Nga liên kết với Taliban: Liều lĩnh hay nhìn xa trông rộng?
(Baonghean) - Trong một tín hiệu cho thấy Nga đang mở rộng cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sang Trung Á, Chính phủ nước này đang tính đến chuyện mở các kênh liên lạc với nhóm phiến quân Taliban để trao đổi thông tin. Đây là một động thái đầy bất ngờ dấy lên những câu hỏi về mục đích cũng như tính hiệu quả trong bước đi này của Nga.
Động thái khó hiểu
Họp báo tại Bộ Quốc phòng Nga (25/12) thông báo về các vụ không kích IS ở Syria. Ảnh Reuters. |
Việc mới đây Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng thừa nhận ý định trao đổi thông tin tình báo với phiến quân Taliban ở Afghanistan để chống IS khiến cả giới quân sự lẫn giới quan sát bất ngờ và hoài nghi. Bởi hiện nay Taliban vẫn là “kẻ thù” nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Nga và Moskva coi nhóm phiến quân này là lực lượng vũ trang chuyên gieo rắc bất ổn và kinh hoàng. Tương tự như IS, Taliban khét tiếng với những vụ hành hình dã man và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại các khu vực nhóm này kiểm soát. Nguy hiểm hơn, hiện Taliban kiểm soát một số vùng lãnh thổ của Afghanistan gần biên giới với Tajikistan, thuộc Liên Xô trước đây và hiện là đồng minh của Nga.
Vậy vì sao Nga liên kết với “kẻ thù”? Theo giới chức Nga, về mặt khách quan, Nga và Taliban đều quan tâm tới cuộc chiến chống nhóm IS. Nhóm phiến quân Taliban tại Afghanistan cũng như Taliban tại Pakistan đã tuyên bố không thừa nhận thủ lĩnh IS Al-Baghdadi là “vua”, cũng như không thừa nhận nhóm nổi dậy này. Và như vậy là cả Nga và Taliban đều đang có mục tiêu chung là tiêu diệt IS. Song đây chỉ là “bề nổi”. Theo các chuyên gia, ý định mới là lựa chọn táo bạo theo kiểu “lấy độc trị độc” và đi trước một bước của Điện Kremlin trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thực tế cho thấy, sự bành trướng của IS trong khu vực từ lâu đã trở nên rõ ràng khi chúng mua chuộc, dụ dỗ các nhóm thánh chiến khác như Boko Haram hay al-Qaeda. Hiện chúng chưa lôi kéo được Taliban nhưng ai có thể đảm bảo 2 nhóm khủng bố khét tiếng không thôn tính lẫn nhau. Tháng trước, quân đội Mỹ cảnh báo IS đang tăng cường sự hiện diện ở Afghanistan và đã có khoảng 3.000 tay súng tại đây. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chi nhánh của IS ở Afghanistan đang công khai đụng độ với Taliban để tranh giành lãnh thổ. Trong thời gian qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về nguy cơ những kẻ cực đoan từ vùng Caucasus và các nước Liên Xô cũ đến Syria gia nhập IS.
Phiến quân Taliban ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Nếu Taliban bị IS thôn tính hoặc Taliban chủ động ngả theo IS, Afghanistan, Pakistan và những địa bàn hoạt động của Taliban sẽ sớm trở thành chiến địa mới của IS không khác gì Iraq hay Syria hiện nay. Khi đã "chắc chân" ở khu vực này, IS có thể vươn vòi bạch tuộc sang 2 láng giềng Tajikistan và Turkmenistan, mở toang cửa cho những kẻ Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào Nga và thực hiện các đòn tấn công từ bên sườn, điều mà Moskva đang rất lo ngại kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria. Như vậy, việc liên kết với Taliban sẽ là cách chủ động phòng ngừa IS lan tới gần lãnh thổ Nga.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, chiến lược của Nga còn nhằm “ghi điểm” với các nước đồng minh láng giềng ở Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Việc Nga kết nối thông tin với Taliban có thể là cách để Điện Kremlin đảm bảo với các đồng minh rằng, những thông tin tình báo về IS sẽ được Nga nắm giữ và chia sẻ với họ. Đây là sự khôi phục mạnh mẽ các mối quan hệ và củng cố niềm tin với các nước cộng hòa Trung Á, cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Afghanistan.
Nguy hiểm tiềm tàng
IS được cho là đang mở rộng lãnh thổ sang Afghanistan. Ảnh: DailyMail. |
Tuy vậy, chiến lược của Nga cũng khiến giới phân tích hoài nghi và cho rằng bước đi này có phần liều lĩnh. Chiến thuật “lấy độc trị độc” hay “dùng kẻ thù trị kẻ thù” từng được Mỹ và phương Tây sử dụng trong các cuộc chiến. Mới đây, một Nghị sĩ Anh đã lên tiếng cáo buộc chính Mỹ và Anh đã khai sinh ra al-Qaeda và Taliban. Những tổ chức này được Mỹ và Anh tạo nên, được cung cấp tiền bạc và vũ trang để chống lại Liên Xô trong những năm 1980. Nhưng việc sử dụng những kẻ khủng bố làm vũ khí chống lại kẻ thù đã khiến Mỹ phải gánh hậu quả bị chính "đứa con" quay lưng tấn công lại. Mỹ và các đồng minh sau đó đã phải trả giá quá đắt vào một cuộc chiến hơn 10 năm hao người tốn của ở Afghanistan để loại bỏ Taliban, nhưng cuối cùng cũng không thể “nhổ cỏ tận gốc”.
Đó là chưa kể những cáo buộc cho rằng IS cũng chính là “sản phẩm” của Mỹ và phương Tây khi tạo ra để lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Và giờ đây, chính Mỹ và phương Tây lại đau đầu tìm cách “xóa sổ” sản phẩm do mình tạo ra với hàng chục nghìn cuộc không kích mà vẫn chưa có hiệu quả.
Chính vì thế, bước đi của Nga khiến người ta liên tưởng tới những kịch bản cũ Mỹ từng trải qua có thể lặp lại khi chiến thuật “dùng kẻ thù chống kẻ thù” không những táo bạo mà còn gây ra hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Như một cách để trấn an dư luận, Nga cho biết sẽ không có chuyện Moskva ủng hộ Taliban và việc hợp tác chỉ trong khuôn khổ cuộc chiến chống IS. Mọi hành động của Nga tại khu vực đều được tiến hành trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các nước. Xem ra ý định mới của Nga là lựa chọn sáng suốt hay rủi ro vẫn là câu hỏi ngỏ tùy thuộc vào cách xử lý và ứng biến của Moskva.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|