc-xin”, và cho rằng điều này đang tạo ra một nguồn động lực mạnh mẽ ở thời điểm mà mọi mũi tiêm đều góp phần ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Trong một bài xã luận gửi đến Thời báo New York hôm 26/5, ông DeWine ước tính chiến dịch Vax-a-Million đã tạo ra hơn 23 triệu USD tiền quảng cáo miễn phí cho việc tiêm chủng, và đã thu hút cả những đối tượng trẻ tuổi, dân tộc thiểu số và dân nông thôn.
Garen Rhome, người đứng đầu cơ quan y tế ở hạt Harrison, Ohio, cho biết số lượng người tiêm chủng ở địa phương của ông đã tăng hơn 140% sau khi chương trình “xổ số vắc-xin” được công bố.
“Dù thế nào đi nữa, nó vẫn ảnh hưởng đến thời gian đưa ra quyết định tiêm chủng của nhiều người”, ông Rhome khẳng định.
“Nếu chúng ta có thể đưa thêm 1 triệu người đi tiêm chủng vào tháng 6, thay vì tháng 7, thì hãy để điều đó được xảy ra”.