Nga - Mỹ: 'Ăn miếng trả miếng' trên mặt trận ngoại giao
Nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong khi các nhân viên ngoại giao Nga gặp trở ngại trong vấn đề thị thực. Những động thái đáp trả ngoại giao đang khiến quan hệ 2 nước này ngày càng lao dốc.
Ăn miếng trả miếng trên mặt trận ngoại giao
Ngày 3/8, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky nhận định rằng, Mỹ thay vì "hủy bỏ các hạn chế được áp đặt trước đó lên các nhà ngoại giao Nga và đảo ngược việc nắm giữ bất hợp pháp các tài sản của Nga thì lại sử dụng vấn đề thị thực như một biện pháp để gây sức ép.
"Thời gian đã chín muồi để Bộ Ngoại giao Mỹ ngừng chơi trò chơi vỏ sò (phương pháp lừa dối bằng cách che giấu sự thật - ND) và thay đổi tráo trở các điều khoản. Những điều chúng ta có thể thấy cho tới nay không phải các biện pháp nhằm cân bằng hoạt động của các phái đoàn ngoại giao mà là sự coi thường mạnh mẽ các quy chuẩn ngoại giao, một thực tế trái ngược với những điều mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từng tuyên bố".
Ông Leonid Slutsky cũng nhắc lại việc cuối tháng 4, Mỹ, theo sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt chống Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga sau những cáo buộc có liên hệ với các cơ quan tình báo.
"Moscow đã thực hiện như những gì vẫn thường làm trong các tình huống này, đó là tuyên bố 10 nhân viên đại sứ quán Mỹ là nhân vật không được chào đón ở Nga", ông Slutsky cho hay. Cùng với đó, Nga cũng cấm các phái đoàn ngoại giao Mỹ thuê các công dân Nga hoặc công dân từ các nước thứ ba.
"Ở thời điểm này cần có sự xác định rõ ràng: Hạn ngạch của Mỹ là 455 nhân viên đại sứ quán. Như Đại sứ của chúng tôi ở Washington, ông Anatoly Antonov bình luận, Mỹ có thể tự do sử dụng hạn ngạch này ở mức độ đầy đủ. Trong khi đó, tại Mỹ, Nga có 450 nhà ngoại giao, 150 trong số đó làm việc ở Liên hợp quốc và chỉ có 300 người ở các đại sứ quán và lãnh sự quán".
"Mỹ nói rằng, việc cấm thuê nhân viên địa phương sẽ làm đảo lộn hoạt động bình thường của đại sứ quán. Điều đó chẳng phải là do Bộ Ngoại giao Mỹ gặp vấn đề thiếu nhân lực sao? Đây là một tin buồn nhưng không phải vấn đề của chúng tôi”.
"Các nhân viên đại sứ quán Nga đã bị từ chối gia hạn thị thực. Các thị thực mới chưa được cấp. Các nhân viên mới được bổ nhiệm không thể bay tới Mỹ và một giới hạn đi lại 3 năm với nhân viên Nga đã được đưa ra. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tỏ ra không biết gì và nói rằng, mọi thứ vẫn được thực hiện đúng và theo các thủ tục bình thường".
Theo quan chức Nga này, tất cả những điều trên đều đi ngược lại thỏa thuận từng đạt được trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden ở Geneva.
"Washington nên dừng gây sức ép về vấn đề ngoại giao. Tình hình phải được cải thiện sớm nhất có thể. Nếu không thì tất cả các tuyên bố mà phía Mỹ đưa ra nhằm duy trì các kênh liên lạc chỉ nằm trên giấy tờ và những nhận định cho báo chí", ông Slutsky bình luận.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn với National Interest rằng, vào tháng 12 năm ngoái, Washington đã chuyển cho Moscow danh sách 24 nhà ngoại giao Nga sẽ phải về nước trước 3/9 sau khi Mỹ đơn phương đặt ra giới hạn đi lại trong 3 năm đối với nhân viên Nga. Ngoài ra, Đại sứ Nga cũng cho biết, các nhà chức trách Mỹ đã hủy các visa hợp lệ được cấp cho người thân của các nhân viên mà không giải thích lý do.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ không muốn leo thang căng thẳng với Nga liên quan đến các điều kiện đối với các nhà ngoại giao của 2 nước. Ông cũng cho rằng, các biện pháp hạn chế về quãng thời gian bổ nhiệm làm việc là nhằm mục đích cân bằng hoạt động của phái đoàn ngoại giao này.
Đại sứ Nga đã đáp lại rằng, gần đây Nga cấp 22 thị thực cho các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, trong khi Washington chỉ gia hạn thị thực cho duy nhất 1 cố vấn bộ trưởng của Nga, một động thái đi ngược với thỏa thuận từng đạt được trước đó giữa 2 bên.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cũng cho rằng, Mỹ là bên đáng bị đổ lỗi hoàn toàn cho những vấn đề về thị thực mà các nhà ngoại giao Nga đang đối mặt.
"Việc này hoàn toàn là do lỗi của Mỹ. Mỹ đã cáo buộc vô căn cứ Nga can thiệp vào công việc nội bộ và nhắm đến các phái đoàn ngoại giao Nga để đáp trả, nắm giữ tài sản của họ, trục xuất các nhân viên ngoại giao và từ chối cấp thị thực cho những nhân viên mới", Thượng nghị sĩ này chỉ rõ.
Ông cũng cho biết Nga chỉ mới áp dụng một vài biện pháp đáp trả và có thể hủy bỏ chúng nếu "Washington dừng các bước đi bất hợp pháp nhằm chống lại các nhà ngoại giao".
"Thật đáng tiếc, việc này cũng gây tổn hại đến sự hợp tác tiềm năng trong những lĩnh vực khác, bởi bầu không khí độc hại liên quan đến các vấn đề ngoại giao đã cản trở tiến triển trong những lĩnh vực khác", ông Kasachev cho hay.
Ngày 1/8, nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Nga đã giảm xuống còn 120, mức thấp nhất trong 5 năm bởi Moscow cấm Washington thuê các công dân có Quốc tịch Nga và công dân nước thứ 3 nhằm đáp trả lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Nga hồi tháng 4.
Ngưỡng đối đầu nguy hiểm
Các biện pháp hạn chế trên đã cho thấy quan hệ Nga - Mỹ ngày càng lao dốc trong những năm gần đây.
Từ trước khi lệnh cấm thuê công dân Nga và công dân nước thứ 3 làm việc tại các cơ quan ngoại giao Mỹ có hiệu lực, một số quan chức Mỹ trong Bộ Ngoại giao đã tỏ rõ sự thât vọng khi chính quyền Tổng thống Biden không đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn trước các lệnh hạn chế của Nga. Ông Biden không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào, bao gồm cả việc cắt giảm các nhà ngoại giao Nga ở các lãnh sự quán tại Houston, New York hay Đại sứ quán Nga tại Washington.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu và một số chuyên gia khác cho rằng, những biện pháp hạn chế mới của Nga sẽ phá hủy khả năng tiến hành các hoạt động ngoại giao hàng ngày của Mỹ, từ những vấn đề chính trị cho tới thị thực và các công việc lãnh sự, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhân viên địa phương trong việc xử lý các hoạt động chức năng của đại sứ quán.
Nga: Còn có nhiều thách thức từ phương Tây trên Biển Đen. Ảnh minh họa |
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Sullivan cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tháng trước rằng, 2 lãnh sự quán còn lại của Mỹ ở Nga tại Yekaterinburg và Vladivostok sẽ phải tạm dừng hoạt động do sự cắt giảm nhân viên.
Scott Rauland, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc lại lãnh sự quán ở Yekaterinburg đã gọi đây là "một cú đánh mạnh" vào hoạt động ngoại giao Mỹ tại Nga.
"Ít nhất thì Nga đã thành công trong việc cản trở toàn bộ cấu trúc ngoại giao tại đây về ngắn hạn. Với những lãnh sự quán như thế này, sẽ cần vài năm để quay lại hoạt động bình thường và đầy đủ chức năng".
Heather Conley, một chuyên gia về Nga và châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cho rằng, các biện pháp hạn chế mới đã phản ánh "mức thấp mới" trong quan hệ Nga - Mỹ.
Trước đó, trong cuộc họp của Bộ Ngoại giao do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chủ trì hồi tháng 7, tuyên bố của hội nghị đã khẳng định: "Quan hệ song phương Nga - Mỹ đã tiến gần đến ngưỡng đối đầu nguy hiểm bởi những sai lầm của Washington, bên luôn tiến hành những hàng vi khiêu khích chưa từng có trong những năm gần đây”.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ và Nga sau cuộc gặp giữa 2 Tổng thống ở Geneva hồi tháng 6, nhiều chuyên gia tin rằng, quan hệ 2 nước sẽ tiếp tục lao dốc trong thời gian tới./.