Nga chờ đợi gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin-Donald Trump?

Gần 7 tháng sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo Nga - Mỹ dự kiến mới lần đầu tiên “chạm mặt” bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Quan hệ Nga - Mỹ có bớt sóng gió?

Theo Washington Post, quan hệ Nga - Mỹ kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã rơi từ chỗ “có thể nồng ấm” xuống “không thể tồi tệ hơn” sau khi Mỹ quyết định sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong cuộc nội chiến Syria.

nga cho doi gi tu cuoc gap thuong dinh vladimir putin donald trump hinh 1
Ảnh minh họa: Reuters.

Chính vì thế, trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, các chuyên gia cũng không mấy mong chờ quan hệ Nga - Mỹ có thể được cải thiện nhiều. “Có thể nói, mục tiêu hàng đầu của Nga và Mỹ hiện nay là tránh tối đa khả năng đối đầu tại Syria”, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nhận định.

Theo các chuyên gia, thay vì tập trung vào vấn đề Syria, nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gây sức ép để ông Donald Trump nhất trí với kế hoạch hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên do lãnh đạo Nga - Mỹ bảo trợ nhằm buộc Triều Tiên phải dừng chương trình tên lửa và hạt nhân của mình để đổi lấy việc Mỹ - Hàn dừng các cuộc tập trận quy mô lớn tại Hàn Quốc lại.

Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng cũng sẽ yêu cầu Mỹ trao trả cho Nga hai dinh thự của cơ quan ngoại giao Nga tại Mỹ bị Washington đóng cửa để đáp trả cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trước đó, ông Vladimir Putin đã quyết định không trả đũa hành động nói trên của Mỹ, tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn lên tiếng cảnh bảo rằng “sự nhẫn nại của Nga đang cạn dần”.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, giới chức Nga không hề kỳ vọng gì về khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hay Mỹ thay đổi quan điểm về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi để đổi lấy hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Điều này là bởi, ngay cả trong những thời điểm được coi là “nồng ấm nhất” trong quan hệ Nga - Mỹ sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, giới chức Nga đã không khỏi thất vọng khi các cố vấn của Tổng thống Donald Trump liên tục có những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Syria và Ukraine.

Tổng thống Nga có thể mang đến cho ông Donald Trump điều gì?

Giới quan sát tại Moscow tin rằng, ngay cả khi ông Donald Trump thực sự muốn cải thiện quan hệ với Nga để giải quyết những bất đồng liên quan đến tình hình Syria và Ukraine, những “rắc rối chính trị” mà Tổng thống Mỹ phải đối mặt ngay trên chính “sân nhà” cũng khiến ông không thể làm gì nhiều.

“Chủ đề Nga đã trở thành một chủ đề hết sức tế nhị đối với ông Donald Trump. Bất kỳ hành động hoặc lời nói nào của Tổng thống Mỹ đề cập đến Nga, dù tốt hay xấu, cũng sẽ bị lợi dụng để chống lại ông ấy”, ông Yuri Rogoulev, một chuyên gia về lịch sử Mỹ tại Đại học Quốc gia Moscow nhận định.

Bản thân điện Kremlin cũng tỏ ra “không mấy mặn mà” về triển vọng cuộc gặp sắp tới giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin. Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov tuyên bố: “Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 Tổng thống và chúng tôi hy vọng rằng hai bên có thể thiết lập được cơ chế trao đổi thực chất với nhau”.

Tuy nhiên, đó chính là điều mà các nhà lập pháp Nga hy vọng có thể tạo ra đột phá cho quan hệ Nga - Mỹ. Họ chờ đợi Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Donald Trump và chờ đợi Tổng thống Mỹ có thể được “tự do hơn” trong tương lai để có thể hợp tác chặt chẽ với Nga.

Các nhà lập pháp Nga coi đó là điều kiện tiên quyết có thể “xoay chiều” quan hệ Nga - Mỹ. Họ coi Tổng thống Donald Trump là “mục tiêu dễ dàng” mà Nga có thể nhằm đến. Chính vì thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ trở thành “người bạn tâm giao” của ông Donald Trump.

Một quan chức cao cấp của Nga cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin kỳ vọng sẽ có điều kiện trao đổi với ông Donald Trump về cuộc nội chiến tại Syria, tình hình Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố và nhiều vấn đề song phương khác.

“Ít nhất, đó là những nội dụng mà chúng tôi cho rằng phía Mỹ sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đối thoại giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giới chức Nga cũng cần phải tính cả đến việc ông Donald Trump “không chuẩn bị gì” cho các vấn đề nói trên. “Họ hiểu rằng, Tổng thống Donald Trump không phải là người quá chú trọng đến các chi tiết về chính trị và cho đến nay, ông cũng chưa đưa ra một chỉ dẫn cụ thể nào cho các trợ lý của ông về chính sách đối với Nga. Đây chính là “cánh cửa để ngỏ” để ông Vladimir Putin có thể tác động lên Tổng thống Mỹ Donald Trump”, một chuyên gia Nga nói.

Giới chức Nga hiện rất lo ngại về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump mà theo các quan chức Nga đánh giá là “bồng bột và nguy hiểm”. Các nhà phân tích quân sự của Nga thậm chí còn đề cập đến khả năng xảy ra chiến tranh ở vùng Viễn Đông của Nga hồi tháng 4 khi một tàu sân bay của Mỹ được cho là hướng đến Triều Tiên.

Ngoài ra, các quan chức Nga cũng đã ít nhất 2 lần đáp trả những hành động quân sự của Mỹ tại Syria bằng cách đe dọa rút khỏi một trong những thỏa thuận nhằm tránh khả năng Nga - Mỹ xảy ra xung đột trên bầu trời Syria.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, có quá ít lựa chọn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể mang đến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến ông có thể dễ dàng chấp thuận./.

Theo VOV

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.