Nga và Ukraine trao đổi tù nhân; Xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài nhiều năm
(Baonghean.vn) - Nga và Ukraine trao đổi tù nhân; Xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài nhiều năm; Iran bắt tàu và 12 thuyền viên người Philippines; Quân đội Triều Tiên có thay đổi lớn về nhân sự lãnh đạo... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Nga và Ukraine trao đổi tù nhân
Máy bay Nga xuất hiện ở sân bay quốc tế Borispil bên ngoài Kiev. Ảnh: Reuters |
Theo RT, các máy bay chở tù nhân Nga và Ukraine hôm 7/9 hạ cánh xuống sân bay Kiev và Moscow, hoàn tất vụ hoán đổi tù nhân với định dạng 35 đổi 35. Chiếc phi cơ Nga trước đó tới sân Borispil vào sáng 7/9. Khi trở về, nó chở theo trưởng đại diện của hãng tin Nga RIA Novosti tại Ukraine Kirill Vyshinsky cùng các tù nhân khác từng bị Kiev bắt giữ.
Quân đội Triều Tiên có thay đổi lớn về nhân sự lãnh đạo Theo hãng tin KCNA của Triều Tiên, quyết định bổ nhiệm Tướng Pak Jong-chon làm Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên được công bố tại một buổi lễ có sự tham dự của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tướng Pak sẽ kế nhiệm ông Ri Yong gil - một chuyên gia về hoạt động quân sự, người giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng của quân đội Triều Tiên từ năm 2013. Nhà phân tích Ahn Chan-il cho rằng, động thái trên cho thấy quân đội Triều Tiên trong thời gian tới có thể sẽ tập trung vào kế hoạch phát triển vũ khí mới. Theo ông Ahn, Triều Tiên dường như đang cảm thấy bị đe dọa sau khi Hàn Quốc hồi đầu năm mua các máy bay chiến đấu F-35 có khả năng tàng hình trước radar của Mỹ.Quân đội Triều Tiên có Tổng tham mưu trưởng mới.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài nhiều năm?
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu với báo chí. Ảnh: Reuters |
Phát biểu với giới phóng viên Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay, dù Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về những vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ trong 18 tháng qua. "Chúng tôi phải sửa đổi và nếu điều đó kéo dài một thập niên thì cũng đành chấp nhận”, ông Kudlow cho biết thêm.
Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài 14 tháng leo thang từ tháng 5, khi các cuộc đàm phán sụp đổ sau khi Bắc Kinh rút lại các cam kết trước đó là thay đổi theo luật nhằm cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc và cho phép Mỹ tiếp cận thêm thị trường Trung Quốc.
Thủ lĩnh đối lập Venezuela bị điều tra tội phản quốc
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tham dự phiên họp của Quốc hội Venezuela tại Caracas ngày 20/8. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi đã mở cuộc điều tra Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido vì đàm phán bất hợp pháp để từ bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của đất nước với vùng lãnh thổ Esequibo. Đây là tội phản quốc", Bộ trưởng Tư pháp Tarek William Saab cho biết trong cuộc họp báo ở Caracas ngày 7/9.
Trước đó, Tổng thống Nicolas Maduro kêu gọi các công tố viên nộp đơn tố cáo tội phản quốc của Guaido khi "âm mưu giao nộp Esequibo cho các công ty đa quốc gia". Cáo buộc dựa trên bản ghi âm một quan chức Mỹ khuyên cố vấn của Guaido "giao Esequibo cho tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và các công ty đa quốc gia khác".
Hội đồng Lập hiến Venezuela đã tước quyền miễn trừ của Guaido hồi tháng 4. Thủ lĩnh phe đối lập còn đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh cấm xuất cảnh và tiếm quyền sau khi tự xưng là tổng thống lâm thời.
Guaido hiện vẫn tự do và tiếp tục hoạt động chống lại Tổng thống Maduro. Mỹ, nước hỗ trợ Guaido nhiều nhất, cảnh báo chính quyền Venezuela về "hậu quả nghiêm trọng" nếu chính trị gia 36 tuổi bị bắt.
Iran bắt tàu và 12 thuyền viên người Philippines
Tàu cao tốc Iran lướt qua tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh hồi tháng trước. Ảnh: Reuters |
Reuters ngày 7/9 đưa tin Cảnh sát biển Iran đã bắt một tàu kéo cùng 12 thuyền viên người Philippines vì nghi vấn buôn lậu dầu tại vùng Vịnh. Reuters dẫn lại nguồn từ đài truyền hình quốc gia của Iran, cho biết tàu kéo này chở theo 284.000 lít dầu diesel. Tuy nói 12 thuyền viên là người Philippines, bản tin này không cho biết chiếc tàu treo cờ nước nào.
Iran là một trong những nước có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới nhờ chính phủ trợ giá mạnh tay. Đây cũng là quốc gia đang phải đối phó với nạn buôn lậu dầu ra nước ngoài thông qua đường biên giới và đường biển. Iran đã liên tục bắt giữ các tàu vì nghi vấn buôn lậu dầu tại vùng Vịnh.